Bà Đặng Huỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh trong 12 năm phổ thông không chỉ là việc của riêng nhà trường.

Bà Đặng Huỳnh Mai cũng nhận định "Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường" không phải là một khẩu hiệu trống rỗng. Ngược lại, nó tạo cơ hội để mọi người quan tâm nhau trong mỗi xóm ấp, làng xã.

Khai giảng là phần quan trọng của đời sống tinh thần tuổi học trò

Bà còn nhớ ngày đầu tiên dự lễ khai giảng của mình không?

- Tôi vào học lớp 1 ở trường Tiểu học An Tịch, Sadec (nay là Huyện Châu Thành, Đồng Tháp).

Nhà tôi trong vùng kiểm soát của chế độ Sài Gòn, những người đàn ông trong gia đình đến tuổi 15 đều phải trốn vào rừng tham gia kháng chiến. 

Bố tôi đi tập kết. Gia đình sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp, chỉ có người già mới nấu ăn, đưa cháu đi học ngày đầu tiên, sau đó thì bọn trẻ tự đi.

{keywords}
Khai giảng là một phần quan trọng của đời sống tinh thần tuổi học trò. Ảnh: Thanh Hùng.

Ngày vào lớp 1, tôi được ông nội đưa tới trường. Năm sau thì ông mất. Nội tôi được cả làng quý mến, đặt cho ông cái tên là “quan đại thần”. Ông rất quan tâm tới việc học của con cháu trong gia đình.

Tôi nhớ khi vào lớp, gặp cô giáo có khuôn mặt nghiêm khắc làm tôi sợ, nên ông tôi phải đưa đến lớp hết một tuần lễ đầu tiên. Tuy nhiên, mỗi ngày trong năm học trôi qua, tôi qua càng thương và quý cô giáo của mình hơn.

Ngày nay, phụ huynh và học sinh dường như không còn cảm giác háo hức và thiêng liêng mỗi khi đến ngày khai giảng. Nhiều người thậm chí còn đòi bỏ ngày khai giảng đi. Bà nghĩ thế nào về điều này?

- Ở mỗi thời đại, tính chất vấn đề cũng có một chút thay đổi. Ngày nay, phụ huynh có lẽ do chịu nhiều áp lực của đời sống công nghiệp, học sinh thì đã mất sự háo hức khi đã gặp lại bạn cũ từ lúc tập trung vào tháng tám. Do đó, ngày đầu tiên khi trở lại trường hoặc ngày đầu tiên đến trường mới khi chuyển cấp đã có phần nào ấn tượng chứ không chỉ là ngày khai giảng.

Tuy nhiên, ngày khai giảng vẫn là ngày hội hằng năm của mỗi nhà trường, nó vừa mang tính truyền thống vừa thiêng liêng trong từng năm của tuổi học trò. Bỏ ngày khai giảng là bỏ một phần quan trọng của đời sống tinh thần lứa tuổi học đường.

Vậy làm thế nào để ngày khai giảng vẫn giữ được sự thiêng liêng truyền thống, thưa bà?

- Để giữ tính chất thiêng liêng thì thời gian tập trung từ tháng 8 hằng năm, các nhà trường cứ cho trẻ tự do trong ăn mặc miễn sao kín đáo, sạch, đẹp, nhã nhặn. Giáo viên cũng không vội tổ chức ban cán sự lớp mà chỉ nên chỉ định tạm vài bạn làm liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm với các bạn thôi.

Đến ngày khai trường 5/9 hãy yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Được mặc đồng phục mới trong không khí toàn trường, nhìn lá cờ Tổ quốc từ từ tung bay trên không trung trong tiếng hát Quốc ca, cùng âm vang của tiếng trống khai trường là sự thiêng liêng trong tâm hồn mỗi học sinh cũng như của chính chúng ta.

Buổi lên lớp đầu tiên sau khai giảng nên để thầy trò giao tiếp, sinh hoạt tinh thần hoặc học các môn hát, nhạc hoặc mỹ thuật… để kéo dài sự thiêng liêng trong tâm hồn các em. Không vội cho học sinh lăn xả vào kiến thức cơ bản.

Sau khi khai giảng, giáo viên có thể tiến hành tổ chức quản lý lớp sau khi đã biết nhiều về học sinh của mình hơn, từ tâm lý đến hoàn cảnh cá nhân của các em.

Lối sống gia đình góp phần hình thành nhân cách trẻ

Lâu nay chúng ta vẫn gọi ngày khai giảng 5/9 là “ngày toàn dân đưa trẻ tới trường” là vì đâu, thưa bà?

{keywords}
Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

- “Toàn dân đưa trẻ tới trường” không phải là một khẩu hiệu trống rỗng, mà là cơ hội để mọi người quan tâm nhau từ trong gia đình đến xóm ấp, làng xã.

Như tôi không bao giờ quên được ngày tôi đậu vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), một chiếc xe đạp của tôi thôi để đến trường mới (cách trường làng của tôi 5km) mà phải có nhiều người tham gia.

Bác ruột tôi công tác ở Trung ương Cục miền Nam gửi về cho một sườn xe, ông cậu cho mượn đất để trồng lúa, thiếu bao nhiêu thì chủ tiệm sửa xe hỗ trợ thêm giúp mẹ tôi… Thiêng liêng quá phải không?

Bây giờ, xã hội phát triển, phần lớn phụ huynh đều lo được điều kiện tối thiểu để trẻ đến trường. Cấp ủy và chính quyền đều tham gia dự lễ khai giảng năm học mới. Doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm cũng sẵn sàng tài trợ cho gia đình khó khăn… để các em được đến trường.

Đó chính là cơ hội để toàn dân tham gia đưa trẻ đến trường.

Sự nghiệp giáo dục giờ đây dường như đang trở thành công việc của Bộ GD-ĐT khi giáo dục gia đình không còn được coi trọng như trước. Bà có cho rằng, điều này sẽ gây trở ngại cho sự phát triển, đổi mới của ngành giáo dục?

- Một nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của giáo dục là hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh trong 12 năm trẻ ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên để làm được việc này thì vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Chính thế ông bà ta xưa đã có câu “Nuôi heo lựa nái, cưới gái lựa dòng”.

Mặt khác, nền tảng văn hoá của mỗi nước cũng vô cùng quan trọng. Nếu như hằng ngày văn hoá giao thông chưa được cải thiện và phát triển, tệ nạn xã hội thường xuyên xuất hiện trước mặt các em thì vai trò của giáo dục cũng bị hạn chế.

{keywords}
Giáo dục gia đình góp phần quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của trẻ. Ảnh minh họa: Phạm Hải.

Thật ra tôi thấy các bạn trẻ ngày nay đầu tư cho con mình rất nhiều chứ! Phụ huynh sau giờ làm việc, thời gian còn lại phải chạy ngoài đường để đưa con đi học. Do áp lực công việc nhiều nên phải dựa chủ yếu vào giáo viên, đó cũng là một thực tế.

Tuy nhiên, lối sống của mỗi gia đình cũng là một kênh giáo dục kỹ năng sống và hình thành nhân cách cho trẻ. Hình ảnh, nhân cách người lớn ngoài xã hội cũng như những tấm gương tốt từ gia đình và nhà trường luôn đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách những con người mới của xã hội tương lai.

Điều trở ngại lớn nhất của giáo dục hiện nay là chính sách tiền lương cán bộ chỉ đạo chuyên môn ở các phòng giáo dục “hơi bị tệ”. Lẽ ra, đối tượng này đa phần phải là người giỏi, người đạo đức tốt để chỉ đạo chuyên môn cho các trường, thì chất lượng dạy và học mới được cải thiện.
Ở thời bao cấp, khi giáo viên giỏi khi được điều động về công tác tại phòng giáo dục hoặc sở giáo dục thì được chuyển từ mức giáo viên sang lương cán sự cao hơn một chút. Ví dụ như mức lương giáo viên 68 (hoặc 78) đồng thì chuyển thành lương cán sự là 73 (hoặc 85) đồng.
Khi cần điều cán bộ phòng, sở trở về làm nòng cốt cho một trường nào đó để cải thiện chất lượng dạy thì lại được chuyển lại lương giáo viên, với mức cao gần nhất như: mức lương cán sự là 65 thì trở thành 68 của giáo viên, mức 85 thành 100 (đối với giáo viên cấp 3, 88 đối với giáo viên cấp 2)…
Người cán bộ giỏi, đạo đức tốt được quý trọng thì chất lượng giáo dục mới phát triển tốt được.

Lê Văn (thực hiện)