Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kết thúc năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non (tăng 2.604), bình quân toàn quốc đạt 1,82 giáo viên/lớp (tăng 0,02 giáo viên/lớp), tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật giáo dục 2019 đạt 73,7%.

Trong đó, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo trình độ đại học sư phạm trở lên đạt 50,7%, tỉ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm là 23,5%, còn 26,3% giáo viên có trình độ trung cấp.

Tỷ lệ giáo viên mầm non được cấp trên đánh giá chuẩn nghề nghiệp đạt 86,8%.

Thiếu 45.242 giáo viên mầm non công lập

Tuy nhiên, cũng theo thống kê, số giáo viên còn thiếu ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập là 45.242 giáo viên. Đây là số lượng còn thiếu năm học 2019-2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non.

Số giáo viên hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tính đến tháng 3/2020 là 48.392 người. Một số tỉnh có nhiều giáo viên hợp đồng lao động như Tuyên Quang (2.411), Thái Nguyên (1.533), Bắc Giang (1.108), Phú Thọ (2.368), Vĩnh Phúc (3.489), Bắc Ninh (1.259), Thái Bình (4.595), Nam Định (6.305), Thanh Hóa (4.260), Hà Nội (1.683), Nghệ An (2.466), Đắk Lắk (1.178), Đồng Nai (1.212), TP HCM (1.745), Cần Thơ (1.482). Điều này gây khó khăn trong quá trình quản lý, không ổn định đội ngũ, khó khăn trong thực hiện chính sách đối với giáo viên.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Trong năm học vừa qua, các địa phương đã tích cực thực hiện xét tuyển số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Ví dụ như Hà Nội phê duyệt 5.021 chỉ tiêu hình thức thi tuyển và xét đặc cách; 98 giáo viên mầm non ở Hậu Giang có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ 2015 trở về trước được xét đặc cách.

Các địa phương cũng tăng cường thực hiện tuyển mới giáo viên theo quy định và số giáo viên được tuyển trong năm học là 17.605 người.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh

Tỷ lệ giáo viên/lớp các vùng đều tăng so với năm học 2019-2020 nhưng riêng vùng Đông Nam Bộ giảm 0,06 GV/lớp (tăng lớp nhưng giáo viên không tăng mà lại giảm đi) và có một số tỉnh giảm như: Hải Phòng (-0,05 GV/lớp), Nam Định (-0,02 GV/lớp), Bắc Kạn (-0,04 GV/lớp), Yên Bái (-0,05 GV/lớp), Thái Nguyên (-0,07 GV/lớp), Đà Nẵng và Ninh Thuận (-0,2 GV/lớp)… Số giáo viên giảm ở một số tỉnh chủ yếu do chưa được tuyển bù cho số giáo viên nghỉ hưu, trong khi tăng quy mô nhóm/lớp.

Mặc dù bình quân giáo viên tăng nhưng tại một số tỉnh bình quân giáo viên còn ở mức thấp gây khó khăn trong quá trình phân công nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ. Một số tỉnh có bình quân giáo viên/lớp thấp: Vĩnh Phúc 1,59; Hưng Yên 1,45; Hà Giang 1,37; Bắc Kạn 1,5; Điện Biên 1,47; Sơn La 1,47; Ninh Thuận 1,42; Kon Tum và Gia Lai 1,47; Trà Vinh 1,49; An Giang 1,51…

Không để kéo dài tình trạng hợp đồng nhiều năm

Theo Bộ GD-ĐT, cũng do tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương, một số tỉnh đã không thể bố trí cho trẻ học đủ 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non, như Vĩnh Long; An Giang; Kiên Giang; Bình Dương; Quảng Trị,...

{keywords}
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non nhìn nhận tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều địa phương chậm được khắc phục. Do thiếu giáo viên, nhiều trường mầm non không tuyển sinh trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đến trường, phòng học không sử dụng, trong khi trẻ phải đến học tại các nhóm, lớp độc lập tư thục thiếu cơ sở vật chất hoặc được chăm sóc tại gia đình. Điều này gây lãng phí cơ sở vật chất, giảm tỷ lệ huy động trẻ ở các địa phương.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Việc thiếu giáo viên ở nhiều địa phương cũng tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương rất thấp. Nhiều nơi giáo viên làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng không được trả chế độ thừa giờ; thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc ở trường quá dài, áp lực công việc lớn (9-10h/ngày), ảnh hưởng đến cuộc sống. Chưa kể, cùng đó là việc thiếu nhân viên hành chính, nhân viên y tế và cấp dưỡng để thực hiện các nhiệm vụ và tổ chức bán trú cho trẻ tại trường.

Một số giáo viên mầm non năng lực nghề nghiệp còn hạn chế, chưa biết tận dụng các điểm mạnh, khắc phục hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất sẵn có. Một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế trong việc xây dựng và phát triển Chương trình giáo dục mầm non, khả năng triển khai và đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm chưa đạt yêu cầu; hạn chế về kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống trong chăm sóc, giáo dục trẻ dẫn đến gây mất an toàn cho trẻ. Ngoài ra, nhân viên nấu ăn, bảo vệ, phục vụ trong các cơ sở giáo dục mầm non thiếu về số lượng và chưa có cơ chế để thực hiện chế độ, chính sách.

Do đó, theo ông Minh, một trong những phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ở năm học 2020-2021 là phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

Cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 102 ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, tổ chức rà soát định mức giáo viên/lớp; có giải pháp bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định, các đơn vị thiếu giáo viên bố trí bảo đảm ít nhất 2 giáo viên/lớp; thực hiện tuyển dụng viên chức đối với giáo viên mầm non, không để kéo dài tình trạng hợp đồng nhiều năm và thiếu giáo viên trong khi vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển dụng.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định hiện hành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho hay Bộ GD-ĐT mong muốn các đại biểu góp ý về công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GD-ĐT trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn... Đặc biệt, chỉ ra những hạn chế, bất cập của các văn bản với với thực tiễn áp dụng của địa phương.

“Đây là hội nghị rất quan trọng và cần phải tập trung trao đổi một cách thẳng thắn và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, vì sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nếu chúng ta có nền tảng vững chắc trong phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong tương lai”, bà Minh nói.

Kết thúc năm học 2019-2020 toàn quốc hiện có 15.461 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non (sau đây gọi là trường mầm non), 23.960 điểm trường lẻ, so với năm học trước giảm 40 trường (giảm 159 nhà trẻ và trường mẫu giáo, tăng 119 trường mầm non), giảm 2.278 điểm trường lẻ, với tỷ lệ bình quân 1,39 trường mầm non/đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ điểm trường lẻ/trường mầm non là 1,55 (chủ yếu ở các vùng, khu vực miền núi).

Hiện nay, toàn quốc có 3.180 trường mầm non ngoài công lập (tỉ lệ 20,6%, tăng 144 trường), chăm sóc cho 1.172.967 trẻ (tỷ lệ 22,1%); nhiều tỉnh có tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập (MN NCL) cao, tập trung ở các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Tỉnh có tỷ lệ trường MN NCL cao như: Hà Nội 30%, Hải Phòng 28,3%, Đà Nẵng 65,9%, Quảng Nam 19,4%, Quảng Ngãi 19,1%, Bình Định 20,9%, Khánh Hòa 20,4%, Ninh Thuận 26,4%, Bình Thuận 20,3%, Bình Dương 71,1%, Đồng Nai 36,2%, TP Hồ Chí Minh 65,5%, Bà Rịa-Vũng Tàu 40,5%...

Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ em mầm non học tại các cơ sở GDMN ngoài công lập chưa đạt theo mục tiêu đến năm 2020 của Đề án PTGDMN giai đoạn 2018-2025 (Quyết định số 1677/QĐ-TTg), còn nhiều tỉnh có tỉ lệ trường mầm non NCL rất thấp[ Mục tiêu huy động trẻ em MN NCL đến năm 2020 là: 25%; Tỉnh có tỷ lệ trường MN NCL dưới 10% gồm: Hậu Giang 2,3%, Đồng Tháp 5,3%, An Giang 9,1%, Vĩnh Long 9,2%, Trà Vinh 8,2%, Tiền Giang 8,6%, Hà Tĩnh 7,2%, Quảng Bình 7%, Thanh Hóa 4,8%, Hòa Bình 3,2%, Điện Biên 1,8%, Hà Nam 4,2%, Nam Định 2,1%, Ninh Bình 4,6%, Cao Bằng 0,5%, Bắc Kạn 0,8%...], toàn quốc có 13 tỉnh có dưới 10 trường mầm non NCL, trong đó tỉnh Hà Giang, Lai Châu chưa có trường mầm non NCL.

Ngoài hệ thống trường mầm non, cấp học mầm non có 15.914 cơ sở nhóm/lớp độc lập tư thục, tăng 240 cơ sở so với năm học trước.

Một số địa phương vẫn còn nhiều phòng học tạm như: Hà Giang: 249 phòng, Tuyên Quang: 172, Bắc Giang: 216, Điện Biên: 463, Sơn La: 287, Ninh Bình: 232, Thanh Hóa 471… gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Thanh Hùng

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ thêm phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ thêm phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng

Đó là một trong những nội dung của Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm mà Chính phủ vừa ban hành ngày 25/9.