- “Nói về tự chủ ĐH, ai cũng nghĩ tới tự chủ về tiền nhưng như vậy là không đủ và xét đến cùng là không đúng. Tự chủ ĐH quan trọng hơn cả là tự chủ về khoa học, học thuật, tức là tự chủ về chuyên môn, về bộ máy, cán bộ”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy tại lễ trao quyết định bổ nhiệm giám đốc ĐHQG Hà Nội sáng nay, 19/7.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm giám đốc ĐHQGHN sáng 19/7. (Ảnh: Lê Văn)

Phó Thủ tướng cho biết, trong 22 năm vừa qua, Việt Nam tăng trưởng cao thứ 2 thế giới và điều đáng mừng, theo đánh giá của Liên Hơp Quốc tăng trưởng này phục vụ cho người, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội.

“Nhưng chúng ta còn nghèo” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. “Để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì 20 năm tới đây tốc độ tăng trưởng phải 8% liên tục. Điều đó vô cùng khó khăn”.

Phó Thủ tướng khẳng định, để có thể duy trì tăng trưởng cao mà vẫn có thể đảm bảo môi trường, đồng thời xây dựng xã hội văn minh, đạo đức, đáng sống thì một trong những công việc trọng tâm phải làm chính là tăng cường tiềm lực khoa học thông qua đổi mới mô hình sáng tạo của đất nước.

Từ trước tới nay, mô hình sáng tạo của Việt Nam giống như một tam giác cân trong đó đỉnh trên cùng là Chính phủ, hai cạnh đáy hẹp hai bên là doanh nghiệp và các trường đại học còn các viện nghiên cứu ở chính giữa của tam giác này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về tự chủ đại học.

“Phần lớn ngân sách nghiên cứu rót cho các viện nghiên cứu còn các trường ĐH, các DN tham gia nghiên cứu rất mức độ” – Phó Thủ tướng nói.

Trong khi đó, mô hình tiên tiến trên thế giới là một tam giác đều, xoay chiều nào cũng được. Trong đó, nhà nước ở một đỉnh, trường đại học ở một đỉnh, viện nghiên cứu ở một đỉnh còn DN nằm ở trung tâm của tam giác này.

Để thay đổi mô hình sáng tạo, Phó Thủ tướng cho rằng, các trường ĐH như ĐHQG Hà Nội phải tăng cường năng lực nghiên cứu của mình.

Phó Thủ tướng cho hay, trong 5 năm vừa qua, số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam có tăng lên song chỉ đạt khoảng 3.000 bài/năm. Trong khi đó, nhìn ra khu vực các nước như Malaysia và Singapore đều có trên 10.000 bài công bố quốc tế, Trung Quốc có 250.000 bài còn Mỹ có trên 450.000 bài.

Theo Phó Thủ tướng, ĐHQG Hà Nội tự hào đi đầu trong công bố quốc tế nhưng một năm cũng mới có 3.00 bài công bố.

“Đừng quên chúng ta có 1.800 giảng viên. Như vậy 6 giảng viên mới có 1 bài báo. Chúng ta có trên 1.000 tiến sĩ, có nghĩa 3 tiến sĩ mới có một bài báo mỗi năm”- Phó Thủ tướng cho hay. “Nhất định phải thay đổi điều này. ĐHQG đã đi đầu rồi phải tiếp tục đi đầu nhanh hơn, mạnh hơn”.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) và Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh:Quốc Toàn/ VNU)

Việc thứ 2 cần phải làm, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính là đổi mới căn bản giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, ĐHQG Hà Nội đã có những bước đi đúng hướng dù mới chỉ là bước đầu trong công tác kiểm định chất lượng công tác dạy và học ở các trường, đưa ra phương pháp thi mới.

“Chúng ta phải tiếp tục hướng đi này. Làm sao để hướng đi này không chỉ giới hạn trong ĐHQG Hà Nội mà là hạt nhân để lan ra toàn hệ thống” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, theo Phó Thủ tướng là đổi mới cơ chế quản trị đại học theo hướng tự chủ.

“Nói về tự chủ ĐH ai cũng nghĩ về tiền nhưng tôi nghĩ rằng như vậy là không đủ và xét đến cùng là không đúng. Quan trọng hơn là tự chủ về khoa học, học thuật, giảng dạy, tức là tự chủ về chuyên môn của mình, tự chủ về bộ máy, cán bộ”.

Phó Thủ tướng khẳng định, ĐHQG Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong cơ chế quản trị tựu chủ nhưng cơ chế tự chủ này phải được phát huy tối đa tới các trường, viện trực thuộc. “Tiến tới phải trao quyền tự chủ cho từng người, từng giảng viên, cán bộ nghiên cứu, trưởng bộ môn của các trường” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về đổi mới ngành giáo dục.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng cho rằng, mọi đổi mới phải đi theo xu hướng chung của thế giới.

“Mỗi quốc gia có đặc thù riêng, ta không thể bê nguyên mô hình của thế giới để áp dụng song ta không thể mang đặc thù riêng để đi ngược xu thế chung” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta vừa phải hội nhập nhưng cũng phải thi đua. Vì thé, chúng ta vui mừng khi ĐHQG Hà Nội vươn lên trong các bảng xếp hạng quốc tế nhưng không thể hài lòng với tốp 1.000 thế giới hay tốp 20 khu vực.

“Mang tên ĐHQG của VN thì không thể hài lòng với tốp 20 ASEAN được. Và để thay đổiđiều này đòi hỏi mỗi chúng ta đều phải nỗ lực” – Phó Thủ tướng nói.

Lê Văn