Vấn đề trên đã được đặt ra trong chương trình “MBA for Success” do Viện ISB, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức. Với chủ đề “Thách thức & cơ hội trong sự thay đổi của ngành công nghiệp bán lẻ trong thời 4.0”, chương trình có sự tham gia của bà Lê Huỳnh Phương Thục, hiện là CEO của Thương hiệu bán lẻ Guardian Việt Nam.

{keywords}
Bà Lê Huỳnh Phương Thục - CEO Guardian Việt Nam là cựu sinh viên EMBA tại ĐH Hawaii (Mỹ)

Nhân lực ngành bán lẻ cần học những gì?

Theo bà Thục, bán lẻ là một trong những ngành thiết yếu bởi phục vụ sát sườn nhu cầu tiêu dùng của mỗi người, mỗi nhà. Bất chấp các tác động ngoại cảnh như dịch bệnh, ngành này vẫn sẽ không ngừng phát triển dưới hình thức phù hợp, online hay offline.

Giàu tiềm năng, nhưng ngành bán lẻ chưa bao giờ đủ nhu cầu nhân lực. Các doanh nghiệp, nhất là những công ty đa quốc gia, luôn “khát” những lao động tài năng. Dù vậy, ở Việt Nam gần như không có trường nào dạy về ngành bán lẻ một cách bài bản, chính quy. Các lĩnh vực khác trong khối kinh tế có khá nhiều trường giảng dạy, riêng ngành bán lẻ lại không có.

Vì thế, nhân sự cho ngành công nghiệp “tỷ đô” này phần lớn xuất phát từ những mảng “lân cận” như marketing, thương mại, tài chính,… Một số kiến thức, kỹ năng nền tảng từ những ngành học trên có thể “mang” sang ngành bán lẻ, nhưng phần lớn những gì lao động ngành này có được đều nhờ tự học.

Vậy, cần học những gì? Bà Thục cho rằng trước hết các bạn trẻ cần có khả năng… học. Mỗi người cần linh hoạt để tự trau dồi các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cho mình. Quá trình này diễn ra liên tục và không có điểm dừng, bởi tất cả những gì bạn thấy hôm qua có thể không còn nữa trong hôm nay.

Tương tự ở ngành bán lẻ, một xu hướng tiêu dùng hôm nay nhiều khả năng sẽ đổi khác hoàn toàn vào ngày mai. Vì vậy, điều giúp bạn luôn bắt kịp những thay đổi, giúp bạn tiếp tục cống hiến và đưa ra những quyết sách đúng đắn là phải học mỗi ngày.

Ở ngành bán lẻ, nhất thiết phải học từ thực tế, vì đặc thù rất gần với người tiêu dùng, hành vi mua sắm. Do hành vi này biến chuyển quá nhanh, nên bắt buộc người lao động phải quan sát xung quanh và học từ thực tế nhiều hơn.

“Không quá khi nói, năng lực cốt lõi cho lực lượng lao động hiện tại là khả năng học tập, đặc biệt với lớp trẻ, bởi những kỳ vọng đặt vào họ là rất lớn”, bà Thục nói.

Đội ngũ của Guardian Việt Nam đều được khuyến khích học tập, tùy mỗi giai đoạn và nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, từng bạn đều phải có ý thức và coi trọng việc học của mình. Ở Guardian Việt Nam hiện có 3 hình thức học tập chính. Thứ nhất là qua trường lớp, sách vở. Thứ hai là học từ sếp, đồng nghiệp. Cuối cùng là học từ kinh nghiệm của bản thân, từ những gì mình đã làm.

Theo bà Thục, học từ kinh nghiệm của bản thân là hình thức quyết định hơn 50% việc một lao động có thành công trong tương lai hay không. Qua mỗi nhiệm vụ từ nhỏ đến lớn, người lao động cần rút ra được cho mình những bài học, cả về kiến thức, kỹ năng, cũng như tích lũy thêm các mối quan hệ. Qua từng dự án, bạn phải thấy được mình đã trưởng thành hơn về nghề.

Học MBA - chìa khoá thành công

Một lời khuyên khác mà CEO của Guardian Việt Nam muốn gửi đến các bạn trẻ là việc cân nhắc thật kỹ khi theo học MBA. Sở hữu tấm bằng EMBA của ĐH Hawaii (Mỹ), bà Thục nhận xét đó là một trong những bước ngoặt cho hành trình phát triển trong ngành bán lẻ của mình.

{keywords}
 

Với những bạn trẻ chưa đi làm, MBA là một chương trình học thuật giúp xây dựng yếu tố nền tảng, để có thể nhìn cái nhìn tổng quát, toàn diện về kinh tế. Với những người đã có kinh nghiệm làm việc, như bà Thục đi học MBA khi đã đi làm hơn 13 năm, cũng rất hữu ích vì giúp mình hệ thống hóa lại những kiến thức, kinh nghiệm trước đây, và nâng tầm hiểu biết của bản thân.

Kế đó là các kết nối. MBA là nơi gặp gỡ của nhiều học viên xuất thân từ nhiều chuyên ngành khác nhau, phần lớn đều có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách. Vì vậy, bạn sẽ dễ dàng học hỏi lẫn nhau. Sau khi tốt nghiệp, cộng đồng alumni cũng sẽ là các “chuyên gia” sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc khi cần thiết.

Lệ Thanh