- Người đứng sau làm bệ phóng thành công cho người mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh chính là “đại gia” mẹ, nhà báo, dịch giả Nguyễn Võ Lệ Hà. Sự rèn luyện đôi khi khắc nghiệt của mẹ đã giúp Hà Anh có bản lĩnh đương đầu với tất cả những khó khăn trên con đường người mẫu sau này.



Lập blog tâm tình với con

Ở độ tuổi 56, nhà báo Lệ Hà ăn mặc trẻ trung, vai khoác ba lô, chơi trò farm trên Facebook bất cứ khi nào rảnh rỗi. Giật mình khi chị xưng “cậu, tớ” với đứa bạn tôi nhỏ tuổi hơn chị nhiều.

Hóa ra, chị Hà đã “xì tin” hóa để làm bạn của con trên blog, biết được các con hàng ngày suy nghĩ thế nào. Người đầu tiên lập cho chị blog ở yahoo là Hà Anh, để mẹ biết tin tức từ hồi còn đi du học. Hồi đó, blog còn là một khái niệm lạ lẫm, nhưng chị Hà ngày nào cũng vào đọc những gì con mình viết và viết cho con và các bạn cùng tuổi đọc.

Hà Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ba Hà Anh là họa sỹ thiết kế phim truyện Vũ Huy và mẹ là nhà báo Lệ Hà. Ông nội của cô là nhà văn Vũ Tú Nam.

Hai con gái Hà Anh, Hà My của chị đã không giấu kín những tâm tư của mình như các bạn đồng lứa khác, mà sẵn sàng trải lòng với mẹ, đôi khi như một người bạn lớn.

Ít ai biết rằng, chị là người khen con “có vẻ đẹp rất châu Á” khi Hà Anh từng cho mình không có làn da trắng, “già” khi so sánh với nhan sắc và độ tuổi làm người mẫu của các cô gái trời Tây.

Nhờ sự động viên của mẹ, Hà Anh mạnh dạn tham gia cuộc thi Người mẫu tiềm năng tổ chức tại London và bất ngờ giành giải nhất. Chị Hà bảo: Từ đó con bé bắt đầu rất tin tưởng vào những lời khuyên của mẹ. Bất cứ khi nào băn khoăn điều gì, Hà Anh đều hỏi mẹ đầu tiên.

Nếu chỉ khen con theo cách thông thường, kiểu “con hát, mẹ khen hay” thì Hà Anh đã không đủ tự tin như thế, nhưng sự hiểu biết sâu sắc của mẹ về văn hóa nước ngoài do từng du học ở Hungari thập niên 70 thế kỷ trước, đã giúp Hà Anh nhận ra ưu điểm từ những cái tưởng là khiếm khuyết của chính mình.

Sự thành công của Hà Anh thực ra đã bắt nguồn từ lúc lọt lòng, khi mẹ cô đã kiên trì rèn luyện cho con những phẩm chất đương đầu với thử thách.

Đông- Tây kết hợp nuôi dạy con

Là một trong những “chị Thanh Tâm” của báo Phụ nữ Việt Nam, giải đáp thắc mắc của độc giả, nhà báo Lệ Hà đã sớm tiếp xúc với thông tin về nuôi dạy con cái. Trước và sau khi sinh con, chị cắt và lưu giữ hàng trăm bài báo về cách chăm sóc con.

Khi mang thai chuẩn bị sinh, chị Hà đã nghiền ngẫm thật kỹ cuốn sách Chăm sóc trẻ của tiến sĩ người Mỹ Benjamin Spock. Chị đã áp dụng rất nhiều từ cuốn sách: đêm ngủ không cho con nhìn thấy ánh sáng để bé quen với việc đêm phải ngủ, ngày phải thức. Cho con uống nước hoa quả để thêm vitamin. Về chữa bệnh cho con, chị tận dụng cây cỏ, rau cỏ, ưu tiên dùng thuốc Bắc rồi mới đến dùng thuốc Tây.



Kể về bí quyết nuôi con có chiều cao 1,75m và thân hình lý tưởng (84-58-92), tất nhiên cũng nhờ di truyền từ bố (chiều cao 1,83m), chị Hà bật mí: khi con còn nhỏ, chị đã cho Hà Anh uống sữa pha với canxi dạng ống do gia đình gửi từ Pháp về.

Chị Hà cho biết: các nhà khoa học chỉ ra yếu tố di truyền chỉ là 30%, còn lại 70% do cách nuôi, dinh dưỡng, môi trường sống, rèn luyện cơ thể. Người Nhật cải tạo giống nòi bằng ăn uống, ăn cá nhiều, tập luyện thể thao, cải thiện môi trường sống. Yếu tố nữa là sống thoải mái để phát triển tinh thần và thể chất.

Kiểu dạy dỗ pha trộn Đông- Tây cho em nhiều lợi thế. Nét phương Tây  cho lợi thế suy nghĩ độc lập và không sợ nói lên quan điểm và suy nghĩ của mình, không ngại thể hiện cảm xúc,suy nghĩ trong đầu được giải phóng.

Khi làm người mẫu diễn trên sàn hoặc chụp ảnh phải thoải mái và hoàn toàn thả lỏng, nếu nghĩ trong đầu là làm thế này người ta cười mình chết thì không làm được.

Nét phương Đông: tình cảm với gia đình, sống kín đáo, tự do trong tư tưởng nhưng đề cao giá trị gia đình, tình yêu. Đi diễn đồ nội y em không diễn theo cách nóng bỏng Âu- Mỹ mà diễn với thần thái quyến rũ của một phụ nữ châu Á mang nét bí ẩn, có thể đó là lý do em được các giải thưởng lớn ở nước Anh. Em có nhiều tham vọng nhưng không có nghĩa là đánh đổi tất cả cho tham vọng đó.(Hà Anh)

Từ lúc 5 tuổi, Hà Anh đã bị mẹ bắt phải học bơi, tuần ba lần, mùa đông lạnh như cắt cũng phải lao xuống nước. Sau này lớn lên, gặp lại giáo viên dạy bơi thuở nhỏ, thầy tâm sự không sao quên được hình ảnh cô bé đen trũi vì nắng và nước hồ bơi, bơi như rái cá ở hồ Tăng Bạt Hổ bất kể thời tiết nào như một vận động viên chuyên nghiệp. Chị Lệ Hà cho rằng, tập luyện thể thao sẽ tạo ra cá tính không chịu khuất phục trước bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tuy nghiêm khắc về sự rèn luyện, chị Lệ Hà lại cho con thoái mái trong cách xưng hô, cho phép xưng tên với người lớn. Mỗi lần có hội họp với những người bạn từng du học ở Hungari, chị đều cho con đi để con dạn dĩ với người lạ, đặc biệt là người nước ngoài, múa hát trước đám đông.

Chị Hà nói: sau này lớn lên, Hà Anh giao tiếp thoải mái trong mọi môi trường, không đè nén cảm xúc như phong cách Á Đông, không bao giờ rụt rè, sợ hãi đối với bất kỳ chủng tộc nào, vì coi ai cũng như ai.

Sớm có ý thức tiếng Anh rất quan trọng, chị đã mời gia sư là những cộng tác viên dịch của báo Phụ nữ, dạy cho Hà Anh mỗi tuần một buổi tiếng Anh. Thời đó chưa có phong trào học tiếng Anh như bây giờ. Không những thế, Hà Anh còn học hát đủ thứ tiếng Hung, Nga, Anh, Việt từ băng cát sét mẹ mua về.

Nhà báo Lệ Hà nhấn mạnh: ngoại ngữ rất quan trọng, vì giúp người ta tự tin khi ra nước ngoài. Có vốn tiếng Anh giỏi, Hà Anh đã theo học chuyên Anh từ 10 tuổi, là cơ sở rất quan trọng cho cô tìm học bổng du học thành công sau này.

Từ năm 1999, đã có nhiều trường trung học của Anh đến thẳng trường HN-Amsterdam để tìm học trò. Hà Anh, sau khi viết 200 hồ sơ nộp cho các trường xin học bổng, cuối cùng đã thành công với học bổng dự bị đại học tại một ngôi trường dành cho giới quý tộc Bromsgrove.

Chọn được trường cho 80% học bổng, kèm theo ăn ở ký túc xá, nhưng Hà Anh lo lắng, 20% nghe thì nhỏ, nhưng với gia đình công chức như cô đó là một khoản tiền vô cùng lớn. Chị Lệ Hà đã phát huy “khả năng xoay xở”, vay mượn đủ mọi người mới đủ tiền cho con lên đường.

Ít ai biết rằng, “nhà tài trợ chính” cho các chuyến đi thi người đẹp, người mẫu sau này cũng lại là “đại gia” mẹ.



Hành trình trở thành người mẫu của Hà Anh:

2005: Giải người có hình thể đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam.

2006: Giải nhất cuộc thi Người mẫu tiềm năng, London.

2006: Giải nhất cuộc thi Gương mặt châu Á tại Vương quốc Anh.

2006: Á hậu tài năng tại cuộc thi Hoa hậu trái đất tại Philipine. Tại cuộc thi này, Ban tổ chức đánh giá cao Hà Anh khi nói: Chưa bao giờ có thí sinh VN nào đẹp và có trình độ như Hà Anh, họ không tự tin như cô. Hà Anh một mình khoác ba lô đi thi, vé máy bay mẹ tài trợ.

2008: Á hậu cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt.

Hà Anh là một trong số ít người mẫu VN thường xuyên sải bước trên những sàn catwalk lớn của thế giới, từng chụp ảnh cho Remy Martin, Toni & Guy, Redken 5th Avenue, DKNY, Eve Lom, Body Shop, Baileys, Virgin, Microsoft…
Bí quyết thành công của Hà Anh còn bởi cô đã được giáo dục tương đối hoàn hảo về kỹ năng sống tại Vương quốc Anh.

Khi học dự bị ĐH tại trường Bromsgrove, ngôi trường dành cho con nhà giàu ở UK (mức học phí 32.000 bảng/năm), Hà Anh được học rất nhiều, từ cách ăn ở, cầm đũa, dĩa, dao, một tuần 3 buổi phải đi nhà thờ, học cưỡi ngựa, đấu kiếm...

Mỗi lý túc xá đều có camera theo dõi, nữ ở riêng, nam ở riêng. 9h tối phải có mặt ở trong phòng. Ra khỏi trường không được giữ quá 5 bảng. Bố mẹ gửi tiền cho con nhưng nhà  trường quản lý hết. Mua hàng bằng thẻ visa.

Trường này rất tôn trọng tài năng. Hà Anh muốn học thêm đàn piano, cô được trường cho học không mất tiền. Có lần Hà Anh hát ở trường, thầy giáo thấy hay nên bảo cô đến học luyện thanh, thầy dạy…miễn phí.

Trong một lần thi thử thanh nhạc vào Học viện âm nhạc Anh quốc, Hà Anh đã bất ngờ được nhận và cấp học bổng 1 năm học thanh nhạc. Đây là một ngoại lệ vì trường không bao giờ nhận người nước ngoài vào học còn học phí thì cao ngất ngưởng.

Hà Anh đã tạm dừng một năm học ngành kinh tế tại ĐH Reading để học thanh nhạc, sau đó quay về tốt nghiệp ĐH này.

  • Hương Giang