- GS Trần Ngọc Thêm lý giải kỹ những vụ việc nghi là đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnamnet và cho hay ông Tồn "coi thường người đọc đến mức mang công trình có chứa nội dung đạo văn này đăng ký một giải thưởng trí tuệ danh giá nhất nước là giải thưởng Hồ Chí Minh".

Phóng viên: Thông tin về việc sở dĩ cuộc họp không hoàn thành được việc xem xét "vấn đề đạo văn"còn lại của chương trình đã thông qua là do đa số thành viên Hội đồng cho rằng việc xác định sự giống nhau giữa cuốn sách của GS Tồn với luận án của TS Khanh và luận văn của bà Thu là "quá phức tạp", thực hư như thế nào, thưa ông? Những chỗ giống nhau giữa sách và các luận văn, luận án đều rất dễ nhận ra, vậy tại sao Hội đồng ngành Ngôn ngữ học gồm các chuyên gia về ngôn ngữ lại không thể làm được việc này?

GS Trần Ngọc Thêm: Đây chính là một trong những thông tin không chuẩn xác về cuộc họp hay đúng hơn là cách hiểu không chuẩn xác về thông tin này. Đúng là khi chuyển sang bàn về cách thức thực hiện nhiệm vụ "xem xét và cho ý kiến về dư luận do báo chí nêu về việc "đạo văn" của GS Nguyễn Đức Tồn có đúng sự thật hay không" thì hội đồng nhận thấy vấn đề trở nên rất phức tạp.

Nhưng sự phức tạp không nằm ở việc xác định sự giống nhau giữa các tài liệu theo kiểu đối chiếu các câu chữ, các trang là một công việc chủ yếu mang tính cơ học. Nó cũng không nằm ở những việc cần đến năng lực chuyên môn của các nhà ngôn ngữ học (vai trò của chuyên gia ngôn ngữ học sẽ là quan trọng khi cần xác định việc "đạo văn" ở những chỗ được thực hiện một cách tinh vi và khi cần đối chiếu bản luận án tiếng Việt của TS. Khanh với bản luận án tiếng Nga của TS. Tồn đã bảo vệ 8 năm trước đó). Nghĩa là sự phức tạp mà Hội đồng gặp phải nằm ở chỗ khác chứ không phải ở việc xác định sự giống nhau giữa cuốn sách của GS.Tồn và những luận văn, luận án có liên quan.

Vậy sự phức tạp này là gì thưa giáo sư?

- Thứ nhất, quan trọng hơn cả là cơ sở pháp lý để Hội đồng làm việc. Theo Khoản 2 điều 13 Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐCDGS quy định rằng HĐCDGS ngành có nhiệm vụ và quyền hạn "Xét và đề nghị HĐCDGS nhà nước hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của ứng viên đã được công nhận, nhưng bị phát hiện là không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 [các tiêu chuẩn chung và riêng của chức danh GS/PGS] của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg". Nếu là không đủ tiêu chuẩn do hồ sơ thì công việc sẽ thuộc về HĐCDGS, còn việc đạo văn đang bàn liên quan đến tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo, mà việc xem xét về đạo đức nhà giáo của những GS/PGS đã được bổ nhiệm thì thuộc thẩm quyền của cơ sở đào tạo đã bổ nhiệm và đang sử dụng nhà giáo, chứ không thuộc thẩm quyền của HĐCDGS các cấp.

{keywords}
GS Nguyễn Đức Tồn bị nghi đạo văn của học trò

Tiếp theo, vì công việc này không thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của HĐCDGS nên trong Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐCDGS các cấp không có điều khoản nào quy định về việc người bị phản ánh (đạo văn) là thành viên của Hội đồng không được tham gia cuộc họp bàn về việc này. Trong khoản 4 điều 13 của Quy chế chỉ có nói đến trường hợp ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là thành viên của HĐCDGS ngành (thì thành viên này "không được tham gia phần trao đổi, thảo luận, đánh giá về hồ sơ của mình, nhưng vẫn được tham gia bỏ phiếu tín nhiệm"). Quy định về việc xét chức danh của ứng viên này khác rất xa so với trường hợp đang xét, khi người bị phản ánh (đạo văn) là người đã được bổ nhiệm chức danh GS. Việc thảo luận xem quy định nêu ở khoản 4 điều 13 này có áp dụng được cho trường hợp đang xét hay không đã không thu được kết quả vì không một ai trong số những người có mặt có cơ sở nào để trả lời. Và vì không ai trả lời được nên hiển nhiên là không thể ngăn cản GS. Tồn tham gia cuộc họp của Hội đồng mà ông là thành viên.

Sự phức tạp còn nằm ở chỗ: Liên quan đến sự giống nhau giữa chương I sách của ông Tồn và luận án của bà Thúy Khanh (là những chương về cơ sở lý luận), có ý kiến cho rằng ở đây không chỉ đơn thuần là chuyện "đạo văn" mà còn có sự "tranh chấp bản quyền", việc này nằm ngoài phạm vi và khả năng xác định của Hội đồng Ngành.

Do tính chất đặc biệt phức tạp của vấn đề liên quan đến việc thiếu cơ sở pháp lý để Hội đồng làm việc, liên quan đến một số việc nằm ngoài chuyên môn của Hội đồng Ngành, đến nhiều người nằm ngoài phạm vi tiếp cận của Hội đồng Ngành, đến việc quản lí nhân sự đối với người bị phản ánh đạo văn..., tuyệt đại đa số thành viên của Hội đồng đã biểu quyết tán thành đề nghị HĐCDGSNN chuyển giao công việc xác minh dư luận do báo chí nêu về việc "đạo văn" của GS. Nguyễn Đức Tồn cho cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý GS. Nguyễn Đức Tồn kiểm tra và xử lý theo quy định.

Trong phản hồi mới đây, ông Tồn có chia sẻ rằng, chính ông đã trực tiếp vạch định đề cương nghiên cứu cho bà Khanh theo hướng nghiên cứu trong luận án của ông bảo vệ năm 1988 ở Liên Xô, và bà Khanh đã triển khai luận án của mình theo bản đề cương ấy. Ông Tồn cũng xác nhận điểm khác trong luận án phó tiến sĩ của bà Khanh, cũng là kết quả nghiên cứu của riêng bà, chính là phần dữ liệu khảo sát và những nhận xét về riêng trường từ vựng - ngữ nghĩa tên gọi động vật. Theo nhận định chuyên môn của GS, những xác nhận trên đây (nếu đúng) có đồng nghĩa với việc phần lớn nội dung chính trong luận án của bà Khanh là do chính bà Khanh thực hiện, ông Tồn chỉ là người vạch ra đề cương?

- Câu hỏi này không còn liên quan đến việc thực hiện công văn 29 của Hội đồng, nhưng với tư cách cá nhân thuần túy tôi có thể trả lời như sau: Theo thông lệ trong việc đào tạo tiến sĩ, người hướng dẫn nghiên cứu sinh có nhiệm vụ duyệt (và giúp điều chỉnh) kế hoạch học tập-nghiên cứu của nghiên cứu sinh; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc nghiên cứu sinh học tập và thực hiện luận án; giúp đỡ nghiên cứu sinh chuẩn bị các báo cáo chuyên đề; duyệt (và giúp chỉnh sửa) luận án của nghiên cứu sinh... chứ xưa nay chưa ở đâu quy định cho người hướng dẫn "trực tiếp vạch định đề cương nghiên cứu" cho NCS và được quyền đồng sở hữu sản phẩm trí tuệ do NCS thực hiện theo đề cương nghiên cứu ấy. Hiện nay, trang đầu tiên của mọi luận án đều mở đầu bằng câu "Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các tư liệu được sử dụng trong luận án là trung thực, có xuất xứ rõ ràng; những phát hiện đưa ra trong luận án là kết quả nghiên cứu của tác giả luận án".

Theo ý kiến của cá nhân tôi, cho dù những quy định nêu trên vào những năm 90 có thể là chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ, thì thầy và trò cũng phải nhận thức và ý thức được điều này. Theo đó, việc trực tiếp làm đề cương nghiên cứu thay cho NCS là sai, việc "tranh chấp bản quyền" nội dung luận án với NCS của mình lại càng sai. Nếu ông Tồn tự biện hộ rằng do vào thời điểm những năm 1995-1996, "nước ta chưa có Luật Sở hữu trí tuệ" nên ông làm như thế thì xin ông chỉ ra xem còn có những thầy hướng dẫn nào khác cũng làm như vậy hay chỉ có một mình ông? Nếu ông Tồn tự biện hộ rằng vào thời đó do "yêu cầu đối với một luận án tiến sĩ cũng khác bây giờ" nên ông làm như thế thì xin chỉ ra cụ thể đó là những yêu cầu gì?

Cũng trong bài viết trên, ông Tồn đã trích dẫn kết luận của nhóm thẩm định do GS.Trần Ngọc Thêm ký tên như sau: "Có thể kết luận rằng phần "tư liệu và phương pháp nghiên cứu" trong sách của Nguyễn Đức Tồn, của Nguyễn Thúy Khanh tuy giống nhau nhưng thực ra chúng không hề có liên hệ trực tiếp với nhau theo kiểu sao chép như thư tố cáo đã nêu". Đây có phải là một trong những kết luận trong cuộc họp ngày 13/6 vừa qua hay không?

- Trong bài đăng trên báo Pháp luật TP.HCM GS. Nguyễn Đức Tồn đã dẫn một số câu từ báo cáo của tổ thẩm định do tôi làm tổ trưởng được thực hiện vào năm 2006, mà Hội đồng năm đó đã không thông qua hồ sơ của ông Tồn (và vì Hội đồng không thông qua nên hồ sơ cũng không còn giá trị và không được lưu giữ). Đến năm 2009, liên quan đến hồ sơ của ông Tồn tiếp tục có hai đơn thư nặc danh khiếu kiện, Hội đồng năm 2009 đã thành lập một tổ thẩm định khác gồm 4 người và tổ này có báo cáo thẩm định riêng của mình. Cuộc họp ngày 13/6 vừa qua lại càng không dính dáng gì đến báo cáo thẩm định thực hiện vào năm 2006. Vì vậy, việc ông Tồn trích dẫn những câu chữ từ báo cáo thẩm định được thực hiện vào năm 2006 vốn đã không còn giá trị để đưa vào "bản giải trình" cung cấp cho báo với thông tin đính kèm rằng "bản giải trình" này đã được ông "trình bày trước cuộc họp [ngày 13/6]" là một sự đánh tráo khái niệm, có thể khiến dư luận hiểu lầm rằng đây là một trong những kết luận của cuộc họp ngày 13/6 vừa qua.

Sự thực, cuộc họp ngày 13/6 chỉ là một cuộc họp chuẩn bị cho việc thực hiện công văn 29; trong chương trình cuộc họp không hề có mục mời những người có liên quan giải trình. Và trên thực tế, không có việc ông Tồn đã trình bày "bản giải trình" này. Việc đây đó trong cuộc họp ông có đưa ra một hai câu "giải trình" thì cũng chỉ là cách "tranh thủ" nói thêm chứ không thể xem là "đã trình bày bản giải trình" và được "thông qua". Ngoài ra, mọi ý kiến đánh giá, dù là của bất kỳ cá nhân nào, cũng đều chỉ phản ánh nhận thức vào thời điểm đó căn cứ trên những lập luận (có thể là chưa đầy đủ) vào thời điểm đó. Chúng không thể được sử dụng để thay thế cho những sự thật nằm trong chính bản thân cuốn sách của ông Tồn và những tài liệu có liên quan. Chỉ có những công trình này mới luôn là cơ sở duy nhất cho việc thẩm định đạo văn.

Còn về việc ông Tồn đạo văn từ cuốn sách của chính ông thì ông Tồn khẳng định: "Chúng tôi đã nêu rõ nguồn tham khảo nên việc ông Thêm quy kết tôi đạo chích khái niệm văn hóa trong sách của ông ấy là hoàn toàn không có cơ sở", ông có ý kiến như thế nào?

Đúng là trong sách của mình, ông Tồn có chỗ dẫn nguồn sách của tôi. Nhưng như trong bài trả lời trên VietNamNet ngày 17/5, tôi đã nói rằng ông Tồn đạo văn của tôi một cách "vừa tinh vi, vừa trắng trợn". Nói "trắng trợn" là vì trong 4 trang 31, 39-41, ông chép một cách tóm tắt 5 trang của tôi mà không dẫn nguồn; còn nói "tinh vi" là vì riêng ở trang 39, có mấy dòng ông dẫn nguồn (và in nghiêng) một quan điểm bộ phận của tôi. Đây là cách trích dẫn "nửa vời" để đánh lừa người đọc, là trường hợp mà trong lý luận về đạo văn được đặt tên là "tội ác hoàn hảo" (The Perfect Crime), là cách đạo văn ở mức độ tinh vi nhất: Dẫn nguồn ở chỗ nhỏ nhưng đạo văn trong phạm vi lớn.

{keywords}
Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy - Nguyễn Đức Tồn - (bên trái) và Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam - Trần Ngọc Thêm (bên trái)

Để làm minh chứng, tôi xin giao cho quý báo bản đối chiếu những chỗ có liên quan trong hai cuốn sách của ông Tồn và của tôi để bạn đọc tự đánh giá vấn đề chúng ta đang bàn. Thực ra, việc "đạo" 4-5 trang trong cuốn sách của ông Tồn xuất bản năm 2010 (tái bản 2015) so với hơn trăm trang "đạo" của các học trò trước đó thì không phải là nhiều, song điều quan trọng là nó cho thấy sự tinh vi trong "nghệ thuật đạo văn" và "tính hệ thống trong việc đạo văn" của tác giả, cùng sự coi thường người đọc đến mức mang công trình có chứa nội dung đạo văn này đăng ký một giải thưởng trí tuệ danh giá nhất nước là giải thưởng Hồ Chí Minh.

XEM SO SÁNH GIỮA SÁCH CỦA ÔNG NGUYỄN ĐỨC TỒN VÀ ÔNG TRẦN NGỌC THÊM 

Thưa GS, như vậy hồ sơ năm 2009 của ông Tồn được thẩm định là "sạch sẽ", vấn đề còn lại để xác định vấn đề của ông Tồn là "đạo đức nghề nghiệp". Vậy vấn đề này, hội đồng cơ sở sẽ xác định như thế nào? 

- Thực ra ở trên tôi đã nói về việc này rồi, nhưng có lẽ là nó bị lẫn trong vấn đề khác nên không đủ rõ. Nay tôi xin nói lại:

Theo điều 13 Quy chế tổ chức và hoạt động thì nhiệm vụ và quyền hạn của HĐCDGS Ngành thực chất chỉ tập trung vào hai việc: Thứ nhất là xét và thẩm định hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn chức danh GS/PGS của các ứng viên và thứ hai là xét và đề nghị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS của ứng viên đã được công nhận, nhưng bị phát hiện là không đủ tiêu chuẩn. Việc đạo văn liên quan đến tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo, mà việc xem xét và kết luận về đạo đức nhà giáo thì thuộc thẩm quyền của cơ sở đào tạo đã bổ nhiệm và đang sử dụng nhà giáo, chứ không thuộc thẩm quyền của HĐCDGS các cấp.

Vì vậy mà Hội đồng chúng tôi mới biểu quyết đề nghị HĐCDGSNN chuyển giao công việc xác minh dư luận do báo chí nêu về việc "đạo văn" của GS. Nguyễn Đức Tồn cho cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý GS. Nguyễn Đức Tồn kiểm tra và xử lý theo quy định.

Mà cơ quan quản lý GS Nguyễn Đức Tồn, theo chúng tôi hiểu là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chứ không phải là Bộ GD-ĐT, lại càng không phải là HĐCDGS.

Hiện nay, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao nhiệm vụ này cho Bộ GD-ĐT nên chúng ta cần chờ ý kiến của Bộ GD- ĐT.

Chỉ khi cơ quan quản lý nhân sự có kết luận là nhà giáo không đủ tiêu chuẩn (nếu quả là như vậy) thì HĐCDGS Ngành mới có cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Cảm ơn GS đã chia sẻ!

Lê Huyền - Nguyễn Thảo (thực hiện)