Các trường học đều luôn luôn nêu cao “quy chế dân chủ”, tuy nhiên hầu hết chỉ là “dân chủ hình thức”. 

Một số việc làm sau mô tả phần nào điều này.

Không ai phản đối

Trong tất cả các phiên họp, trong mọi công việc, ban giám hiệu (BGH) nhà trường luôn đưa ra trước hội đồng để bàn bạc rất “dân chủ”. Tuy nhiên vì cơ chế một thủ trưởng nên phần quyết định vẫn là hiệu trưởng, và điều đó là hiển nhiên. 

Điều này không có gì phải bàn cãi, nhưng vấn đề cần nói ở đây là việc đóng góp ý kiến và việc tiếp thu ý kiến: Nếu ý kiến đưa ra hợp “lòng” thủ trưởng thì được tán thành, nhưng nếu ý kiến đưa ra trái chiều thủ trưởng thì gần như bị bác bỏ, thậm chí bị cho là ý kiến “phá đám”, “chống đối”… Từ đó sẽ bì trù dập, bị soi mói… 

Có rất nhiều BGH có thể nói là có tính tình hẹp hòi, ích kỉ nên thường mang ra nói xấu sau lưng hay tìm cách trù dập, “bới lá tìm sâu”, quả đúng như câu “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau củ bồ hòn cũng méo”. 

Chính vì trong công việc mà không phân minh, thiếu đi sự dân chủ cần thiết, làm việc bằng tình cảm cá nhân đã làm thui chột đi nhân tài, ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu quả công việc, gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ tình cảm đồng nghiệp… Tất cả đều do những BGH nhận thức, đạo đức kém mà ra.

Vì sợ trù dập, ảnh hưởng tới miếng cơm, manh áo, tới sự phấn đấu bao năm nên đa phần các chủ ý của BGH đều được giáo viên tán đồng 100% mà ít có ai phản đối.

Đóng góp hình thức

Hàng năm, cứ đến cuối mỗi học kì, mỗi năm, các nhà giáo lại đánh giá lẫn nhau trên tinh thần “đóng góp, góp ý cho nhau cùng tiến bộ”. Nhưng vì cái bản chất của người Việt “thương người như thể thương thân”, nên các đóng góp đều… tìm chỗ tốt để khen, chỗ xấu thì nói bớt lại, đóng góp cứ như cái kiểu “làm nhanh cho xong”, thiếu đi tính chuyên nghiệp trong công việc của những con người của thời đại mới, đóng góp mà như chưa từng đóng góp, hòa cả làng. 

Hơn nữa đến khi đóng góp cho BGH thì ai cũng khen tốt, khen hay, không có bất kì ai dám đưa ra những hạn chế,yếu kém mà BGH cần phải sửa đổi nếu có cũng chỉ là những cái rất bình thường hay hiển nhiên. 

Tôi cũng là một người trong số các nhà giáo tham gia đóng góp cho BGH hàng năm, cũng tự nhận thấy việc làm này hình thức hơn là một công việc nghiêm túc. 

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, hiện nay các văn bản quy định về dân chủ trường học là tương đối đầy đủ nhưng thực hiện dân chủ cơ sở trong các trường học chưa tốt đẹp như các báo cáo (Ảnh: Lê Văn)

Đôi khi tôi thầm nghĩ: Có nên chăng hãy bỏ đi những việc làm vô nghĩa này cho tới khi sự tiến bộ xã hội đạt đến một mức nhất định nào đó? Bỏ cho đến khi mọi người có thể tiếp nhận sự đóng góp một cách chân thành trên tình thần tất cả vì công việc? Khi đó hãy bắt đầu, vì nó mới thực sự mang lại hiệu quả. Và việc làm này sẽ trở thành một phần không thể thiếu, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của mỗi người, của cơ quan, của xã hội. 

Tại sao không thành lập website đóng góp riêng?

Nếu thực sự muốn đóng góp hiệu trưởng một cách thỏa đáng, thì với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, tại sao các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT không thành lập một website riêng để có thể lấy ý kiến đóng góp trực tiếp trên này? Làm như vậy vừa công khai, vừa minh bạch, vừa khách quan, vừa có thể nhận được các ý kiến phản ánh trung thực nhất mà lại mang tính chuyên nghiệp và thời đại, hạn chế được việc làm hình thức, tốn kém tiền của, thời gian một cách vô bổ. 

Hơn nữa các ý kiến lại được đóng góp hàng ngày, hàng giờ…, từ đó các nhà quản lý giáo dục nhanh chóng nắm bắt được tình hình của mỗi hiệu trưởng, của mỗi trường để có các giải pháp can thiệp, chấn chỉnh kịp thời. 

Tôi nghĩ, chắc có lẽ vì các nhà quản lý giáo dục cũng không hề muốn các “đứa con” của mình bị “quăng gạch, ném đá”, ảnh hưởng tới mình nên không dám xây dựng một website như thế. 

Trong các phiếu đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hàng năm có một bản đánh giá mà trong đó giáo viên được phép không kí tên, tuy nhiên cũng chẳng ai dám nhận xét thật bởi vẫn còn có chữ viết của mình mà BGH hoàn toàn có thể lần ra. Và đa phần đều tìm cách để xác minh chủ của bản nhận xét là ai. Việc làm này thực sự không hề mang lại hiệu quả để đánh giá chính xác về BGH. 

Cũng  như trao đổi trên, nên chăng, thay vì làm phiếu đánh giá thì có thể đổi sang đánh giá trực tuyến trên website của ngành chẳng hạn?

Chán chê rồi mới tới lượt giáo viên

Trong mỗi trường học đều có các ban ngành đoàn thể như Công đoàn, Hội đồng trường, Hội Cha mẹ học sinh… Các tổ chức này được thành lập để nâng cao tính dân chủ nhưng mặc dù là thế, nó vẫn tồn tại, nó vẫn hoạt động nhưng cũng đa phần là hình thức vì vẫn chỉ có “hiệu trưởng” là chủ, ý kiến của hiệu trưởng nêu ra có ai dám phản kháng? 

Trong các phiên họp lấy ý kiến về một vấn đề nào đó chẳng hạn như chọn một tấm gương tốt, xoay qua xoay lại rồi cuối cùng cũng vẫn là hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng. Có ai dám tốt hơn hiệu trưởng? Khi BGH được đề xuất hết rồi, chán chê rồi lúc đó may ra mới tới lượt giáo viên…

Hay như đề xuất dự nguồn các chức danh phó hiệu trưởng, hiệu trưởng… vẫn chỉ là do Hiệu trưởng đề xuất rồi mang ra lấy phiếu tín nhiệm, làm khống các biên bản, như một hình thức hoàn tất thủ tục cho đúng quy trình. 

Về những người được đề xuất, tôi cũng không thể hiểu được họ dựa vào tiêu chí nào để chọn? Dựa vào tài, đức hay dựa vào độ thân cận?… Chắc nói tới đây, ai là giáo viên hẳn sẽ đều có cùng câu trả lời.

{keywords}

Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng không phải cứ chăm chăm nói tới chữ dân chủ thì sẽ có dân chủ (Ảnh: Lê Văn)

Trước đây, tôi cũng công tác dưới quyền một vị hiệu trưởng, bà luôn mồm nói trường này là “trường của tôi”, “tôi là chủ”. Đúng, “tôi là chủ” vậy thì đâu còn “dân chủ”?

Qua đây cũng cho thấy được phần nào nhận thức, tư duy của đa số các vị hiệu trưởng, và cũng thể hiện rõ nét hiện thực việc thực hiện quy chế dân chủ trong các nhà trường hiện nay.

Tại sao không phản ánh lên trên?

Ngoài ra, có rất nhiều các việc làm đã tồn tại từ rất lâu, các việc làm này hiện nay đã lỗi thời hay thậm chí là bất cập, ví dụ như việc thao giảng, dự giờ, việc thực hiện hồ sơ sổ sách của giáo viên, giáo án… 

Thế nhưng cũng chẳng ai dám ý kiến, hoặc nếu có ý kiến thì vẫn bị gạt ra vì nhiều lý do: Nó đã trở thành mặc nhiên hay nó đã được cấp trên xem như là quy chế “bất thành văn” bấy lâu rồi, nên không thể thay đổi. 

Từ đó, giáo viên cứ nhắm mắt mà làm cho xong chuyện, cho hoàn thành nhiệm vụ, làm mà trong lòng ấm ức, làm mà không hề thoải mái. 

Nói tóm lại, dân chủ trong trường học nói riêng hay trong tất cả các ban ngành nói chung gần như chưa thực hiện được, nếu không muốn nói là phần lớn không thực hiện được.

Bởi chế độ một thủ trưởng đã cho người đứng đầu nhà trường quyền hạn quá nhiều trong tay -  quyền sinh quyền sát, quyền năng chèn ép, trù dập…, thì không ai dám lên tiếng, và dẫu có lên tiếng thì cũng gần như không có tác dụng. Và như thế không thể dân chủ được.

Theo lý thuyết, một vài nhà lãnh đạo có nói: Tại sao không phản ánh lên trên? Cán bộ, viên chức, nhân viên có quyền đó mà, tại sao không sử dụng cái quyền đó? Tại sao không lên tiếng? 

Đúng! Hiến pháp, pháp luật, quy chế, quy định… có cho phép cái quyền này, rất nhiều quyền nhưng ai dám sử dụng cái quyền này? Ai dám cả gan sử dụng cái quyền đó rồi gần như biết trước kết quả rằng chỉ là “nước đổ đầu vịt” còn hậu quả thì sẽ khốn khổ về sau? 

Nếu muốn dân chủ, trước hết phải quy định lại về chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu để có thể vận dụng trí tuệ tập thể hơn là trao toàn quyền cho họ. 

Phải tuyển chọn được những người có đủ Tài và Đức để lãnh đạo, việc làm này nếu cần có thể tổ chức thi. 

Tất cả các việc trong nhà trường, trong các cơ quan phải được thực hiện khách quan nhất, tôn trọng ý kiến tập thể. 

Và hãy xây dựng website riêng để lấy ý kiến đóng góp, đánh giá, biểu quyết các công việc trực tuyến mỗi khi cần, để có được con số khách quan và đáng tin nhất.

  • Hoàng Thanh - Một giáo viên tại TP.HCM