- GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng điều ông quan tâm nhất trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới không phải là điều kiện cơ sở vật chất mà chính là tinh thần của đội ngũ giáo viên.

Bởi theo GS Nguyễn Minh Thuyết - “tổng công trình sư” của chương trình giáo dục phổ thông mới - chỉ khi đội ngũ giáo viên có động lực và tinh thần hứng khởi thì việc thực hiện chương trình mới thành công.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng.

Trước thềm năm học mới, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết xung quanh chủ đề này:

Tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018 mới đây, nhiều địa phương trên toàn quốc kiến nghị lùi thời gian thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Là người trong cuộc, ông có thể chia sẻ dự tính của Bộ GD-ĐT về vấn đề này?

- Thực ra, không phải đến bây giờ chúng tôi mới nhận được những ý kiến như vậy, mà ngay trong quá trình đưa dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến chuyên gia và nhân dân, cũng đã có nhiều người kiến nghị nên lùi thời gian triển khai. Lý do mà những người góp ý đưa ra là để có thời gian tập huấn giáo viên chu đáo hơn, cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất tốt hơn.

Tháng 5 vừa qua, trong buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ GD-ĐT, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình đã đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc ý kiến của nhân dân về việc lùi thời điểm bắt đầu triển khai chương trình phổ thông mới.

Trong buổi làm việc ngày 30/5 với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu ra một đề nghị tương tự.

Tôi nghĩ lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ phải cân nhắc. Còn về phía những người làm chương trình, hiện nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được một chỉ thị nào khác, do đó vẫn tiếp tục làm việc theo kế hoạch đã đề ra.

Dĩ nhiên là nếu Quốc hội quyết định cho lùi thời điểm triển khai 1 năm, thì những người trong Ban soạn thảo chương trình chúng tôi có lẽ là mừng nhất vì được giảm bớt áp lực, đỡ phải thức khuya dậy sớm để hoàn thành công việc đúng tiến độ.

Trong việc các địa phương xin lùi thời điểm triển khai chương trình phổ thông mới, ông cho rằng đâu là vấn đề đáng lo nhất?

- Tôi cho rằng khâu quan trọng nhất là con người, cụ thể là giáo viên. 

Những người biên soạn chương trình có thể cố gắng hết mức để xây dựng một chương trình vừa kế thừa được nhiều nhất những ưu điểm của các chương trình đã có từ trước tới nay, vừa tiếp thu được nhiều nhất những điểm mới của chương trình các nước tiên tiến, nhưng cũng không quyết định được thành công. Những người thật sự quyết định thành công của chương trình là giáo viên.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng tinh thần của đội ngũ giáo viên là yếu tố tiên quyết đến thành bại của việc triển khai chương trình phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng.

Tôi đồng tình với ý kiến cần có thời gian tập huấn giáo viên kỹ hơn. Nhưng tôi cho rằng yếu tố chuyên môn không đáng ngại, bởi thực ra từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị cho giáo viên tiếp cận với tinh thần đổi mới. Bộ đã đưa một số chủ đề tích hợp và nhiều phương pháp giáo dục mới vào các trường. Như vậy là giáo viên đã làm quen với nhiều cái mới, chứ không phải là đi từ số 0. 

Điều mà tôi quan tâm nhất là giáo viên có sẵn sàng đổi mới không, xã hội có đồng thuận không. Tôi nhớ trong những năm chiến tranh gian khổ, chúng ta đã đúc kết được chân lý này: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Nói như vậy không phải là phó mặc mọi sự cho dân mà là đề cao yếu tố con người, yếu tố đồng chí, đồng tình. 

Nếu giáo viên đồng lòng, xã hội đồng thuận thì chương trình mới chắc chắn thành công. Do đó, điều quan trọng nhất là phải làm sao để khơi gợi được cảm hứng đổi mới cho mọi người, trước hết là giáo viên.

Vậy theo ông, phải làm sao để giáo viên có động lực thực hiện đổi mới?

- Theo tôi, trước hết, phải xây dựng được chương trình giáo dục thật sự mới mẻ, biên soạn được những bộ sách giáo khoa mới thật sự có chất lượng. Đó là yếu tố đầu tiên tạo hứng khởi cho giáo viên. 

Thứ hai, phải tập huấn giáo viên thật chu đáo, tập huấn không chỉ để bồi dưỡng chuyên môn mà còn để truyền được cảm hứng thật sự cho giáo viên về đổi mới giáo dục. 

Thứ ba, nếu chưa thể có chính sách, chế độ gì đột phá để động viên giáo viên thì Nhà nước cũng cần cải thiện điều kiện dạy và học, để anh chị em làm việc có hiệu quả hơn. 

Chỉ cần thấy đổi mới có hiệu quả, giáo viên sẽ có cảm hứng, sáng tạo và quyết tâm đưa đổi mới đến thành công.

Xin cảm ơn ông!

Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới đến đâu rồi, thưa ông?

- Hiện nay, tất cả các môn học đều đã có dự thảo chương trình. Từ đầu tháng 8 đến nay, chúng tôi đã tổ chức 18 hội thảo, gần như mỗi ngày một hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia về chương trình của từng môn. Sau hội thảo, các tiểu ban biên soạn chương trình phải hoàn thiện dự thảo, xong sẽ trao đổi với chuyên gia trong nước và chuyên gia tư vấn quốc tế thêm một lần nữa rồi mới xin ý kiến Bộ GD-ĐT để công bố, lấy ý kiến nhân dân. 

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân để hoàn thiện, các dự thảo chương trình môn học sẽ được đưa thẩm định. Nếu được các hội đồng quốc gia thẩm định chương trình thông qua thì chương trình sẽ được phê duyệt để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa và triển khai vào thực tế.

Hiện nay chúng tôi đang rất cố gắng, nhưng cũng khó nói được thời điểm chính xác hoàn thiện tất cả các chương trình môn học bởi mỗi môn một khác. Có những môn phải sửa ít hơn và có những môn phải sửa nhiều hơn.

Thanh Hùng (thực hiện)