- Việc liên doanh liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐHQG Hà Nội giai đoạn 2006 đến năm 2010 đã phạm luật nghiêm trọng từ ký kết, tuyển sinh, đặt lớp đến thực hiện đào tạo.... Chi tiết các nội dung phạm luật được Thanh tra Chính phủ kết luận đầu tháng 6.

Kết luận thanh tra cho thấy, qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại 18 trường, có một số khuyết điểm, vi phạm như sau: 46,5% (195/419) chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa học vừa làm chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép; Một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, mời giảng viên; Không có văn bản xác nhận nhu cầu của địa phương hoặc cơ quan nơi đặt lớp;

15/18 trường không có biên bản ghi nhận về điều kiện cơ sở vật chất cơ sở liên kết, danh sách giảng viên dự kiến tham gia giảng dạy và cán bộ tham gia quản lý lớp;

54/419 chương trình liên kết đào tạo địa điểm lớp đặt không đúng quy định; 5 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép...Việc làm nêu trên đã thực hiện không đúng quy định của Bộ về điều kiện và hồ sơ thực hiện liên kết đào tạo.

Theo kết luận thanh tra, ngày 10/10/2007, Giám đốc (GĐ) ĐHQG Hà Nội ban hành quyết định số 3810 cho phép học viên cao học không viết, bảo vệ luận văn, dẫn đến có 8 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho phép các học viên cao học làm tiểu luận, không viết, bảo vệ luận văn là vi phạm Khoản 3, Điều 43 Luật Giáo dục 2005 và Quy chế đào tạo sau ĐH của Bộ GD-ĐT.

ĐHQG Hà Nội

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu của 20 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của ĐHQG Hà Nội cho thấy: có 16 chương trình không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác; 12 chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định; các chương trình liên kết quốc tế khác của ĐHQG Hà Nội thực hiện cấp phép bằng công văn khi đơn vị có nhu cầu, nhưng không xác định số học viên/ lớp; có trường hợp chỉ xác định cho thí điểm chương trình...Việc làm này vi phạm quy định của Chính phủ.

Ngày 12/2/2008 GĐ ĐHQG Hà Nội ban hành quyết định số 698 cho phép Trung tâm Công nghệ Đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) được tổ chức, phối hợp đào tạo trình độ ĐH và sau ĐH là vi phạm quy định về cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo ĐH và sau ĐH tại Điều 42 - Luật Giáo dục 2005 và quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm tra 20 hồ sơ lớp đào tạo thạc sĩ thì ĐHQG Hà Nội có 9 chương trình liên kết đào tạo (tiến sĩ 1; thạc sĩ 8) không tổ chức thi tuyển sinh.

Việc ĐHQG Hà Nội cho phép 6 học viên của chương trình thạc sĩ liên kết nước ngoài được dự thi nghiên cứu sinh vào các trường thuộc ĐHQG Hà Nội và một số cơ sở giáo dục khác khi văn bằng chưa được Bộ GD-ĐT xét và công nhận là vi phạm các quy định về điều kiện dự tuyển trình độ tiến sĩ.

Việc ĐHQG Hà Nội quy định trích nộp tỷ lệ % số thu học phí liên kết đào tạo và trích 0,15% kinh phí ngân sách nhà nước để ngoài sổ sách là vi phạm quy định Luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong liên kết đào tạo tại ĐHQG Hà Nội thể hiện ở những nội dung: ETC chi thanh toán cho ĐH Griggs; Hợp đồng liên kết tuyển sinh, quản lý, tổ chức lớp học và dịch vụ; Hợp đồng thuê xe của ETC...

Xét nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở: Tuyển vượt chỉ tiêu; Xm xét không công nhận bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC đã cấp cho học viên; Đình chỉ tuyển sinh, chấm dứt hoạt động giảng dạy đối với các lớp đào tạo do ETC đã trực tiếp ký hợp đồng tổ chức, phối hợp liên kết đào tạo hệ ĐH và sau ĐH trái quy định.

Đồng thời, thanh tra toàn diện việc liên kết đào tạo quốc tế, có biện pháp xử lí các chương trình chưa có giấy phép nhưng vẫn thực hiện tuyển sinh và đào tạo từ năm 2006 đến nay.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng thanh tra toàn diện công tác quản lý thu - chi tài chính của ĐHQG Hà Nội và các đơn vị thành viên giao đoạn 2006-2011; Xác định trách nhiệm của GĐ ĐHQG Hà Nội trong việc ban hành các văn bản trái quy định. Cùng với đó, GĐ ĐHQG Hà Nội có trách nhiệm nộp 21 tỷ 373 triệu đồng về ngân sách nhà nước do đã yêu cầu các đơn vị trích nộp trái quy định...

Đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của ETC với Công ty Cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và du lịch sinh thái - Vietedu, Công ty Cổ phần giáo dục tiến bộ toàn cầu và Công ty Cổ phần đầu tư, ứng dụng và Phát triển công nghệ mới có dấu hiệu vi phạm Điều 37 - Luật Phòng chống tham nhũng; Điều 278 và 281 Bộ Luật hình sự cho Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật. Đồng thời, xác minh làm rõ hoặc điều tra mở rộng đối với các hợp đồng còn lại của ETC.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an (C48) xác minh làm rõ việc ETC chuyển 177,8 tỷ đồng ra nước ngoài. Thanh tra Chính phủ có căn cứ bước đầu việc chuyển số tiền này ra nước ngoài qua tài khoản trung gian vì vụ lợi.

  • Thái Thiện - Kiều Oanh