- Theo dạy những lớp trẻ khuyết tật và thiểu năng trí tuệ, các giáo viên không còn cách nào khác phải chấp nhận và làm quen với chuyện có thể bị chính học trò của mình xông vào đánh, cắn hay phi thẳng chổi vào người,…

Đến lớp học khuyết tật và thiểu năng trí tuệ của Trường Tiểu học Sơn Lạc (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), khi cô giáo đang giảng bài, ở dưới, em gục đầu trên bàn ngủ, em khác chốc chốc đứng lên ngồi xuống hò hét nháo nhác, em thì bắt cả 2 chân lên ghế ngồi. Lớp 12 học sinh mỗi em một tật, thế nhưng, cô Nguyễn Thị Hội vẫn tỉ mẩn, kiên nhẫn liên chân đi từng bàn để ổn định trật tự và dạy học.   

{keywords}
Lớp học 12 học sinh thì mỗi trẻ một tật. Trong ảnh, một trẻ đang ngủ ngay trong giờ học của cô giáo Hội.

Cô Hội tâm sự,  việc dạy học sinh khuyết tật, thiểu năng rất vất vả vì không phải chỉ dạy chữ mà phải dạy các em biết cách tự phục vụ.

Trong lớp mỗi em một dạng khuyết tật, em thì câm điếc, em bị hội chứng Down, tim bẩm sinh,... Có em 11 tuổi nhưng bị liệt 2 chân, không có cơ vòng hậu môn, đường tiêu hóa rất kém nên không làm chủ được việc đại tiện. Chân em lại bị liệt nên việc vệ sinh thường xuyên là rất khó. Vì vậy, cô Hội đã trích tiền túi của mình mua bỉm hàng tháng cho em, để giảm bớt gánh nặng với gia đình.

“Có em bị nhũn lão bẩm sinh kết hợp câm, điếc không nghe ai, đến lớp thì đòi ngồi lòng cô giáo, em khác thì bị tăng động, thiểu năng trí tuệ nghịch ngợm, chạy nhảy khắp trong lớp, không ngồi yên một chỗ. Việc trông các em cũng rất vất vả”-  cô tâm sự tuy vậy, những lúc bên các em vẫn thấy vui và yêu công việc mà nhiều người từ chối làm.

Dạy các học sinh bình thường từ lớp 1 đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn nhiều lần. “Có cháu cả năm chỉ hoàn thiện được một chữ cái. Dạy chữ đã rất khó khăn chứ chưa nói đến tính toán”.

{keywords}
 

Cô Hội cho biết rào cản lớn nhất là khả năng giao tiếp, ngôn ngữ. “Nhiều khi không hiểu các em muốn gì để tìm cách giải quyết”.

Lớp học có trẻ từ 6 tuổi cho đến cao nhất là 14 tuổi. Độ tuổi đã không đồng đều mà mỗi một đối tượng lại phải dạy một kiểu khác nhau. Do đó cô phải tự biên soạn chương trình, theo nhận thức của từng em. “Có em cứ 15 phút đang học lại chạy ra ngoài chơi. Mình nói không khéo, học trò sẽ tự ái ngay và rất khó thuyết phục”.  

Cô kể, làm công việc này phải làm quen với những căng thẳng. Thậm chí, có khi trò xông vào đánh hay cắn, cũng phải chịu đựng và đó cũng là chuyện thường. “Trước đây từng có học sinh bị Down, khi tôi đang đang dạy thì xông lên ôm cổ. Các cô giáo từ lớp khác phải sang hộ để gỡ ra vì học sinh lớn. Lúc đấy bản thân không biết làm thế nào, thật sự nghĩ đến vẫn sợ. Năm nào cũng có những trường hợp đó”

{keywords}
 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất để  lại con trai cùng mẹ già ốm nằm liệt một chỗ. Đồng lương ít ỏi nhưng cô Hội luôn tự nhủ có thể làm gì giúp được cho các em thì phải cố gắng hết sức và không hề nản lòng.

Cô Đinh Phú Hiền (Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và tàn tật Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ để dạy trẻ khuyết tật có hiệu quả đòi hỏi giáo viên phải thật kiên nhẫn, luôn nhẹ nhàng và kiềm chế hết sức.

Mỗi một đối tượng học sinh, cô phải có một phương pháp dạy học khác nhau. Có em phải mềm mỏng, phải dỗ dành, có em cần nghiêm nghị.

{keywords}
Cô Hiền sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để trao đổi với học sinh của mình.

Kỷ niệm mà cô nhớ nhất cách đây 7 năm về một học sinh bị câm điếc nhưng tính rất ngang.

“Gia đình rất muốn cho em học một nghề gì đó nhưng trường mở nghề may nên ban đầu em đó cũng không thích học. Vì vậy nên đến trường em chỉ phá phách. Cô gọi lên học thì trốn vào trong nhà vệ sinh. Khi gọi ra thì em lấy chổi trong đó phi vào người cô”. Liên tục trong vòng 1 tháng, cứ đến trung tâm là học sinh này trốn trong nhà vệ sinh và phi chổi ra như vậy để chống đối.

Sau đó, cô Hiền phải tìm cách thuyết phục để em hiểu sự quan trọng của học nghề trước khi dạy rằng có được một nghề trong tay để sau này tự đi làm nuôi sống được bản thân, không phụ thuộc ai suốt đời. Sau đó cô Hiền thuyết phục em vượt qua mặc cảm về bản thân để trở thành người có ích cho xã hội. Hiện, em này đã được nhận vào làm công nhân trong một nhà máy ở miền Nam.

{keywords}
 

Gần 18 năm dạy học sinh khuyết tật, chị Hiền tâm sự rằng nếu không yêu nghề, không có tình yêu thương dành cho học sinh có lẽ chị không thể trụ lại được.

“Tình yêu thương của người giáo viên dạy trẻ khuyết tật đem đến cho các em không thể chữa lành khuyết điểm trên cơ thể nhưng nó sẽ giúp các em có thể sống hòa nhập cùng cộng đồng, xoa dịu phần nào sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu”, cô Hiền nói.

Cô Nguyễn Thị Ái Vân (Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái) chia sẻ vẫn nhớ như in cảm giác xấu hổ, ân hận khi trách nhầm một học sinh bị khuyết tật khi còn công tác tại một trường THCS và đó như một cơ duyên đưa cô đến với công việc này.

{keywords}
Cô Ái Vân bật khóc khi kể về kỷ niệm với những học trò khuyết tật.

Lần đó, vừa bước lên bục giảng, cô Vân nghe tiếng một học sinh xin vào lớp do đến muộn. Nhìn ra cửa lớp, cô thấy một cậu học sinh có dáng đứng khệnh khạng, mặt đỏ bừng, cả lớp bắt đầu có tiếng xì xào. Cho học sinh vào lớp, nhưng chợt nhìn vào bước đi của học sinh, một ý nghĩ nhanh thoáng qua đầu chị là học trò định bắt nạt giáo viên mới, nên đã yêu cầu em nghiêm túc, đi thẳng người lên.

“Cả lớp bỗng cười ồ lên, cậu học sinh mặt càng đỏ, mắt chớp dồn như muốn khóc. Bạn lớp trưởng khi đó mới đứng lên giải thích không phải do bạn cố ý mà chân bạn ấy bị tật như thế. Một cảm giác thật khó tả lúc đó, cổ họng nghèn nghẹn, tôi có chút xấu hổ và ân hận,…Một phút lặng đi, các em cũng im bặt, tôi vội xin lỗi”, cô Vân vừa kề vừa lấy tay lau nước mắt.

{keywords}
Cô Ái Vân bên học trò mắc chứng bệnh bạch tạng.

Nhưng khi về Trung tâm, chị hiểu hơn khó khăn không chỉ có vậy khi hàng năm tiếp nhận học sinh vào học với đủ các loại tật.

“Khi rời bố mẹ hoặc người đỡ đầu là khóc lóc đòi về, nhiều em chỉ tìm cơ hội trốn. Chưa kể, chúng tôi luôn phải đối mặt với khó khăn chồng chất, học sinh ốm đau liên miên, nhiều em ốm nặng phải nằm viện. Cán bộ, giáo viên thay nhau trông nom và nhiều khi bỏ tiền túi ra để mua cơm cháo”.

Có học sinh khuyết tật về trí tuệ, khi mới đến trung tâm lầm lì, ngại tiếp xúc; có em hay cáu, có khi hất đổ cả mâm cơm;… “Chúng tôi phải tỉ mẩn từng tí giỗ dành, phân tích, giảng giải,...24 giờ trên ngày luôn phải trực để quản lí, hướng dẫn học sinh”.

Tuy vậy, nhiều khi hướng dẫn một đằng, các con làm một nẻo. “Có lúc các con trốn lên ngọn cây, chui vào bụi cây, các xó xỉnh chỉ vì lỡ tay đánh vỡ một tấm kính nhỏ, để rồi các cô và các bạn nháo nhác, vã mồ hôi đi tìm”.

{keywords}
Hạnh phúc bên các học trò nhỏ.

Tuy nhiên, chị Vân cho hay việc dạy trẻ khuyết tật cũng có những hạnh phúc vô bờ. “Mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của các con dường như chúng tôi quên bớt đi sự mệt mỏi. Không chỉ là những thành quả lớn như các con đạt thành tích cao trong học tập, mà đã vui mừng khi các con biết tự mình làm được một công việc tưởng chừng đơn giản. Đó là khi các con biết thương yêu, chia sẻ những khó khăn của bạn, cõng bạn lên lớp, đỡ bạn dậy khi ngã; các con biết chào hỏi, biết tự làm những việc đơn giản để chăm sóc chính bản thân; nói được một từ; viết được tên, chịu ngồi yên. Hay các con biết cười khi vui, biết gật đầu, cười khi gặp thầy cô, thậm chí biết đẩy các cô ngã nhào khi vui mừng…”.

Những tiến bộ của học trò chính là nguồn động lực để chị Vân và các đồng nghiệp cố gắng hết mình. “Ngọn nến thẳng hay ngọn nến cong, khi được thắp lên thì đều cháy sáng lung linh” - chị Vân tin rằng như thế và muốn các học trò của mình hiểu rằng dẫu đường đời còn nhiều khó khăn, nhưng được sinh ra đã là điều hạnh phúc và cần sống thật ý nghĩa.

Năm 2018, TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô nhằm tuyên dương 63 thầy, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm bảo trợ xã hội và hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Với những đóng góp của mình, các cô giáo trên là 3 trong 63 giáo viên được vinh danh.

 

Thanh Hùng

 

Sẽ tuyên dương 63 thầy cô đang dạy học sinh khuyết tật

Sẽ tuyên dương 63 thầy cô đang dạy học sinh khuyết tật

Ngày 25/7, TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ – TB&XH, Tập đoàn Thiên Long tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018.

"Đừng bỏ lại người khuyết tật phía sau"

"Đừng bỏ lại người khuyết tật phía sau"

Nhiều ý kiến cho rằng, luật giáo dục cần tăng cường tiếp cận nhóm người thiệt thòi, đặc biệt là những người khuyết tật và những người thuộc giới tính khác.