- Việc một học sinh bị tai nạn (bỏng) trong giờ học do bất cẩn của bạn bè mà nhà trường không có những hành xử thích hợp cho thấy chúng ta đang thiếu quy trình quản lý rủi ro trong trường học và cho học sinh.

{keywords}
Vết bỏng của học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong giờ làm thí nghiệm hóa học.

Trong cuộc sống luôn tồn tại rủi ro, dù chúng ta luôn cố gắng phòng ngừa đến đâu.

Sự khác nhau chỉ ở chỗ, tổ chức/cá nhân nào có tính chuyên nghiệp và đạo đức trong phòng ngừa và xử lý rủi ro mà thôi. 

Rất tiếc, theo quan sát của cá nhân tôi hơn 25 năm đi học việc có quy trình quản lý rủi ro trong trường học ở Việt Nam hầu như chưa được mọi người coi trọng.  

Do vậy, khi có chuyện xảy ra, đa phần sẽ do trường, giáo viên và học sinh có liên quan tự “hòa giải” hoặc “dàn xếp”, mà không dựa trên bất kỳ nguyên tắc và quy trình nào đã được xây dựng và thông tin cho các bên biết.

Xin có một vài gợi ý cho các trường học (đặc biệt từ mầm non và phổ thông), khi các em dưới 18 tuổi và vẫn đang là trẻ vị thành niên, chúng ta nên tìm hiểu, xây dựng, và thực hiện quy trình quản lý rủi ro trong trường học, để bảo vệ môi trường an toàn – lành mạnh và có tính khích lệ các tinh thần cộng đồng của học sinh trong trường như sau:

1. Trường cần có người hoặc tổ chuyên trách về an toàn trong học tập và sinh hoạt cho toàn trường.

Đây là công việc rất quan trọng, vì nơi làm việc và sinh hoạt tập thể, an toàn, văn minh, có tính nhân bản và tính cộng đồng tốt sẽ tạo ra môi trường học tập tốt cho học sinh, cũng như hỗ trợ thầy cô làm việc hiệu quả hơn.

Theo đó, trường cần có cán bộ hoặc tổ chuyên trách tập trung thực hiện công việc này. Họ sẽ có rất nhiều việc để đạt được mục tiêu trường học an toàn – văn minh – nhân bản và cộng đồng.

2. Thường xuyên khảo sát môi trường, cơ sở vật chất, cơ sở sinh hoạt chung của trường để tìm ra những ‘nguy cơ” có thể “không an toàn” cho học sinh, cho giáo viên và cho mọi người khi đến làm việc và học tập tại trường.

Để phòng ngừa rủi ro và chuẩn bị sẵn những phương án, quy trình xử lý nếu rủi ro xảy ra.

Như trong trường hợp của em học sinh bị tai nạn trong phòng thí nghiệm, nếu có quy trình quản lý và hoạt động trong phòng thí nghiệm, các học sinh đã tự ý thức được những việc gì cần làm ngay. 

Chẳng hạn: Liên lạc với người có trách nhiệm của trường, sơ cứu nếu bạn ở trong tình trạng có thể, gọi liên hệ cấp cứu, viết báo cáo tường trình sự việc ngay sau khi sự việc xảy ra, xem xét lại quy chế phòng thí nghiệm để xác định rõ mình có trách nhiệm đến đâu, và hoàn toàn tương tự như vậy đối với giáo viên và nhà trường.

Theo nghiên cứu của Tổ chức An toàn Lao động Thế giới, việc tai nạn hoặc rủi ro xảy ra trong lao động sẽ ở mức rất thấp nếu trường hợp những bên có liên quan có kiến thức, nắm rõ và có thực hành, cập nhật thông tin thường xuyên.

3. Xây dựng Quy chế An Toàn – Văn Minh – Nhân bản - Cộng đồng tốt cho trường, và được phổ biến cho học sinh, phụ huynh và cán bộ trường.

Như đã nói ở trên, mọi vấn đề trong trường nên có quy định, quy chế và văn bản rõ nhằm đảm bảo khả năng truyền tải đến cho học sinh, phụ huynh và cán bộ trường nắm bắt.

Những vụ việc tai nạn trong trường hay khi đi dã ngoại xảy ra với học sinh, phần nhiều do chủ quan, do thiếu cẩn trọng, do không biết cách ứng xử phù hợp để ngăn ngừa rủi ro.

Theo đó, trong quá trình xây dựng quy chế an toàn – văn minh – nhân bản – cộng đồng tốt cho mọi người trong trường, cán bộ chuyên môn hay tổ chuyên trách có thể phác thảo những nét chính, chia sẻ và lấy ý kiến của học sinh, giáo viên và phụ huynh, nhằm đảm bảo tất cả mọi người trong trường đều có thể tham gia góp ý kiến và nêu ra đề xuất mà mình thấy hữu ích nhất.

Điều quan trọng nhất, chúng ta không mong là sẽ có một quy chế hoàn hảo, mà ở ý thức cộng đồng, ý thức làm chủ và trách nhiệm của tất cả các thành viên của trường tham gia xây dựng văn bản, nội quy của trường.

Theo đó, khi đã ban hành, ý thức tự giác thực hiện, tự nhắc nhau thực hiện, chủ động tìm kiếm, và đóng góp ý kiến làm cho trường lớp càng an toàn hơn, văn minh hơn sẽ được phát huy.

4. Trong trường hợp có những hoạt động đặc biệt (như làm viêc trong phòng thí nghiệm, đi sinh hoạt ngoại khóa, chương trình cộng đồng), tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, cần có các quy định rõ về quy trình và cách thức hoạt động trong các môi trường cụ thể đó (như trong phòng thí nghiệm, cần có quy định làm việc và học tập trong phòng thí nghiệm, hoặc trong thư viện phải có quy chế thư viện).

Tất cả những quy định này cần được thông tin, cập nhật và đảm bảo học sinh cũng như phụ huynh phải nắm được trong suốt thời gian học trong trường hoặc khi đi sinh hoạt ở ngoài trường.

Điều quan trọng mà tất cả chúng ta, đặc biệt là ban giám hiệu trường và giáo viên phải luôn ý thức được, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, và học sinh chúng ta vẫn chỉ là những đứa con nhỏ, đang cần chúng ta chỉ bảo, dạy dỗ và nâng đỡ phát triển nhân cách.

  • Độc giả Nguyễn Thị Lan Hương