Dưới đây là trao đổi với luật sư Trần Hồng Phúc, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Hoàng Xuân Quế tại Tòa.

* Giấy biên nhận ghi có chữ ký, luận án thu về lại không

Những cuốn luận án tiến sĩ có tên Hoàng Xuân Quế được Bộ GD-ĐT sử dụng làm căn cứ để xác minh và đưa ra các quyết định liên quan. Vì sao luật sư có quan điểm phản bác các tài liệu này?

{keywords}

Luật sư Trần Hồng Phúc

- Mấu chốt của vụ án này là hồ sơ gốc của nghiên cứu sinh (NCS) Hoàng Xuân Quế không được Bộ GD-ĐT đưa ra xem xét mà lại đi thu thập 3 cuốn luận án ở thư viện để kết luận ông Quế sao chép luận án của người khác.

Đặc biệt, cuốn luận án ông Quế bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước năm 2003, các bản nhận xét phản biện kín của các nhà khoa học do Bộ trưởng ủy quyền thẩm định chất lượng luận án, Bản giải trình chỉnh sửa luận án có xác nhận của Giáo viên hướng dẫn, Bản luận án hoàn chỉnh đã chỉnh sửa theo ý kiến của các nhà phản biện kín… đều không có.

Tôi cho rằng, nếu hồ sơ gốc còn lưu tại Bộ GD-ĐT thì khi có tố cáo chỉ cần cho lập biên bản và rút hồ sơ của ông Hoàng Xuân Quế cũng như ông Mai Thanh Quế để đối chiếu là có thể kết luận được.

Tại Tòa án, ông Quế luôn yêu cầu bộ đưa hồ sơ gốc của ông Quế ra để làm căn cứ so sánh, đối chiếu nhưng không có!

Còn 3 cuốn luận án tiến sĩ do Bộ GD-ĐT thu thập không tuân thủ đúng quy định do chính Bộ GĐ-ĐT ban hành đối với việc nộp luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh tại thời điểm năm 2003 cũng như không đúng với thực tế ông Quế giao nộp như đã thể hiện tại Biên lai giao nhận luận án (không có chữ ký cam đoan của tác giả, không có tài liệu bổ sung nộp cùng luận án sau khi bảo về xong, mất sổ thư viện có chữ ký của nghiên cứu sinh…).

Phía Bộ GD-ĐT cho rằng không có quy định về chữ ký của nghiên cứu sinh trong luận án tiến sĩ để giải thích cho việc sử dụng những cuốn luận án lưu không có chữ ký của ông Quế. Nhưng đây cũng là lý do để ông Quế khẳng định cuốn luận án tiến sĩ của ông Quế tại Thư viện Quốc gia, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đã bị ai đó đánh tráo. Tại sao ông Quế không chấp nhận sự lý giải của phía Bộ GD-ĐT?

- Đối với cuốn thu thập tại thư viện Quốc gia, theo quy định tại tiểu mục 3.1 Mục III Hướng dẫn tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ ban hành kèm theo quyết định số 8217/SĐH ngày 1/9/2000 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn đánh giá luận án tiến sĩ, NCS phải nộp cho Thư viện quốc gia cuốn luận án (có chữ ký cam đoan của mình), kèm theo có các tài liệu sau: 1 bản tóm tắt luận án, 1 Quyết định thành lập hội đồng chấm luận án, 3 bản nhận xét của phản biện và 1 Quyết nghị của hội đồng chấm luận án, đều được đóng vào phần cuối luận án.

Không có việc tách rời để xác định mất hay thư viện không lưu giữ hoặc nghiên cứu sinh không nộp như Biên bản làm việc ngày 30/9/2013 của Tổ xác minh Thanh tra Bộ và Thư viện Quốc gia.

Hơn nữa, khẳng định của ông Quế phù hợp với nội dung tại Giấy biên nhận luận án ngày 5/11/2003 là Thư viện Quốc gia đã nhận của NCS 1 cuốn luận án (có chữ ký cam đoan của ông Quế), kèm theo có các tài liệu sau 1 bản tóm tắt luận án, 1 Quyết định thành lập hội đồng chấm luận án, 3 bản nhận xét của phản biện và 1 Quyết nghị của hội đồng chấm luận án.

Cuốn luận án thu thập tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân mà Bộ thu thập không phải của ông Quế, vì tại Biên bản làm việc ngày 1/10/2013, Giám đốc thư viện và cán bộ chuyên trách thư viện của Nhà trường này khẳng định quy trình nhận luận án lưu thư viện năm 2002 - 2003 là: Thư viện thu luận án, phát phiếu nộp luận án cho người nộp, người nộp ký vào Sổ theo dõi của thư viện.

Đối chiếu cuốn luận án thu thập tại đây không có chứ ký của NCS Hoàng Xuân Quế. Ngoài ra, căn cứ để xác định cuốn luận án do ông Quế nộp phụ thuộc chữ ký của ông Quế tại Sổ theo dõi thư viện nhưng Lãnh đạo thư viện Nhà trường lại cho rằng không tìm thấy sổ ký nhận nộp của ông Quế vì sau nhiều lần chuyển kho bị thất lạc, thư viện chỉ con lưu Sổ theo dõi từ năm 2009 đến nay.

{keywords}

Đối với cuốn thu thập tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, theo quy chế đào tạo sau đại học thì Bộ có trách nhiệm lưu, quản lý luận án của NCS. Không có văn bản pháp lý nào quy định Bộ GD-ĐT được quyền không lưu giữ mà chuyển luận án cho thư viện các địa phương.

Cuốn thu thập tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM cũng không có chữ ký cam đoan của NCS Hoàng Xuân Quế, không phải do ông Quế nộp, thư viện này không phải là nơi có quyền lưu giữ luận án của NCS Hoàng Xuân Quế theo quy định.

* Ai là người “đánh tráo”?

Sau khi bị tố cáo là “sao chép luận án”, ông Quế đã tự đi xin lại được 3 cuốn luận án tiến sỹ từ các giáo viên hướng dẫn và người phản biện. Những cuốn luận án tiến sỹ này có nội dung khác với những các cuốn lưu tại các thư viện. Cơ sở nào để khẳng định những bản luận án ông Quế tự nộp lại sau này là bản gốc?

- Do ông Quế có nghĩa vụ giải trình về nội dung tố cáo tại Bộ GD-ĐT nên phải thu thập tài liệu để chứng minh cho mình. Cả 3 cuốn luận án ông Quế nộp cho Bộ GD-ĐT đều là do các thành viên chấm luận án năm 2003 cho mượn và trước khi giao cho ông Quế thì người giao đã ký vào từng trang của luận án cũng như viết xác nhận, ký tên vào trang đầu của luận án.

- Luật sư của Bộ GD-ĐT cho rằng “Giả sử việc “đánh tráo” có thật, thì nó đã diễn ra ở cả 3 thư viện: Thư viện ĐH Kinh tế Quốc dân, Thư viện Quốc gia, và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Điều này không thể xảy ra trong thực tế. Điều quan trọng nhất tôi muốn nhấn mạnh, nếu khẳng định cuốn luận án của mình bị “đánh tráo”, ông Quế phải có đơn tố cáo và phải có chứng cứ chứng minh cho tố cáo đó”. Quan điểm của bà như thế nào về nhận định này?

- Thư viện là nơi công cộng để phục vụ đông đảo bạn đọc, được tổ chức và hoạt động theo Pháp lệnh Thư viện, đó không phải là nơi có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đào tạo của nghiên cứu sinh theo quy định. Luận án lưu tại thư viện không đúng như quy định giao nộp và biên lai giao nộp thì không đảm bảo tính truy nguyên nguồn gốc của tài liệu. Việc đánh tráo tài liệu vì mục đich xấu là có khả năng xảy ra.

Còn việc ông Quế có tố cáo thì phải dựa trên cơ sở xác định được người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật và có chứng cứ chứng minh. Cả 3 cuốn luận án mang danh Hoàng Xuân Quế do Bộ GD-ĐT thu thập cần được Tòa án xem xét, đánh giá chứng cứ và tuyên án thì từ đó mới có cơ sở để ông Quế xem xét và có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Với giả thiết “đánh tráo” được đưa ra, luật sư có thể cho biết ông Quế có nhận định về khả năng ai là người đánh tráo, và đánh tráo nhằm mục đích gì không?

- Tôi không thể nhận định, kết luận gì về vấn đề này. Tuy nhiên, về phía ông Quế, tại phiên tòa sơ thẩm, đã liên tục khẳng định vụ việc phát sinh là do bị một nhóm cán bộ ở trường đại học nơi ông Quế công tác “đánh” vào thời điểm nhà trường sắp xếp công tác tổ chức cán bộ.

Tại sao luật sư cho rằng Quyết định 4674 được ban hành trên cơ sở phát sinh từ việc tố cáo nhưng người bị kiện vi phạm quy trình thụ lý, giải quyết đơn thư tố cáo và ra kết luận giải quyết tố cáo không đúng quy định của pháp luật?

- Trình tự giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 18 Luật Tố cáo 2011 và Thông tư số 01 ngày 15/12/2009 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhận được đơn tố cáo do cả cơ quan báo chí và cả Đại biểu Quốc hội chuyển đến. Trong khi Bộ chưa thụ lý đơn và người tố cáo không có tài liệu chứng minh nội dung tố cáo nhưng Bộ đã triển khai giao Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Kinh tế học và mời thêm A83 xác minh nội dung tố cáo từ tháng 6 và tháng 7/2013, nhưng đến giữa tháng 9/2013 mới bắt đầu ra quyết định thành lập Tổ xác minh tố cáo và tái thực hiện việc xác minh.

Đặc biệt, khi chưa có kết luận giải quyết tố cáo nhưng người tố cáo đã biết được nội dung ông Quế giải trình với Bộ cũng như kết quả xác minh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân…

Tất cả những vi phạm này đều đã được chúng tôi phân tích kỹ lưỡng, viện dẫn quy định của pháp luật tại phiên tòa sơ thẩm.

Xin cảm ơn bà.

Ngân Anh thực hiện