TS. Nguyễn Chí Hiếu (Stanford PhD./Oxford MBA/CEO, IEG) là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận học bổng Eisenhower Fellowship 2018 mảng giáo dục. Trong một bài viết đăng trên trang cá nhân khi đang tham dự chương trình Eisenhower Fellowship 2018 (từ 29/09 – 20/11), anh có đề cập tới những “kỳ tích” của một trường công nằm ở vùng ngoại ô Chicago – nơi anh đến thăm với sự kết nối của Chủ tịch của Quỹ Giáo dục Chicago.

{keywords}
TS Nguyễn Chí Hiếu và Larry - vốn là một luật sư, giảng viên của trường luật Harvard, và là cha đẻ của nhiều bộ luật giáo dục nước Mỹ. Ông đã theo đuổi giáo dục 40 năm.

Những kỳ tích khiến TS Hiếu đã phải thốt lên "nhìn họ làm mà phát thèm" thuộc về “Một trường cấp 3 công lập với tầm 3.000 học sinh, cách đây 3 năm về trước "sở hữu" những con số "đau thương" mà mới nghe qua thì chắc nhiều người đã lo... chạy”.

Xin giới thiệu trích lược bài viết của TS Hiếu

3 kỳ tích

Những con số đó là:

- 85% học sinh là dân nhập cư Latino, 15% còn lại là dân Mỹ da đen con nhà nghèo.

- Tỉ lệ nghỉ học giữa chừng cán ngưỡng kỷ lục 50-60%.

- Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đại học chắc còn có 5-10%.

- Tỉ lệ bạo lực học đường, vào ngồi tù bóc lịch phải trên 40%.

Vậy mà, chỉ sau 3 năm, ngôi trường còn liệt vào hạng tệ nhất Chicago, giờ đây sở hữu những con số còn khiêm tốn nhưng là quả ngọt của một đam mê theo đuổi giáo dục chân chính:

- 85% học sinh vẫn là dân nhập cư Latino, 15% còn lại cũng vẫn là dân Mỹ da đen con nhà nghèo, chẳng khác gì so với 3 năm trước.

Nhưng...

- Tỉ lệ nghỉ học chỉ còn dưới 5%.

- Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đại học lên trên 50%.

- Tỉ lệ bạo lực học đường, vào tù rớt còn lại là... 0.

Câu chuyện về sự thay đổi của ngôi trường được kể lại bởi Alison – như miêu tả của TS Hiếu, là “một cô gái còn rất trẻ, khoảng đầu 30 tuổi, mái tóc vàng hoe undercut rất phong cách, quần jeans áo pull, khoác thêm cái blazer màu xanh đậm. Cách đây vài năm, Alison chỉ là một giáo viên dạy Toán và tiếng Tây Ban Nha.

Vậy mà 3 năm qua, cô gái có ánh mắt xanh trong, sáng ngời ấy đã đứng lên làm hiệu trưởng của ngôi trường "kinh khủng" này... 

Họ đã làm như thế này...

Kỳ tích số 1: Một chương trình học thôi ư, sao lại thế?

Hơn ai hết, họ hiểu rằng với một lớp học 20-30 học sinh đã có muôn vàn tính cách, năng lực, đam mê, hoài bão, chứ đừng nói chi là một ngôi trường 3.000 học sinh. Ép 3000 đứa chạy theo một chương trình học thì lấy đâu ra đam mê.

Vậy là họ bắt tay vào mổ xẻ và đề ra 4 chương trình học, cho học sinh được lựa chọn tùy theo tính cách, năng lực, đam mê, hoài bão của mỗi đứa:

- Chương trình IB là dành cho 15% học sinh xuất sắc nhất, muốn hướng đến những trường đại học hàng đầu.  

Cái hay là trong câu chuyện thấy được sự tự do trong phong cách quản lý  của người hiệu trưởng. Việc làm của cô ta không bị chi phối bởi các yếu tố hành chính và quy định của giáo dụcNguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch Sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Lê Huyền ghi)

- Chương trình Avid là dành cho 15% học sinh khá giỏi, muốn bước chân vào các trường đại học kha khá.

- Chương trình Dạy nghề là dành cho 20% học sinh mà ở đó, chúng nó có nguyên một xưởng sữa chửa ô tô, một nhà bếp học nấu nướng, một phòng lab để học về lập trình và an ninh mạng, một xưởng in ấn để sản xuất ấn phẩm truyền thông.

- Chương trình Nghệ thuật dành cho 10% học sinh mà ở đó chúng được tung hoành vẽ dầu, làm gốm, điêu khắc, múa hát, nhảy nhót.

Tiền ở đâu ư? Họ cứ đi xin từng chút một, để rồi tích gió thành bão, họ làm được từng thứ, từng thứ hay ho cho học sinh. 

Kỳ tích số 2: Từ giáo viên đến hiệu trưởng, tất cả cùng đi học làm "khoa học".

- Họ đề ra một bản kế hoạch chi tiết trong 5 năm, chia làm 4 hạng mục: Chương trình Học thuật, Văn hóa và Cộng đồng, Phát triển đội ngũ, Kiểm tra và Đánh giá.

- Trong mỗi hạng mục, liệt kê chi tiết mục tiêu của từng năm để sau 5 năm họ sẽ về đích, và đích đến chính là cái ước mơ của họ cho từng hạng mục ấy hiện ra trong con người của học sinh.

- Với mỗi mục tiêu, họ chỉ ra 7-8 hành động cụ thể phải làm, cùng quy trình và cách làm chặt chẽ.

- Với mỗi hành động phải làm, họ xác định công cụ đo lường và thiết lập hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu.

- Với từng dữ liệu, họ tận tâm và nghiêm túc đo lường, thu thập, phân tích, đánh giá để từ đó hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng họ sẽ có ngay giải pháp cho những vấn đề trọng tâm, nóng hổi nhất. Chẩn đoán đúng bệnh, ra thuốc đúng bệnh, trị bệnh triệt để.

Và hàng giờ, hàng ngày, cả tập thể gần 200 giáo viên, nhân viên ấy vừa làm, vừa phân tích, chỉnh sửa, học hỏi. Để rồi tất cả cùng nhau trưởng thành khi chính học sinh của họ trưởng thành.

Kỳ tích số 3: Giáo dục đâu phải là câu chuyện của chỉ nhà trường.

3 năm qua, Alison và tập thể những "giáo viên làng" ấy đã mạnh mẽ đứng dậy "chiến đấu" để đập tan sự thờ ơ cứng đầu cũng như những đòi hỏi phi lý của phụ huynh. Để rồi sau bao nhiêu "cuộc chiến" với phụ huynh, giờ đây bước vào trường học ấy, đâu đâu cũng thấy phụ huynh tình nguyện giúp đỡ cho trường, kể cả những công việc chân tay… xây cho lũ trẻ được những cơ sở vật chất "đẹp trong mơ" và một môi trường giáo dục thật sự vì học sinh.

Không chỉ thế, họ đi họp đầy đủ, lắng nghe, ghi chép, đồng hành cùng lũ trẻ”... 

Càng khâm phục những gì mà tập thể 200 con người ấy đã làm cho học sinh của họ trong 3 năm, lòng lại càng gợn chút buồn miên man, vô định với những câu "Ước gì ở nhà cũng ..."…” – TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

Có điều gì cản bước trường công Việt Nam?

Đem tâm sự “Ước gì ở nhà cũng…” của TS Nguyễn Chí Hiếu trao đổi với nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà nội) - ngôi trường từng có sự tương đồng ở nhiều khía cạnh với ngôi trường ngoại ô Chicago 3 năm trước – ông vui vẻ bình luận “Làm như họ thực sự giáo dục là vì con người, còn như chúng ta mới đang làm giáo dục vì giáo dục”.

{keywords}
TS Nguyễn Tùng Lâm: "Cho các em những lớp học hạnh phúc, các em sẽ yên tâm đến trường”. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Họ có hiệu trưởng không chỉ là một nhà quản lý mà còn là một nhà sư phạm. Họ có đội ngũ nhà giáo tâm huyết, biết vượt qua cái khó của chính mình”.

Theo ông Lâm, chúng ta cũng làm được nếu có cơ chế. “Với những em không có khả năng tư duy logic mà cứ bắt học toán, lý, hóa thì học làm sao được? Hãy cho nhà trường được tự chủ, tự thiết kế chương trình phù hợp, các em sẽ học tốt. Cho các em những lớp học hạnh phúc, các em sẽ yên tâm đến trường”.

Cách đây 6 năm, TS Nguyễn Hoàng Chương được điều sang làm hiệu trưởng một trường THPT kém nhất của phố núi – Trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) – nên anh có sự đồng cảm với những gì mà hiệu trưởng ngôi trường nơi đất Mỹ xa xôi kia từng trải qua. 

Theo anh, nhà trường Việt hay nhà trường Mỹ thì chất lượng giáo dục đều được đánh giá qua tỷ lệ tốt nghiệp, duy trì sĩ số, trường học nhân văn. Dạy tốt – học tốt là giá trị không biên giới.

TS Chương cho rằng giao quyền tự chủ cho nhà trường trong bối cảnh hiện nay rất cần. “Có thể thấy, điều làm nên kỳ tích số 1 ở Trường Trung học tại Chicago là họ tự chủ về chương trình, linh hoạt thực hiện. Ở mình, mấy chục năm qua luôn nói đến dạy học phù hợp 3 loại đối tượng học sinh, nhưng cả một thời gian dài sách giáo khoa lại là độc quyền, là pháp lệnh”.

Với quan sát của TS Chương, tư duy phân luồng kiểu Mỹ khác kiểu Việt Nam khi họ không chỉ dạy chữ mà còn thiết kế chương trình dạy nghề và chương trình nghệ thuật... “Phân luồng của mình sau THCS phải chăng vì thế bị giậm chân tại chỗ? 

Theo TS Chương, còn có mấy điểm đáng lưu tâm như: Tiếng là trường nghèo, nhưng họ có khá đầy đủ: Xưởng sửa chữa ô tô, bếp học nấu ăn, phòng lab, xưởng in... “Nhưng với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại hầu hết các trường ở ta hiện nay còn thiếu, liệu có “lối cũ ta về” khi thầy trò trong nhà trường cũ “đục đẽo” mỗi bài học trong sách giáo khoa mới?”.

Ông cũng so sánh: “Với họ, bản kế hoạch là sản phẩm của tập thể, vì lợi ích chính đáng của thầy trò, được xây dựng kỹ lưỡng, công cụ đánh giá rõ ràng, tính khả thi cao. Trường mình thì có đủ thứ kế hoạch nhưng phần lớn là trên bản giấy, để trưng ra khi phúc tra thi đua cuối năm”. 

Có thể thấy, nhà trường không khoan nhượng trước những yêu sách vô lý của phụ huynh. Tổ chức dạy dỗ con em tốt, luôn kết nối với phụ huynh, nhà trường nhận được sự hợp tác toàn diện từ phía phụ huynh. Ở Việt Nam cũng có trường thực hiện tốt việc này. Để được như thế (cả ở Mỹ) còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

Nhưng TS Chương cũng có những băn khoăn riêng, đặt trong sự so sánh với môi trường ông đang công tác:

1. Đời sống nhà giáo tại Trường Trung học Chicago chắc là thấp, nhưng thầy cô ở đây vẫn “chiến đấu” trong nghèo khó. Không biết bí quyết của lãnh đạo trường ở đây là gì?

2. Với 3 năm học mà đã gặt hái kết quả khả quan, có sớm không? Liệu có bền vững không?

3. Trường ở vùng nghèo, phải đi xin (xã hội hóa). Xin ở đâu, xin ai? Trường nghèo, nhưng ngân sách chính quyền cấp cho trường là bao nhiêu, có nghèo không?

4. Giáo viên dạy sửa chữa ô tô, in ấn, nấu ăn, công nghệ thông tin... lấy nguồn từ đâu? Trong trường số giáo viên cơ hữu đã có đủ cho dạy chữ, dạy nghề hay dựa vào lực lượng tình nguyện viên? Nếu hợp đồng chuyên gia bên ngoài, lương thấp, họ nhận lời không?

Với không ít băn khoăn như vậy, TS Chương tự an ủi: “Giáo dục mình, có ước mơ, nhưng thay đổi có lẽ phải... từ từ”.

Ngân Anh