- Kiểm định giáo dục như những con hổ không răng nên không tạo được sức ép nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. PGS.TS. Nguyễn Quý Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ tại buổi thảo luận sôi động về "tự chủ đại học".

Làm thế nào để giám sát và nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những chủ đề tiếp tục nổi lên tại buổi hội thảo kéo dài 5 giờ diễn ra sáng 18/3, dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Buổi hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 21/12/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo hội nghị sáng 18/3. (Ảnh: Văn Chung).

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết hiện đã có 13 trường được phê duyệt đề án tự chủ. Các trường đều đã chủ động lập kế hoạch, chương trình hành động triển khai và bước đầu thu được các kết quả tốt như bộ máy được kiện toàn, cơ sở vật chất được tăng cường, điều kiện học tập và chất lượng đào tạo được cải thiện.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện thí điểm tự chủ đại học, các trường cũng gặp khó trong trong tự chủ tài chính, tự chủ tuyển sinh, khó khăn khi thành lập và vận hành hoạt động của hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, cơ quan chủ quản khi quyết định bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo trường và các chức danh khác...

Hội nghị đã có gần 2 tiếng để tranh luận thẳng thắn về chuyện Bộ GD-ĐT có nên quản lí chi tiết số giảng viên thỉnh giảng/sinh viên để quyết định cho mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh. (Xem chi tiết phần thảo luận này tại đây).

"Hổ không răng không vuốt thì kiểm ai?”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết các trường đề nghị sớm công bố xếp hạng các trường ĐH để có căn cứ thu học phí.

Theo ông Bùi Văn Ga, hiện nay Bộ đã thành lập 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Đã có 3 trường ĐH đầu tiên trong cả nước được kiểm định theo tiêu chí mới. PGS.TS. Nguyễn Quý Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Nhưng vấn đề kiểm định xong các trường có bị xử lí không, chế tài ra sao. Tôi làm việc với cơ quan kiểm định Úc họ nói chúng tôi – cơ quan kiểm định VN như những con hổ không răng, được quyền đánh giá, ra phán quyết nhưng không được quyền đóng cửa trường đó nếu không đảm bảo. Các trường vì vậy không có sức ép.

Tốc độ kiểm định hiện phải phụ thuộc tốc độ đăng ký của các trường. Hiện chúng tôi mới nhận được đăng ký của hơn 30 trường. Nếu tốc độ gia tăng thì hoàn toàn tăng số kiểm định viên lên để kịp đáp ứng được” – vị này nêu ý kiến.

{keywords}
GĐ Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội Nguyễn Quý Thanh phát biểu tại hội nghị sáng 18/3. (Ảnh: Văn Chung).

Phó Thủ tướng hỏi: “Bộ có xử lí theo kiến nghị của cơ quan kiểm định không? Xử lí là chỉ phạt mấy đồng hay không cho mở ngành? Hổ không răng không vuốt thì kiểm ai?”

Tới đây, ông Ga cho biết biết chế tài là các trường sẽ bị giới hạn về quyền tuyển sinh, giấy phép hoạt động.

Theo Phó Thủ tướng, bộ phải có chế tài xử thật nghiêm về mở ngành, tuyển sinh đối với những trường tham gia kiểm định thì các trung tâm kiểm định mới có “lực” để làm việc.

Giảm bộ chủ quản, tăng hội đồng trường

Về tổ chức bộ máy, việc giao tự chủ thì đồng nghĩa vai trò của bộ chủ quản sẽ bớt đi. Theo Phó Thủ tướng, hội đồng trường phải tăng cường trách nhiệm giải trình. Việc này đã có quy định nhưng các trường thực hiện chưa nghiêm túc.

“Vấn đề này có trách nhiệm của "bộ chủ quản" và của các trường. Trong thời gian tới, các Bộ chủ quản phải kiện toàn các hội đồng trường. Cần phân định rõ trách nhiệm hội đồng trường cả hướng phát triển, đầu tư, nhân sự và có cơ chế giám sát (có thể là ban kiểm soát) và phân định chức năng điều hành của hiệu trưởng, ban giám hiệu”, Phó Thủ tướng nói.

Các"bộ chủ quản" tập trung xem xét kỹ lưỡng nhân sự hội đồng trường khóa đầu tiên. Sau đó Bộ chủ quản giao cho họ toàn quyền quyết định các vấn đề lớn.

Phó Thủ tướng đề nghị đối với công tác cán bộ thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các bộ chủ quản chỉ làm công tác phê chuẩn. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu ý kiến việc hiệu phó không cần phê chuẩn mà giao cho hội đồng trường.

“Bộ nhất định phải ra quy định bắt các trường tự chủ phải công khai, không được giấu giếm gì cả. Chúng ta phải nói thật”, Phó Thủ tướng nói.

Liên quan hoạt động của hội đồng trường Phó Thủ tướng cho rằng khi giao tự chủ cho các trường ĐH thì vai trò bộ chủ quản sẽ bớt đi và phải tăng quyền quản lý cũng như trách nhiệm giải trình trong trường bằng cơ chế hội đồng trường.

Việc mới có 7/13 trường ĐH tự chủ thành lập hội đồng trường nhưng đa phần hoạt động chưa tương xứng, điều này có trách nhiệm của bộ chủ quản và các trường.

“Thời gian tới cần phải kiện toàn các hội đồng trường, phân định rõ trách nhiệm hội đồng trường với hiệu trưởng, ban giám hiệu trong phương hướng phát triển, đầu tư, bổ nhiệm nhân sự, cơ chế kiểm soát. Các bộ chủ quản cần tập trung xem xét kỹ lưỡng nhân sự để bầu hội đồng trường khóa đầu tiên và chỉ làm công tác phê chuẩn chức danh hiệu trưởng sau khi đã được hội đồng trường bầu theo đúng quy định”.

Theo Phủ Thủ tướng phần lớn các trường đều chưa dùng hết quyền tự chủ của mình nên còn nhiều vướng mắc.

“Trường đại học tự chủ là con đường tất yếu phải làm, không vội vàng nhưng cần khẩn trương, quyết liệt".

  • Văn Chung (ghi)