Đọc quảng cáo trên internet về thông tin tuyển sinh hệ 9+3 của Trường CĐ Sư phạm Trung ương, N.T.H. đã từ Lạng Sơn về Hà Nội để được đào tạo thành giáo viên mầm non.

H. được hướng dẫn mang 700.000 đồng cùng hồ sơ đến nộp tại một phòng nằm trong Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội (đây là điểm thu nhận hồ sơ của các trường liên kết). Đợi một thời gian không thấy tin tức, H. liên hệ lại mới biết Trường CĐ Sư phạm Trung ương không tuyển hệ 9+3. H lại được hướng dẫn đến Trung tâm dạy nghề quận Cầu Giấy nộp tiền học 3,5 triệu đồng để dự tuyển vào CĐ Sư phạm Hà Nam nhưng học tại Hà Nội.

Không có hóa đơn thu tiền, H. hỏi thì cán bộ tuyển sinh của Phòng Hợp tác đào tạo, Trung tâm dạy nghề quận Cầu Giấy nói trường chưa chuyển lên, vào học chính thức thì sẽ có phiếu thu. “Sao chưa thi đã phải nộp học phí?”, vị cán bộ này giải thích thi chỉ là hình thức, ai thi cũng đỗ. Và, đúng như lời vị cán bộ này, sau khi thi xong, H. cùng các bạn nhập học ngay.

Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Internet

Chúng tôi gọi điện cho ông Lê Đình Hiếu, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nam để xác minh sự việc. Ban đầu, ông Hiếu nói trường chưa cho phép đào tạo hệ này nhưng khi biết đang trả lời báo chí, ông Hiếu lại khẳng định: trường liên kết với Trường trung cấp Y dược Hà Nam để đào tạo hệ này, còn đào tạo ở đâu thì phải hỏi Trường trung cấp Y dược Hà Nam.

Vừa qua, hàng trăm sinh viên đã vỡ mộng khi ĐH Điện lực hợp tác đào tạo với VietCare về cao đẳng nghề, khi sinh viên tốt nghiệp, sẽ lấy bằng cao đẳng nghề do Bộ LĐ-TB-XH cấp chứ không có chuyện đào tạo cao đẳng chính quy và liên thông lên đại học.

Hiện đang có rất nhiều trường trung cấp, cao đẳng của các tỉnh liên kết với các trường trung cấp, các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên của Hà Nội để đào tạo. Ngành các trường này tuyển sinh thường là những ngành “hot”, có nhiều nhu cầu như sư phạm hay y dược. Cụ thể, dù ở Bắc Giang nhưng Trường trung cấp Y dược Bắc Giang lại tuyển sinh và nhận hồ sơ tại Nhà văn hóa quận Cầu Giấy (26 Nguyễn Phong Sắc). Trường CĐ Sư phạm Hải Dương tuyển sinh, đào tạo trung cấp sư phạm tại Hà Nội, nơi nhận hồ sơ là phòng 302 Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Thậm chí, ngay cả Trường CĐ Sư phạm Trung ương ở Hà Nội, có địa chỉ ở đường Hoàng Quốc Việt, nhưng khi tuyển sinh hệ trung cấp, ngành sư phạm mầm non, thí sinh phải nộp hồ sơ tại Nhà văn hóa quận Cầu Giấy.

Theo PGS-TS Bùi Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, Hà Nội, hiện có nhiều công ty được thành lập có cả chức năng đào tạo, đứng ra làm cầu nối giữa trường và người học. Vì khó tuyển sinh nên các trường TCCN hay các trường nghề của địa phương đã “vươn vòi” ra Hà Nội tìm học sinh qua trung gian của các công ty này. Sự liên kết đào tạo nhằng nhịt như mạng nhện hiện nay đang đẩy người học vào rất nhiều nguy cơ, mà hai nguy cơ trước mắt là mất tiền và bằng cấp không chắc chắn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hiện việc tổ chức, quản lý đào tạo liên thông, liên kết tại một số đại học, học viện, trường cao đẳng không đúng quy định và chưa đảm bảo chất lượng. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết.

Các cơ sở giáo dục không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường. Các trường không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường.

Các trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, từ trung cấp nghề và cao đẳng nghề lên cao đẳng và đại học phải có quyết định giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. “Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường thực hiện sai quy định trong đào tạo liên thông, liên kết”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.

Tuy nhiên, việc chế tài xử lý quá nhẹ vẫn chỉ là đòn gió đối với nhiều cơ sở đào tạo.

(Theo Vĩnh Duy/ Phụ nữ TPHCM)