Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau bàn thảo về xu hướng đầu tư và chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp Việt Nam và thế giới. 

Đó là nội dung chính của Diễn đàn Kết nối Công nghệ Xanh - Nông nghiệp Sạch diễn ra hồi cuối tháng 11 vừa qua. 

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng khi tạo việc làm cho 30 triệu lao động trong nông nghiệp, chiếm 40% tổng việc làm cho lao động cả nước.

Để phát trỉển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh tham dự một gian hàng tại diễn đàn.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) công bố tháng 4/ 2017 cũng phân tích, cải cách chuyển đổi nền nông nghiệp làm cho nông nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững hơn là chìa khóa để nâng cao tăng trưởng GDP cho Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Sự chuyển đổi nông nghiệp theo hướng này đòi hỏi đổi mới chính sách như thúc đẩy sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng áp dụng công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nông nghiệp để giúp người nông dân đạt thu nhập cao hơn...

Trao đổi tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian qua, Bộ KHCN đã tổ chức các hoạt động Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ tại các vùng và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Nhiều chương trình chính sách khác của Bộ KHCN cũng đã và đang được triển khai nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao” – ông Tùng cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao, trước làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do thương mại toàn cầu tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp.

Do đó, nếu không thay đổi mạnh mẽ về KHCN, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động tiêu cực như tụt hậu công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phát triển nền nông nghiệp bền vững, năng suất hiệu quả chất lượng với hàm lượng công nghệ cao thực sự cần thiết.

Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Hoàng Anh đã đưa ra ví dụ thực tế về việc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cây trồng. Với việc áp dụng công nghệ cao thì mỗi ha trồng cà chua cho ra 250-300 tấn/năm, trong khi với cách sản xuất truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20-30 tấn/ha/năm.

Cũng như vậy, 1 ha trồng hoa hồng ở nước ta chỉ cho khoảng 1 triệu cành với doanh thu từ 50-70 triệu đồng/ha/năm thì ở Israel con số tương ứng là 15 triệu cành chất lượng đồng đều và với doanh thu cao.

“Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững đó là kiến tạo môi trường tốt để tiến tới hình thành chuỗi khép kín từ quy mô nhỏ đến lớn, cùng với đó là nâng cao năng lực cho các thành phần tham gia chuỗi, đặc biệt là trong việc nắm bắt được quy trình, làm chủ công nghệ… để nâng cao hiệu suất đầu tư, sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

3 vấn đề của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, cốt lõi của vấn đề đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nông nghiệp đó chính là sự kết nối hiệu quả giữa công nghệ mới, công nghệ cao với doanh nghiệp nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn cung cho doanh nghiệp nông nghiệp đổi mới công nghệ chính là các sáng kiến KHCN hay công trình nghiên cứu từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu.

{keywords}
Các đại biểu tham dự tại diễn đàn. 

Còn theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng để chuyển giao công nghệ đến với người dân cần sử dụng phương pháp đơn giản, dễ hiểu khi hướng dẫn họ. Các nhà khoa học không phải tự mình đặt ra đề tài áp dụng cho nông nghiệp mà phải lấy đề tài từ chính thực tiễn cuộc sống.  

Ông Stanley Booth - Cố vấn cao cấp Dự án Hỗ trợ Khu vực Tư nhân vùng Mê Kông - Ngân hàng Châu Á (MBI – ADB) cho rằng cần thúc đẩy kinh doanh công nghệ bởi điều này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của các chuỗi giá trị nông nghiệp.  

Ông Stanley Booth nhấn mạnh, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết những vấn đề hiện tại trong nông nghiệp, để công nghệ lan rộng ở Việt Nam thì cần phải có người giúp cho công nghệ đó lan tỏa. 

Tuy nhiên, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại ba vấn đề. Thứ nhất là lạm dụng hóa chất, sử dụng phân, thuốc có độc tố, thuốc tăng trọng, bảo quản giá rẻ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe của người tiêu dùng và hủy hoại môi trường.

Thứ 2 là công nghệ lạc hậu, sử dụng giống nhiều nguồn không đảm bảo, quy trình trồng truyền thống, không đảm bảo chất lượng và ổn định.

Thứ 3 là không dễ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo xu hướng quốc tế ngày càng an toàn, minh bạch và bền vững...

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững, bà Vũ Kim Hạnh kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tổ chức hướng dẫn nông dân về canh tác sạch, an toàn; khuyến khích, khen thưởng và tiếp thị tìm thị trường cho nông sản sạch; kết nối nông dân để chia sẻ thông tin thị trường cùng các hợp tác khác; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn sử dụng công nghệ cao; đồng thời kết nối doanh nghiệp và nông dân…

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Để có thể đổi mới và phát triển, ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong nông nghiệp, đòi hỏi không chỉ có sự cố gắng của riêng một tổ chức nào. Việc này cần phải được xây dựng một cách chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau của nhiều tổ chức nông nghiệp.

Thu Hiền