2 quy chế quan trọng về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ cuối cùng cũng đã được ban hành trong sự chờ đợi đến… mỏi mòn của thí sinh, phụ huynh tới các nhà trường.

Ngoài việc giải quyết khâu tuyển sinh năm 2015, các quy chế này sẽ tác động như thế nào tới sự thay đổi này với giáo dục đại học, giáo dục phổ thông?

Liệu sự ra đời của các quy chế có tốt hơn cho giáo dục đại học, để các trường có thời gian tập trung vào khâu yếu là đào tạo, thay vì bao nhiêu năm nay cứ quanh quẩn mãi chuyện tuyển sinh?

{keywords}
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 (Ảnh Văn Chung)

 "Nói thật là tôi chưa thấy giảm tải"

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa HN. “Lãnh đạo Bộ có nói là phương thức thi mới sẽ giảm tải cho thí sinh – điều này có thể đúng. Nhưng đối với nhà trường chúng tôi, thì đau đầu từ khi có chính sách mới tới giờ”.

Trường ĐH Bách khoa HN là một trong những trường dự kiến sẽ được Bộ GD-ĐT giao cho chủ trì một cụm thi. Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo trường này lo lắng không phải là khâu tổ chức, mà là chất lượng những thí sinh sẽ xét tuyển vào trường. “Trường ĐH Bách khoa HN chắc chắn sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng tôi lo nhất là chất lượng đầu vào. Việc các cụm thi do nhiều cơ sở đào tạo chủ trì khiến tôi lo ngại về sự đồng đều của kết quả thi. Tất nhiên, kết quả này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tính nghiêm túc”.

Ông Điền phân tích: “Chất lượng đầu vào là yếu tố quan trọng để dẫn tới những đổi mới trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Trường chúng tôi cần lứa sinh viên chăm chỉ, có khả năng nhận thức tốt, để khi đào tạo sẽ tiếp thu tốt những chương trình mới, các thức đào tạo mới mà trường sẽ triển khai.

Tuy nhiên, câu trả lời về việc tuyển sinh theo kiểu mới có đáp ứng được yêu cầu của nhà trường hay không chỉ có thể chờ tới lúc tổng kết quá trình tuyển sinh, cũng như quá trình đào tạo sau này”.

Ông Nguyễn Văn Nhã, hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, nguyên trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia HN, thì nhận xét: “Chúng ta vẫn thường nói: Thi gì học nấy! Nếu đổi mới thi cử tốt, có chất lượng thực sự thì kéo theo phải thay đổi cach dạy, cách học; thay đổi chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học…

Theo quan điểm Quản lý chất lượng tổng thể (TQM - Total Quality Management) thì khâu tuyển đầu vào có ảnh hưởng rất lớn đến cả quá trình đào tạo. Có thể nói thi tuyển sinh là một cái sàng để lọc, để chọn lựa đúng, chọn cho được ai đủ khả năng học đại học, ai chỉ nên học nghề… Quy chế lần này của Bộ GD-ĐT đã giao quyền chủ động cho các nhà trường, giảm bớt và xóa bỏ những thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các trường tích cực chuyển đổi phương thức đào tạo theo tín chỉ, phát huy năng động của người học và thí sinh".

“Tất nhiên, Quy chế ban hành vào cuối tháng 2 mà thí sinh đầu tháng 4 đã phải đăng ký rồi, có hơi cập rập. Vì vậy, để tạo đồng thuận trong xã hội và để các cơ sở đào tạo có sự chuẩn bị chu đáo, thấu hiểu, làm đúng và làm tốt… thì còn khá nhiều việc để làm” – đây là điều ông Nhã băn khoăn.

Cả bộ máy phải thích ứng, bắt nhịp

Ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương thì lại cho rằng trước mắt những quy định mới của Bộ GD-ĐT đã đơn giản hóa được khâu tuyển sinh, giúp xã hội, nhà trường, phụ huynh và thí sinh giảm được nhiều gánh nặng.

“Trường ĐH Ngoại thương không chịu ảnh hưởng nhiều lắm từ quy chế tuyển sinh mới” – ông Châu nhận định. “Nếu không được giao nhiệm vụ đứng ra chủ trì, tổ chức cụm thi nào, thì trường chúng tôi sẽ bớt được việc phải tổ chức thi tuyển sinh. Nhà trường có thể làm được những việc khác như tổ chức học vào mùa hè. Hiện nay, cứ đến hè nhà trường lại tập trung toàn lực vào khâu tuyển sinh, không thể làm gì được nữa”.

{keywords}

Trả lời câu hỏi "nội dung nào mà ông tâm đắc trong đề án đổi mới giáo dục" để đảm bảo "mục tiêu di động" của thị trường việc làm, Bộ trưởng GD-ĐT đã ví von "giải pháp đổi mới thi cử" sẽ như trận đánh Buôn Mê Thuột của giáo dục trong "chiến dịch" đổi mới giáo dục. Ảnh: Văn Chung

Tỏ ra không quá lo lắng về chất lượng đầu vào, ông Châu cho rằng các trường được giao chủ trì sẽ làm nghiêm túc, cùng với sự tham gia tổ chức,  giám sát của các Sở, các ban ngành khác.

Đồng quan điểm với ông Châu, ông Lê Quốc Hạnh, trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Hà Nội nhận định sự ra đời của 2 quy ché về thi – tuyển sẽ có tác động tích cực.

“Cả 2 quy chế đều rõ ràng, tập trung được những ý kiến đóng góp từ nhiều phía trong suốt thời gian vừa rồi. Những giới hạn về tự chủ tuyển sinh, các tổ hợp môn thi, ngưỡng điểm xét tuyển… sẽ có tác động lớn, kể cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn”.

Tuy nhiên, theo ông Hạnh, đây mới chỉ là những tác động đối với khâu tổ chức của ngành. Còn trên thực tế, đối với lứa sinh viên tuyển đợt này, chắc chắn sẽ không có đột biến về chất lượng đầu vào, bởi các em là sản phẩm đào tạo từ 12 năm nay.

“Về lâu dài, quy chế này sẽ được cải tiến sau năm đầu thử nghiệm. Trong quy chế xác định rõ ngày thi cụ thể - đó là tín hiệu cho thấy quy chế sẽ được áp dụng trong thời gian khá dài”.

“Đổi mới thi cử là bộ phận hợp thành đổi mới giáo dục đại học. Quy chế thi mới là một cái mới để đổi mới thi cử. Tôi hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp” – đây là kỳ vọng của ông Hoàng Văn Châu.

“Hai quy chế mới có thể coi là một sự hội nhập của giáo dục Việt Nam với quốc tế, khi đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh như thi tuyển, tự chủ tuyển sinh, xét tuyển dựa trên kết quả THPT... Giáo dục cũng như các lĩnh vực khác của xã hội, đã và đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Việc đổi mới và thích ứng là đương nhiên, không chỉ đối với giáo dục mà các ngành khác nữa. Và để hội nhập, thay đổi, giống như các lĩnh vực khác, quan trọng là bộ máy giáo dục phải thích ứng, bắt nhịp và hòa nhập được” – ông Lê Quốc Hạnh nêu quan điểm.

 

Trao đổi với VietNamNet chiều 27/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc ban hành hai quy chế thi và tuyển sinh mới sẽ có tác động lớn tới việc dạy - học ở phổ thông và đại học. Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

  • Ngân Anh