- Việt Nam không có trường ĐH nào nằm trong tốp 350 ĐH châu Á theo bảng xếp hạng thường niên của Times Higher Education (THE). Nhiều chuyên gia cho rằng việc “lọt khỏi sàn” của ĐH Việt Nam không bất thường nhưng cũng rất ngậm ngùi khi nhìn sang các nước trong khu vực.

Không bất thường

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, có hai lý do lớn khiến ĐH Việt Nam không lọt tốp 350 trường ĐH châu Á theo bảng xếp hạng thường niên của Times Higher Education.

{keywords}
Top 10 trường đại học hàng đầu châu Á theo xếp hạng của THE

 “Thứ nhất, do tiêu chí xếp hạng của Times Higher Education đưa ra có tính chất quốc tế cao, trong đó tiêu chí hàng đầu là nghiên cứu khoa học phải được đăng ở những tạp chí hàng đầu thế giới.

Đối với Việt Nam, nếu có một bài báo đăng tải trong những tập chí lớn là một "sự kiện" bởi thông thường những nghiên cứu của Việt Nam ít, chỉ đăng trên những tạp chí trung bình. Mặt khác, tiêu chí về nguồn lực xã hội như chuyển giao khoa học công nghệ, tạo nguồn lực cho trường đại học của Việt Nam không có nhiều. Đa số các trường đại học trong nước chỉ thu học phí từ xã hội, và công trình đóng góp cho xã hội của trường đại học cũng ít nên nếu xếp điểm sẽ thấp.

Thứ hai, các nước trong khu vực đầu tư rất nhiều cho đại học nên tốc độ phát triển giáo dục của họ tăng rất nhanh so với tốc độ của Việt Nam. Hệ thống ĐH Viêt Nam tuy đã có tiến bộ, nhưng tốc độ tăng trưởng khoa học và nguồn thu rất thấp. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có kinh tế phát triển, cùng với chính sách đầu tư cho đại học và sự đóng góp của xã hội đã vươn lên mạnh mẽ đẩy khoảng cách với Việt Nam ngày càng tăng".

Theo ông Nghĩa, hiện nay việc công bố khoa học ở một số trường ở Việt Nam dù tương đối nhiều so với trước đây và đang có những dấu hiệu tiếp tục phát triển, nhưng dàn trải và không tập trung vào những công trình lớn. Do vậy, nếu "muốn kiếm một vị trí cho lần sau" thì phải thay đổi ngay từ bây giờ.

“100 bài trung bình không bằng 2-3 bài đăng ở những tạp chí lớn. Việc này đòi hỏi các trường phải tập trung nguồn lực, lập ra nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung có trọng điểm, lựa chọn những cá nhân có tiềm năng lớn. Tức là đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi nhận thức, đầu tư để có những công trình tầm cỡ thế giới hơn chứ không chạy theo số lượng”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cũng cảnh báo, không có trường ĐH nào của Việt Nam lọt tốp 350  ĐH châu Á không phải nghiêm trọng nhưng thấy rõ nguy cơ mà các trường trong nước sẽ phải đối diện. “Đó là coi chừng không tiến nhanh với các nước khác và bị lạc hậu”.

Còn ông Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho rằng việc ĐH Việt Nam vắng bóng trong tốp 350 trường ĐH châu Á theo bảng xếp hạng thường niên của Times Higher Education là "không bất thường" bởi tùy theo chuẩn của từng tổ chức xếp hạng mà có thể được, có thể không.

“Hiện nay có nhiều tổ chức xếp hạng đại học, mỗi tổ chức lại đưa ra những tiêu chuẩn khác nhau. Nếu xếp hạng theo Times Highter Education Việt Nam có thể không có trường nào, nhưng theo các tổ chức khác như Quacquarelli Symonds (QS), Việt Nam vẫn có những trường lọt tốp 200”- ông Nghĩa cho biết.

Ông Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì cho rằng cần phải xem các trường đại học Việt Nam có nộp hồ sơ cho THE hay không, bởi THE không xếp hạng tự động để chắt lọc những trường đại học hàng đầu thế giới.

"Theo tôi biết THE cũng mang tính chất thương mại nên chưa thể khẳng định được việc không lọt tốp là trường Việt Nam kém. Với một tổ chức thương mại phía sau thì rất khó cho những trường mới. Hơn nữa, nếu THE là hệ thống tự động xếp hạng thì rất đáng lo nhưng việc xếp hạng này dựa vào việc nộp hồ sơ. Các xếp hạng của THE cũng rất nặng về khảo sát”- ông Út cho biết.

Nhưng ông cũng cho rằng tổ chức này cũng có tiếng nhất định, việc xếp hạng có ảnh hưởng, do vậy không có trường nào lọt tốp cũng rất “ngậm ngùi”.

Một nhà nghiên cứu nhìn nhận, “xếp hạng đại học cũng chỉ một trong các công cụ của việc đảm bảo chất lượng” và “là cuộc chơi của các đại học nhà giàu” thì đúng hơn.

Quan điểm của ông Nguyễn Đức Nghĩa là “quan trọng là chất lượng như thế nào. Bởi tuy rằng, xếp hạng là kết quả của chất lượng nhưng không nên chạy theo xếp hạng mà hãy để chất lượng tốt đã". 

Ông Nguyễn Hội Nghĩa lưu ý, Việt Nam đang ưu tiên hàng đầu cho đào tạo nhân lực cao nên không quá lo lắng về xếp hạng này.

“Mỗi nước sẽ có mục tiêu riêng trong từng giai đoạn. Mục tiêu của chúng ta là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội. Đại học đầu tiên là phải đào tạo có chất lượng. Nghiên cứu khoa học cũng phải chú trọng nhưng cần sự chung tay của các Viện nghiên cứu như Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam hay các viện chuyên ngành khác".

Lê Huyền

Xếp hạng đại học: Singapore dẫn đầu, TQ nổi lên, VN vắng tên

Xếp hạng đại học: Singapore dẫn đầu, TQ nổi lên, VN vắng tên

ĐH Quốc gia Singapore là trường đại học hàng đầu châu Á năm thứ 3 liên tiếp – theo bảng xếp hạng thường niên của Times Higher Education (THE).