Thầy giáo Nguyễn Văn Lực kể lại câu chuyện buồn của một "tân giáo viên", đồng nghiệp của anh: sau khi đã trải qua nhiều chờ đợi và khó khăn, điều mà cô không ngờ tới là những dị nghị về cách mà cô có được một chỗ đứng trên bục giảng.

VietNamNet giới thiệu câu chuyện của anh Nguyễn Văn Lực.

Có sự thật người ta lại không tin, nhưng những đồn thổi thì được nhiều người nghe!

Câu chuyện về cô - xin được gọi là cô H.N -  giáo viên một trường THCS ở Khánh Hòa, cho chúng ta góc nhìn về nghề giáo ngày càng áp lực.

Giáo viên không chỉ chịu sức ép về “soạn, giảng, chấm, trả” cùng với nhiều việc “không tên” và lắm phong trào, cuộc thi từ trên dồn xuống, mà cả áp lực về tâm lý từ đồng nghiệp.

{keywords}
Với giáo viên trẻ, ngoài sự tin yêu của học trò, họ còn rất cần nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Năm 2015, H.N, tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Tiếng Anh của một trường đại học. Sau đó, cũng giống như nhiều sinh viên khác, H.N đến nhiều trường học để xin dạy hợp đồng và chờ đợi thi viên chức (nếu có). Nhưng sau tất cả là sự thất vọng, với lời từ chối tế nhị của các hiệu trưởng “Thông cảm nhé, trường không có nhu cầu”.

Chị gái của H.N. nghĩ hay là do không biết đường “chạy”?

Rồi một hôm, qua sự giới thiệu của người quen, H.N. tìm đến gặp một phụ nữ tự giới thiệu mình có quan hệ với “sếp” ở ngành giáo dục. Người này hứa sẽ giúp cho H.N. vào dạy hợp đồng ở một trường THCS và "bao" lo thi vào biên chế với số tiền 80 triệu đồng.

Bố mẹ đều đã mất, gia đình thuộc hộ nghèo ở vùng thôn quê Khánh Hòa, không lấy đâu ra số tiền lớn để lo việc, nên H.N. quyết định ở nhà dạy kèm để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày, để kiến thức không bị lãng quên và với niềm tin "cơ hội sẽ đến ít nhất một lần trong đời".

Cơ hội rồi cũng đến với cô. Năm 2016, Phòng GD-ĐT huyện tuyển viên chức, H.N. liền nộp đơn dự thi.

Việc tổ chức thi tuyển được thông báo công khai về thời gian, đối tượng, điều kiện, hình thức. Phần thi dạy gồm một tiết tự chọn và một tiết bốc thăm, rồi tiếp theo là thi vấn đáp kiểm tra hiểu biết chung về nghề nghiệp, chuyên môn giảng dạy.

Thí sinh có tham gia thi mới thấu hiểu được sự khó khăn, gian khổ. Và rồi H.N. sung sướng "không sao tả xiết" - như lời cô nói -  khi nhận được thông báo trúng tuyển, được phân công về giảng dạy tại trường THCS cách nhà 10 km mà không mất đồng "chạy" việc nào.

Hôm hay tin trúng tuyển, chị gái H.N đã làm mâm cơm "báo cáo" với bố mẹ, rằng em gái đã được đi dạy rồi. Trước khi qua đời, mẹ có bảo chị gái cố gắng nuôi em ăn học để có việc làm, sau này đỡ phải vất vả như mẹ. Chắc mẹ của hai cô gái đã rất vui, vì họ đã thực hiện được mong ước của bà.

Thế nhưng, điều H.N. không thể ngờ tới là khi về nhận công tác, niềm vui chưa phai, cô đã cảm thấy tủi thân vì nhiều giáo viên trong trường nhìn cô với ánh mắt tò mò, dò xét, thậm chí là dè bỉu. Có người còn hỏi thẳng “Em tốn bao nhiêu tiền vậy”?

"Vậy là thầy cô ở trường không tin vào khả năng của em, cho rằng em trúng tuyển là nhờ “chạy”. Em rất buồn, không biết nói làm sao để các cô, đồng nghiệp tin rằng đó là nhờ năng lực thật sự của em, nhờ sự quyết tâm, khổ luyện học tập ở trường cùng trải nghiệm qua việc dạy kèm ở nhà, chứ không phải như mọi người hay nghĩ “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, trí tuệ”" - H.N ngậm ngùi...

Dẫu rằng ở đâu đó có xảy ra việc “chạy” chỗ, nhưng tôi tin rằng qua câu chuyện của H.N., chúng ta hãy suy nghĩ lại. Trong môi trường giáo dục, mỗi thầy cô là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nhưng tiếc rằng, nhiều thầy cô lại thiếu niềm tin vào năng lực của chính các đồng nghiệp, nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường.

Với họ, với H.N., đó thật sự là một áp lực tâm lý rất nặng nề ngay từ những ngày đầu tới trường làm việc.

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)