- Vấn đề lựa chọn mục từ và giải quyết sự giao thoa giữa các lĩnh vực trong cùng một mục từ của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN) nhận được những thảo luận sôi nổi từ các chuyên gia tại Hội thảo "Khởi động động biên soạn BKTTVN" sáng 26/2.

Trong báo cáo đề dẫn, GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ nhiệm Đề án biên soạn BKTTVN cho biết, năm 2017, tất cả 37 ban biên soạn đều thực hiện nhiệm vụ xây dựng đề cương chuyên ngành.

Nội dung quan trọng nhất của đề cương là xây dựng bảng mục từ của quyển chuyên ngành. "Vấn đề cốt yếu nhất chính là ở chỗ cần phải lựa chọn mục từ như thế nào?" - ông Thắng nêu vấn đề. 

Hiện tại, dù chưa đưa ra được con số cụ thể về số mục từ trong mỗi quyển, song tinh thần chung là mỗi ban sẽ biên soạn một quyển chuyên ngành trong bộ BKTTVN gồm 37 quyển với số trang tương đương nhau.

"Từ đó có thể hình dung mỗi quyển trung bình khoảng 1.500-2.000 trang in thì sẽ có khoảng 2.000-2.500 mục từ" - ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, cần xác định việc biên soạn BKTTVN nên tri thức của Việt Nam sẽ là 70% và tri thức thế giới là 30% (chuyên ngành đặc thù thì tỉ lệ khác).

Hồ Chí Minh chỉ để một mục hay nhiều mục từ?

Trao đổi tại hội thảo, GS Nguyễn Văn Hiệu, người tham gia biên soạn quyển Vật lý - Thiên văn học cho rằng, các lĩnh vực khoa học có sự giao thoa với nhau rất lớn nên sẽ nhiều mục từ sẽ nằm ở cả hai quyển, do đó, nếu hai quyển viết lệch nhau là không được.

{keywords}
GS Nguyễn Văn Hiệu trao đổi bên hành lang hội thảo. Ảnh: Lê Văn.

Vì vậy, ông đề nghị, các thành viên các ban biên soạn phải có sự hợp tác với nhau một cách mật thiết để tạo nên sự hài hòa giữa các quyển có sự giao thoa.

GS Trần Đức Cường, người tham gia biên soạn quyển 21 về Lịch sử Việt Nam thì nêu vấn đề, việc biên soạn không chỉ cần đến sự hợp tác giữa các ban mà còn là vấn đề phối hợp và việc chỉ đạo sự phối hợp ấy.

Ông Cường cho rằng, các lĩnh vực KHXH&NV với đặc thù "Văn, Sử, Triết bất phân" nên có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, cùng một nội dung, hiện tượng, nhân vật nhưng chắc chắn sẽ là hiện tượng nghiên cứu, biên soạn của nhiều quyển khác nhau.

"Có những nhân vật như Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông hay Hồ Chí Minh đều sẽ là đối tượng biên soạn của một số tập. Vì họ đều là danh nhân trong các lĩnh vực lịch sử, chính trị, văn hóa, văn học rồi các lĩnh vực khác nữa" - ông Cường phân tích.

Từ đó, ông Cường đề nghị, Ban chủ nhiệm Đề án nên có sự chỉ đạo để các ban biên soạn các quyển có sự phối hợp để những nhân vật hiện tượng như vậy thì chỉ để một mục từ duy nhất.

"Có lẽ trong BKTT thì chỉ nên có 1 mục từ duy nhất về Hồ Chí Minh thôi chứ không nên tách ra thành nhiều mục từ trong nhiều quyển khác nhau" - ông Cường đề nghị.

Bàn về vấn đề này, GS Hồ Sỹ Quý, thành viên ban biên soạn quyển số 26 về Triết học lại cho rằng, những nhân vật như Hồ Chí Minh thì có thể vào một mục từ thì được nhưng những nhân vật như Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn thì chưa chắc, Nguyễn Trãi lại càng không.

"Nói văn thơ không thể bỏ Nguyễn Trãi ra ngoài được. Nói đến Sử không thể bỏ Nguyễn Trãi ra ngoài được, nói đến Triết học cũng không thể bỏ ông ra ngoài cuốn ấy được" - ông Quý nói.

Từ đó, ông Quý cho rằng mỗi một quyển thuộc bộ BKTTVN phải phản ánh toàn bộ thế giới và Việt Nam ở khía cạnh mà nó nghiên cứu. Vì vậy, tùy mỗi quyển, mỗi lĩnh vực mà mức độ đòi hỏi đến đầu thì nên thể hiện đến đó.

Còn GS Phan Trọng Thưởng, thuộc ban biên soạn quyển 18 về Văn học thì cho rằng, cần có một hội đồng khoa học để giải quyết những vướng mắc giữa các quyển và ngay cả những vấn đề mà trong một quyển cũng không giải quyết được. "Nó không chỉ đơn giản là một cuộc gọi điện thoại mà phải có sự điều tiết chung" - ông Thưởng nói.

Bao nhiêu thế giới, bao nhiêu VN thì vừa?

GS Hồ Sỹ Quý nêu vấn đề, việc trả lời câu hỏi bao nhiêu phần trăm là tri thức thế giới, bao nhiêu phần trăm là tri thức Việt Nam là câu hỏi vô cùng phức tạp.

"Triết học Việt Nam theo đúng nghĩa thì tới giờ chưa có. Tổ tiên ta có những tư tưởng đặc biệt có giá trị về phương diện triết học, triết lý nhưng đưa vào thì đưa tới đâu và đưa như thế nào?" - ông Quý nói.

{keywords}
GS Hồ Sỹ Quý cho rằng, việc phân định bao nhiêu phần trăm thế giới bao nhiêu phần trăm Việt Nam trong mỗi quyển là máy móc. Ảnh: Lê Văn.

Bên cạnh đó, ông Quý cho rằng, tri thức khoa học nói chung là của nhân loại chứ không của riêng ai vì vậy không có khoa học nào mà phạm trù đó lại là của riêng Việt Nam.

Từ đó, ông Quý cho rằng, việc xác định hàm lượng Việt Nam hay thế giới thì nên tùy thuộc vào mỗi quyển sao cho phù hợp chứ không nên cào bằng bằng con số bao nhiêu %. "Như vậy quá máy móc" - ông Quý nói.

GS Phan Trọng Thưởng thì cho rằng, trong lĩnh vực Văn học có nhiều phạm trù rất khó phân biệt là thế giới hay Việt Nam như các khái niệm lý luận văn học thì là khái niệm chung, Việt Nam và thế giới đều dùng. Do vậy, điều này sẽ làm khó các nhà biên soạn khi phân định tỉ lệ thế giới và Việt Nam.

Sẽ tham khảo cách làm của Wikipedia

GS Nguyễn Ái Việt, người tham gia biên soạn quyển 8 về lĩnh vực CNTT cho rằng cần phải ứng dụng tối đa CNTT để xây dựng bộ BKTTVN để có thể tiết kiệm thời gian, công sức, tiếp thu tốt hơn các thành tựu, kinh nghiệm nước ngoài cũng như tận dụng các lợi thế mà CNTT đem lại trong việc giải quyết các công việc thực tế khi biên soạn cũng như quản lý đề án.

Ông Việt cũng đề xuất nên xây dựng một cổng thông tin BKTTVN để huy động các chuyên gia, trí thức và toàn xã hội tham gia xây dựng và phản biện đối với nội dung trong BKTT đang xây dựng. 

{keywords}
GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ nhiệm Đề án khẳng định sẽ ứng dụng CNTT để rút ngắn thời gian biên soạn bộ BKTTVN. Ảnh: Lê Văn.

Ông Việt cũng cho rằng, nên cân nhắc việc xuất bản phiên bản điện tử của bộ BKTTVN trước để mọi người có thể tham khảo, góp ý trước khi in.

Ghi nhận ý kiến của GS Việt, GS Nguyễn Xuân Thắng thông tin, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã mời một số nhà khoa học để bàn về việc này. Theo đó, đề án đã bàn về việc xây dựng cổng thông tin BKTT để tranh thủ đóng góp của xã hội.

"Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có yêu cầu nhóm làm về CNTT liên hệ làm việc với Wikipedia, tham khảo cách làm của họ" - ông Thắng cho biết.

Ông Thắng cũng đồng tình với đề xuất xuất bản bản điện tử của bộ BKTTVN trước để góp ý, cập nhật trước khi đem in.

Ông Thắng cũng khẳng định, Hội đồng chỉ đạo xác định phải áp dụng triệt để CNTT để rút ngắn thời gian biên soạn. "Thời gian các quyển có thể dài ngắn khác nhau nhưng không kéo dài quá 5 năm" - ông Thắng khẳng định.

Đề án Biên soạn BKTTVN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 7/2014. 

Tới tháng 2/2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng chỉ đạo biên soạn BKTTVN do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch.

Tiếp theo đó, chủ tịch hội đồng đã ký quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Đề án  và quyết định bổ nhiệm 37 trưởng ban biên soạn của 37 quyển chuyên ngành.

Lê Văn