- Hội thảo quốc tế về giáo dục mầm non (GDMN) với chủ đề “Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1” được Bộ GD-ĐT phối hợp với World Bank và UNICEF tổ chức trong 2 ngày 12 - 13/6.

Một trong những nội dung của hội thảo là tổng kết dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 do World Bank hỗ trợ. Đây là dự án đã góp phần đạt mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trên cả nước.

{keywords}

Hội thảo quốc tế về giáo dục mầm non và hội nghị tổng kết dự án "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non" được tổ chức vào ngày 12-13/6 tại Hà Nội

Dự án với nguồn vốn 100 triệu USD gồm 2 hợp phần chính: Hợp phần 1 với nguồn vốn 95 triệu USD giải ngân hàng năm vào ngân sách Nhà nước dựa trên kết quả đầu ra của các chỉ số gắn với giải ngân được thực hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Hợp phần 2 với nguồn vốn 5 triệu USD, được thực hiện ở Trung ương nhằm hỗ trợ thực hiện các chỉ số giải ngân tại địa phương.

Theo báo cáo tổng kết hội nghị, tính đến năm học 2016 - 2017, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đi học là 92,16%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học là 98,75%; cơ sở vật chất GDMN được cải thiện; trình độ chuyên môn của giáo viên được nâng cao.

Hết tháng 3/2017, đã có 80,17% số trẻ mẫu giáo, 85,5% trẻ 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa tại lớp; 41,04% số trường mầm non được đánh giá ngoài đạt chuẩn kiểm định cấp độ 1 trở lên….

99,1% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện, 100% đơn vị cấp tỉnh đã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

{keywords}

TS. Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT báo cáo kết quả và tác động của phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Báo cáo kết quả và tác động của phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, TS. Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, một trong những chính sách có tác động mạnh tới tỷ lệ trẻ ra lớp là hỗ trợ chi phí ăn trưa cho trẻ.

Ông Minh cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại của GDMN hiện tại: 0,7% xã chưa đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, chất lượng GDMN chưa đồng đều, mạng lưới trường lớp còn hạn chế và bất cập, khu vực vùng núi cao, vùng sông nước vẫn còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nhiều nơi còn thiếu thốn.

Theo ông Minh, những khu vực đáng lo ngại nhất về vấn đề trường lớp xập xệ là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ. Một trong những khó khăn lớn của GDMN là vấn đề nhân lực: tổng cả nước hiện thiếu gần 34 nghìn giáo viên mầm non.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – ông Phùng Xuân Nhạ - ghi nhận những kết quả đạt được của dự án, đồng thời đánh giá cao vai trò và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như World Bank, UNICEF, Unessco, các tổ chức phi Chính phủ… với GDMN Việt Nam.

Tuy nhiên, như ông Nhạ nhấn mạnh, “Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, song giáo dục mầm non Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Trẻ lứa tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non còn thấp và còn khoảng cách giữa các vùng, miền về giáo dục mầm non (đặc biệt là vùng núi cao, vùng Đồng bằng sông Cửu Long…)”.

{keywords}

TS. Christine Chen, Chủ tịch Hiệp hội GDMN Singapore trình bày về vai trò lãnh đạo trong giáo dục để tối ưu hóa chất lượng giáo dục.

Trình bày về vai trò lãnh đạo trong GDMN nhằm tối ưu hóa chất lượng giáo dục, TS. Christine Chen, Chủ tịch Hiệp hội GDMN Singapore đưa ra những kết quả đáng lưu ý của một khảo sát được thực hiện ở các trường mầm non của Phần Lan, Nhật Bản và Singapore. 

Bà Chen cũng chia sẻ về công cụ đánh giá chất lượng cơ sở mầm non của Singapore, được gọi là Khung Đánh giá Chất lượng GDMN Singapore (SPARK). SPARK được sử dụng từ năm 2010 với mục đích nâng cao chất lượng cơ sở mầm non với vai trò dẫn dắt của hiệu trưởng. 

  • Nguyễn Thảo