- Ngành giáo dục trong thời gian qua được nhiều người ví như một “hoạt động nghệ thuật”, từ khâu quản lý đến thực hành sư phạm và chất lượng giáo dục ở mọi cấp học. Trong đó, vấn đề vi phạm dân chủ trong trường học xảy ra ở mọi khía cạnh, mọi ngõ ngách của ngành, đã tới lúc cần rung hồi chuông cảnh báo. Nghiêm trọng hơn, nó bị vi phạm từ chính những người hiệu trưởng đầy uy quyền.
{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu tại hội nghị về thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đào tạo (Ảnh: Lê Văn)

"Ở đây ai lớn nhất?

Đã có người hỏi, dân chủ trong trường học có bị mất không? Thưa rằng, không mất mới là chuyện lạ và nó mất ngay từ bậc quản lý, lãnh đạo.

Vì hiệu trưởng là quyền thủ trưởng đơn vị, và hơn nữa, nếu như “bộ tứ” bao gồm Ban giám hiệu - Chi bộ - Công đoàn - Đoàn Thanh niên cùng “nắm tay” thao túng, thì làm gì còn ai dám đấu tranh?

Bất kỳ ý kiến đóng góp nào cũng đều bị họ gạt sang một bên, hoặc luôn gật đầu ghi nhận, nhưng rồi cứ thế mà triển khai thực hiện theo ý mình. Đến nỗi, khi giáo viên có ý kiến, thường nhận được câu hỏi ngược lại của hiệu trưởng: Ở đây ai lớn nhất?

Mặt khác, dù không muốn nói, nhưng chúng ta nên chấp nhận một thực tế: một vị hiệu trưởng của một trường nếu có nhiệm kỳ dài hạn thì đố cán bộ viên chức nào dám phản biện thật, góp ý thật, phê bình thật.

Bạn tôi là cán bộ thư viện cho một trường (xin được giấu tên) thỉnh thoảng cũng hay tâm sự về những vấn đề của hiệu trưởng trong ngôi trường mà mình đang công tác. Bạn kể rằng: “Họ thường thẳng tay trù dập những người không phe cánh cùng mình. Ngay bản thân tôi là người làm công tác thư viện, nhưng thường xuyên nhận “lệnh” pha trà, quét dọn, lau chùi phòng cho Hiệu trưởng, mặc dù trường có nhân viên tạp vụ và công việc đó là của tạp vụ”.

Do cơ chế bổ nhiệm từ trên xuống

Thực tế, tuy vẫn còn rất nhiều hiệu trưởng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, nhưng cũng có không ít vị hiệu trưởng chuyên quyền, độc đoán. Cũng có nhiều vị trình độ chuyên môn kém cỏi, thậm chí là yếu nhưng lại làm hiệu trưởng là nhờ cơ cấu, “đi đêm”, đi “cửa hậu”...

Nhiều người nói nửa đùa nửa thật rằng ai dạy tốt người đó suốt đời chỉ đi dạy, ai dạy kém thì… làm hiệu trưởng, chứ dạy kém mà làm công tác giảng dạy là làm hư cả một thế hệ học trò.

Thiết nghĩ, không thể có chuyện cán bộ, viên chức phản ứng, phản biện lại với sếp, với thủ trưởng là mang tội hỗn láo, được xem là đối tượng cá biệt, thậm chí bị liệt vào danh sách “đen”. Điều đó đang khiến cho cán bộ, giảng viên, giáo viên bây giờ sợ hiệu trưởng còn hơn người sinh ra mình. Do vậy, hiệu trưởng giống như vua một cõi, là một là duy nhất!

Với quyền uy tối thượng đó của người hiệu trưởng, phải chăng, vấn đề  dân chủ trong trường học đã bị mất ngay từ chính người lãnh đạo, quản lý cấp cao?!

Việc nảy sinh những vị hiệu trưởng chuyên quyền như hiện nay, xét cho cùng là do cơ chế bổ nhiệm từ trên xuống. Đó là cái gốc của căn bệnh mất dân chủ trong trường học.

Nhà nước nên mạnh dạn xóa bỏ cơ chế bổ nhiệm từ trên xuống. Có như vậy mới đảm bảo tính dân chủ trong môi trường giáo dục.

Chúng ta cần phải hiểu, mỗi trường học nó giống như một “tế bào” của ngành giáo dục. “Tế bào” có khỏe mạnh thì “cơ thể” toàn ngành giáo dục mới khỏe mạnh. Vì vậy, cần coi trọng đổi mới công tác quản lý ở cấp cơ sở, trước hết là nâng cao năng lực quản lý và phẩm chất đạo đức của hiệu trưởng.

Hãy để các giáo viên trong trường bầu trực tiếp hiệu trưởng của trường mình. Hàng năm có phát phiếu đánh giá về các tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn... của hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường. Kết quả đánh giá hàng năm của tập thể cán bộ viên chức, giáo viên được công khai dân chủ với các cơ quan quản lý và sẽ có biện pháp khắc phục.

Lầu Thanh (giảng viên đại học)