- Tranh cãi về việc có nên đưa Ngoại ngữ vào danh sách các môn thi tốt nghiệp hay không, nhiều ý kiến đã phân tích và nhận định rằng hướng đi này của Bộ GD-ĐT là hợp lý.

{keywords}
Ảnh minh họa

‘Đừng nhân danh toàn cầu hóa…’

Chị Kim Liên phân tích: “Xã hội phát triển và hòa nhập với thế giới thì việc học ngoại ngữ là cần thiết, do vậy dù không bắt buộc thi thì học sinh vẫn lo học, học sinh không chỉ học ở trường mà các trung tâm ngoại ngữ cũng đầy ắp người đi học và thi lấy chứng chỉ này nọ. Khi thực tế cần thiết thì chắc chắn mọi người sẽ học, không cần phải đưa vào thi bắt buộc”.

Cùng chung ý kiến, thầy Tạ Quang Sum – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa cho rằng, những người cần học ngoại ngữ để giao tiếp thì tự khắc họ sẽ tìm cách học cho bằng được, vì đó là nhu cầu thiết thực của họ. “Không nên nhân danh hội nhập và toàn cầu hóa để buộc người dân cả nước phải học ngoại ngữ. Vết hằn trong đầu rất nhiều người đã biến thành sẹo là: phải thi mới học. Bởi vậy cho nên học sinh Việt Nam cứ mãi học tủ, học lệch và tốt nghiệp xong trong đầu không có gì cả. Nếu ai đó có nhu cầu giao tiếp quốc tế thì tất yếu họ cần học ngoại ngữ, cứ gì phải bắt tất cả học sinh Việt phải biết nói tiếng Anh! Để làm gì? Tôi hoan nghênh việc đưa ngoại ngữ thành môn khuyến khích”.

Anh Nguyễn Công Minh nghiêng về phương án loại ngoại ngữ của Bộ là hợp lý. Theo anh, ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp với thế giới bên ngoài, ai muốn tốt cho mình thì phải học.

Đồng quan điểm độc giả Bùi Thị Xuân ủng hộ dự thảo của Bộ và cho rằng “thay đổi muộn còn hơn không. Ngoại ngữ ai có nhu cầu thì học, ai không có nhu cầu thì thôi. Giảm áp lực thi cử là cái lợi của người nhận, cái gì có lợi cho nhân dân thì cứ làm”.

Học ngoại ngữ 10 năm, mới bập bẹ vài từ

Một trong những lý do khác được đưa ra là: môn ngoại ngữ chưa phù hợp với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa và tính ứng dụng chưa cao.

“Những ý kiến phản đối dự thảo chỉ là thiểu số ở khu vực thành thị. Các bạn thử ngồi nhìn bản đồ và suy nghĩ xem có bao nhiêu nơi học sinh không thể học ngoại ngữ được như các bạn, không thể thi được như các bạn, và nhiều người lao động không cần Ngoại ngữ? Ở những nơi mà cô giáo, thầy giáo phải dạy lớp ghép (2 - 3 lớp học chung) thì kiến thức chung còn khó, nói gì Ngoại ngữ. Ta phải suy nghĩ toàn diện và có giải pháp đồng bộ toàn diện, thấu đáo cho toàn xã hội, chứ không phải cho từng nhóm nhỏ. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, tự nhiên môn Ngoại ngữ cũng trở thành môn thi bắt buộc; nhưng bây giờ theo tôi chưa đến thời điểm đó” – ý kiến của anh Trần Tuấn Khải.

Chị Hồng Lan cũng cho rằng tính hiệu quả của việc học ngoại ngữ ở trường phổ thông là chưa cao. Chị lấy ví dụ từ chính bản thân mình: “6 năm học tiếng Anh ở các lớp phổ thông, 4 năm học đại học, nhưng đến nay tôi cũng chỉ bập bẹ vài từ như hello, thank you… chỉ nói được vài từ bồi mà thôi. Học xong - không dùng tới thì học làm gì? Tuy nhiên anh bạn tôi sau khi tốt nghiệp đại học, làm dự án có người nước ngoài, trong thời gian ngắn anh ấy đã nói được cả tiếng Anh, tiếng Pháp. Như vậy, Bộ bỏ thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ cũng không có gì sai lầm”.

Việc dạy ngoại ngữ đang đi sai hướng?

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Chung

Một số ý kiến cho rằng cách dạy và học ngoại ngữ như hiện nay của chúng ta đang đi sai hướng, học sinh học mấy năm nhưng không nói nổi một câu, thậm chí giáo viên tiếng Anh cũng không thể giao tiếp được với người nước ngoài. “Việc dạy Ngoại ngữ đang đi sai hướng. Nếu tiếp tục cắm đầu vào đi tiếp sẽ chẳng có kết quả tốt mà ắt có hậu quả không tốt” – anh Đức Huy thẳng thắn.

Trong khi Bộ GD-ĐT vẫn đang nghiên cứu để đưa ra quyết định cuối cùng thì các em học sinh lớp 12 đang rất lo lắng và hoang mang về những thay đổi mới này. Em Nguyễn Ngọc Thu Thảo chia sẻ: “Xin Bộ họp và đưa tin chính xác, tụi em đang trong giai đoạn nước rút rất hoang mang! Ví dụ thực tế, nếu thi như những năm trước thì theo dự đoán năm nay tụi em sẽ học kỹ môn Sử vì gần đây thi tốt nghiệp không có Sử, năm nay xác suất có sẽ rất cao. Mặt khác, theo dự thảo mới nếu thi tốt nghiệp 4 môn, được chọn 2 môn thì tụi em lại thích học 2 môn ví dụ như Lý, Địa. Thế nên, bây giờ giữa Sử và Địa, tụi em phải theo con đường nào cho vững đây?”.

Nói về dự thảo mới của Bộ, cô Trịnh Kim Đào – giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Bỉm Sơn, Thanh Hóa cho biết thực tế vẫn còn nhiều em học để thi, để lấy điểm nên nếu không thi môn ngoại ngữ các em sẽ không học nữa, trong khi môn ngoại ngữ là môn học cần thiết và quan trọng cho các em sau này.

Cô Lê Thị Bích Ninh, 60 tuổi, là giáo viên nghỉ hưu thẳng thắn nhận xét: “Thi tốt nghiệp hay miễn thi, thi 4 môn hay 6 môn thì cũng đậu tốt nghiệp gần hết . Hình thức và tốn kém. Nên dạy thế nào để con người có kỹ năng sống, làm thế nào để tồn tại trong khuôn khổ pháp luật, chứ ông này vẽ đường này bà kia vẽ đường nọ rồi cứ gọi là cải cách giáo dục thì cứ luẩn quẩn mãi thôi!”

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)