Sau 5 năm dạy hợp đồng, anh Nguyễn Quang Tuệ (sinh năm 1987, quê ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được đặc cách vào viên chức ngành giáo dục. Mức lương hơn 3 triệu đồng mỗi tháng không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi bố mẹ, anh đã quyết định xin ra khỏi ngành để làm thợ xăm sau 9 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”.

Năm 2007 tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật, Trường CĐ Sư phạm Quảng Bình (nay là Trường ĐH Quảng Bình), đến đầu năm 2008 anh Nguyễn Quang Tuệ đã xin dạy hợp đồng môn Mỹ thuật ở một số trường trên địa bàn huyện.

Với mức lương hợp đồng không được đóng bảo hiểm thời điểm đó là hơn 700 nghìn đồng, anh phải đi chụp ảnh thuê vào ngày nghỉ và dạy kèm để kiếm thêm thu nhập.

{keywords}
Cựu giáo viên Mỹ thuật Nguyễn Quang Tuệ

“Trong suốt 5 năm, tôi rất chật vật để có thể trang trải cuộc sống với mức lương hợp đồng. Có những thời điểm, tôi phải xin dạy ở hai trường cùng một lúc, ngày nghỉ đi làm thêm nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống” - anh Tuệ kể.

Sau đó, anh biết đến xăm hình nghệ thuật. Với năng khiếu và niềm đam mê sẵn có, ngoài giờ lên lớp anh đã tìm hiểu và bén duyên với nghề.

Sau 5 năm dạy hợp đồng và 8 lần chuyển trường, tới năm học 2013-2014, anh được đặc cách vào viên chức ngành giáo dục và được nhận vào dạy Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Thanh Thủy. Mức lương tăng dần nhưng cuộc sống của anh vẫn rất chật vật. Bây giờ, ngoài đi dạy, đi chụp ảnh thuê, anh Tuệ còn tranh thủ thời gian xăm hình cho khách.

“Có những ngày tôi chỉ ngủ được vài ba tiếng đồng hồ, vì ngoài giờ lên lớp tôi lại đi xe buýt hơn 30km về thành phố Đồng Hới để xăm hình cho những khách gọi điện đặt trước. Có những hình xăm rộng phải làm rất lâu, nên cứ rảnh lúc nào là tôi lại tranh thủ lúc đó” - anh Tuệ kể tiếp.

Bước vào năm học 2017-2018, trong khi các đồng nghiệp và học sinh chuẩn bị cho một năm học mới, thì anh Tuệ lại quyết định nộp đơn xin nghỉ việc tại ngôi trường đã gắn bó suốt 4 năm qua. Đây cũng là nơi anh trở thành viên chức và giảng dạy chính thức.

{keywords}
Đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục của anh Tuệ

Không còn dạy vẽ bằng phấn tôi sẽ dạy bằng kim, quan trọng là mình có đam mê và hết mình với công việc đang làm

Đơn xin nghỉ việc của an Tuệ có đoạn: “Lý do xin nghỉ việc là vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, bản thân bị bệnh, mức lương và thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống gia đình. Kính mong Ban Giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn nhà trường cho tôi được nghỉ thôi việc để tìm công việc mới đảm bảo thu nhập cá nhân và gia đình".

Đơn xin nghỉ việc của anh Tuệ sau đó đã được Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn trường chấp thuận. Như vậy đến tháng 9/2017, anh Tuệ đã có 9 năm trong ngành, và mức lương ở thời điểm ngừng công tác là 3,6 triệu đồng.

Khách hàng nghe tiếng rồi tự tìm đến, không chỉ trong mà còn có người ngoài tỉnh và cả người nước ngoài. Ngoài xăm hình cho khách, anh còn nhận dạy cho một vài học viên.

Khi được hỏi còn muốn quay lại trường lớp không, anh Tuệ cho biết vẫn nhớ trường, nhớ học sinh, nhưng "không còn dạy vẽ bằng phấn tôi sẽ dạy bằng kim, quan trọng là mình có đam mê và hết mình với công việc đang làm".

Sẽ thiếu giáo viên nghệ thuật

Khi trao đổi với VietNamNet về Chương trình Giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình, cho biết ở cấp tiểu học và THCS thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp, còn THPT thực hiện giáo dục phân hóa, tự chọn. 

Trừ lớp 10 là lớp dự hướng, phải học đầy đủ các môn, từ lớp 11, học sinh được chọn học những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích, sở trường của mình. Chương trình quy định mỗi học sinh chọn tối thiểu 5 môn học với điều kiện tổng số giờ học 5 môn đó không thấp hơn 20 tiết/tuần.

Tuy nhiên, nếu cho phép học sinh tự chọn môn học, ông Thuyết bày tỏ sự lo lắng sẽ thiếu giáo viên nếu đưa các môn nghệ thuật vào dạy ở THPT.

"Hiện nay, các trường THPT không có giáo viên dạy những môn này. Chỉ cần bổ sung mỗi trường một giáo viên Mỹ thuật và một giáo viên Âm nhạc thì số giáo viên cần bổ sung cũng đã lên tới khoảng 6.000 người.

Nhưng nếu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông mà chỉ giới hạn trong phạm vi sắp xếp 8 môn học Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa,  Sinh, Công nghệ thì điều đó chưa đáp ứng được định hướng nghề nghiệp của học sinh. và khó có thể nói đó là đổi mới căn bản và toàn diện

Dĩ nhiên, trước mắt có thể áp dụng biện pháp mời giảng viên các trường mỹ thuật, âm nhạc đến dạy theo hình thức hợp đồng. Nhưng về lâu về dài thì Nhà nước có trách nhiệm giải quyết vấn đề này" - ông Thuyết nói.  

Hải Sâm

Cô giáo xin ra khỏi biên chế giáo dục về bốc thuốc nam

Cô giáo xin ra khỏi biên chế giáo dục về bốc thuốc nam

Đang là giáo viên dạy môn văn của Trường THPT huyện Mường Lát (Thanh Hóa), cô Nguyễn Thị Thành đột nhiên viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục.

Thầy giáo 16 năm xin rời biên chế, chuyển nghề tổ chức sự kiện

Thầy giáo 16 năm xin rời biên chế, chuyển nghề tổ chức sự kiện

Anh Đoàn Hùng Cường, người có 16 năm kinh nghiệm trong nghề dạy học, quyết định viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục cuối tháng 8 vừa qua