- Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm có lẽ không phải là một khái niệm xa lạ với phụ huynh ở các thành phố lớn. Song, với cô giáo Hoàng Thị Hạnh, để từng bước đưa phương pháp giáo dục này tới những đứa trẻ mà đa phần là người dân tộc thiểu số, cô vẫn thường xuyên bị phụ huynh căn vặn những câu như thế.

Để phụ huynh miền núi hiểu thế nào là ‘lấy trẻ làm trung tâm’

Năm học 2017-2018 là năm thứ 2 các trường mầm non trên cả nước thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020. Từ năm 2015, các tiêu chí để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đã được các chuyên gia giáo dục đưa ra, từ đó tuyên truyền, tập huấn tới các địa phương. 5 tiêu chí này gồm có: Môi trường giáo dục, Xây dựng kế hoạch giáo dục, Tổ chức hoạt động giáo dục, Đánh giá sự phát triển của trẻ, Phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng.

{keywords}
Với phương pháp giáo dục này, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, tổ chức, trẻ sẽ chủ động trong các hoạt động vui chơi, trải nghiệm. Ảnh: Nguyễn Thảo 

Cô giáo Hoàng Thị Hạnh là giáo viên Trường Mầm non Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Bình Liêu là một trong số các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh. Cô Hạnh cho biết, để phương pháp giáo dục này được triển khai một cách hiệu quả, các cô rất cần đến sự hiểu biết và đồng hành của phụ huynh. Nhưng phụ huynh của cô Hạnh phần lớn là người dân tộc thiểu số, nên việc tiếp thu kiến thức về chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế. Việc tuyên truyền để phụ huynh hiểu và ủng hộ phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là một công việc khá khó khăn với các cô giáo nơi đây.

“Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đòi hỏi giáo viên phải cho trẻ hoạt động, trải nghiệm tận tay. Giáo viên chỉ là người tổ chức, hỗ trợ, tuyệt đối không làm thay trẻ, khuyến khích sự chủ động của trẻ trong các hoạt động. Ví dụ như trước kia, giáo viên cho trẻ ra vườn rau chỉ quan sát và dạy trẻ phân biệt đâu là rau ăn lá, đâu là rau ăn củ, còn bây giờ các cô phải cho trẻ hoạt động: nhổ cỏ, bắt sâu, gieo hạt giống…” – cô Hạnh chia sẻ.

“Nhiều phụ huynh phàn nàn tại sao lại bắt con tôi ra làm vệ sinh, nhặt lá xung quanh trường… Nhiều cô giáo mới vào nghề, chưa có kỹ năng giao tiếp với phụ huynh, cũng chỉ nói rằng để các con ra ngoài cho thoải mái. Nhưng bản thân tôi đã từng trả lời với phụ huynh rằng, những hoạt động này sẽ giúp trẻ hiểu biết, ghi nhớ, thực hành các kỹ năng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ”.

{keywords}
Trẻ rất hứng thú với những công việc mà theo quan điểm giáo dục cũ được cho là của người lớn. Ảnh: Nguyễn Thảo

Cô Hạnh cho biết, trong khi trẻ tỏ ra rất hứng thú với những hoạt động này thì nhiều phụ huynh thấy con mình bị bêu nắng, ngã, xây xước chân tay khi hoạt động thì lại tỏ ra không hài lòng.

“Có phụ huynh đã nói với chúng tôi rằng: “Lần sau hoạt động ngoài trời thì đừng cho con tôi ra nữa”. Phụ huynh thấy con ngã đau thì xót con. Trong những tình huống này, tôi cũng trao đổi với phụ huynh rằng, nếu gia đình yêu cầu, các cô sẽ bố trí một cô ở lại trông cháu, nhưng cũng giải thích những lợi ích của việc hoạt động cho phụ huynh hiểu”.

9 năm đứng lớp, đã nhiều lần cô Hạnh muốn bỏ nghề khi gặp phải những tình huống dở khóc dở cười. “Khi phụ huynh không thông cảm, không hiểu mình thì càng thấy nản chí hơn”.

Tuy vậy, kinh nghiệm mà cô Hạnh cho là quan trọng nhất để xử lý những tình huống khó là mạnh dạn trao đổi thẳng thắn với phụ huynh. Đồng thời, giáo viên phải hiểu được tâm sinh lý của từng đứa trẻ để có cách xử lý phù hợp nhất.

Cũng giống như cô Hạnh, cô giáo Vũ Thị Thự, giáo viên Trường Mầm non Lương Mông, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh từng gặp những tình huống tương tự. “Khi học xong, cô cho trẻ cất bàn. Phụ huynh tỏ ý không hài lòng, nhưng không nói thẳng với cô. Sau đó, các cô cũng phải giải thích với phụ huynh về những công việc mà trẻ có thể làm được trong độ tuổi của mình để giúp các con có ý thức, trách nhiệm với công việc chung”.

{keywords}
Những phế liệu như lốp xe, chai nhựa, hộp bánh... được các cô thu nhặt để tái chế thành đồ chơi, dụng cụ học tập. Ảnh: Nguyễn Thảo

Ngoài việc giúp phụ huynh vùng sâu vùng xa hiểu được phương pháp giáo dục mới, cô Hạnh, cô Thự và nhiều cô giáo mầm non khác cũng phải dành khá nhiều thời gian để chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi tự tạo cho trẻ.

“Giáo viên mầm non bọn em thường gọi vui với nhau là đồng nát. Ví dụ như để tìm được những chiếc lốp xe hỏng, các cô phải đi kiếm khắp nơi, thậm chí là phải xuống mương rạch để kéo lên. Về nhà phải đánh rửa sạch sẽ rồi quét sơn. Chiếc lốp xe này được các cô tái chế thành rất nhiều món đồ chơi, trang trí hữu ích như: đồ chơi vận động, xích đu, bàn ghế…” – cô Thự chia sẻ.

Tuy vất vả, khó khăn nhưng niềm vui khi nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ, khi nhận được những lời cảm ơn chân thành từ phụ huynh chính là động lực lớn nhất để các cô tiếp tục vững tâm theo nghề.

Cô Hạnh kể, cách đây một năm, trường cô có nhận một trẻ rất nhút nhát và có dấu hiệu tự kỷ. “Con chỉ ngồi góc lớp, nhiều lần cầm vật nhìn chằm chằm và chỉ chịu giao tiếp với một cô. Nhưng sau một năm được các cô khuyến khích vận động, tham gia các hoạt động, con đã tự tin, mạnh dạn hơn rất nhiều và đã có khả năng chơi cùng các bạn, các cô. “Bố bé cũng gửi lời cảm ơn các cô. Chúng tôi cảm thấy có động lực hơn rất nhiều nhờ những lời động viên ấy”.

‘Không để cơ sở vật chất chỉ trang trí cho đẹp’

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho biết: “Nhu cầu cấp thiết nhất với trẻ mầm non là được vui chơi. Chính vì thế, từ năm 2013 đến năm 2015, chúng tôi đã triển khai chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động trong các cơ sở giáo dục mầm non. Nhu cầu này cũng liên quan đến việc phát triển thể lực của người Việt Nam. Các khảo sát cho thấy chỉ số vận động và thể lực của người Việt Nam xếp ở tốp cuối. Để cải thiện yếu tố này, Chính phủ cũng có đề án nâng cao tầm vóc người Việt. Chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động mà Bộ GD-ĐT triển khai cũng xuất phát từ những lý do đó”.

{keywords}
Một trò chơi khoa học được các cô làm từ chai nhựa ở Trường Mầm non Hoa Phượng, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thảo

Tuy nhiên, theo ông Minh, chuyên đề này chỉ như một “cú hích” để thay đổi nhận thức của giáo viên, phụ huynh. “Để đi sâu vào chăm sóc giáo dục trẻ xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của trẻ thì phải có hướng đi cụ thể hơn. Đó là lý do chúng tôi thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020”.

6 tiêu chí được các chuyên gia giáo dục đưa ra chỉ mang tính định hướng. Khi về từng địa phương, các địa phương sẽ cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, kinh tế của vùng miền.

{keywords}
Nhận thức và năng lực của giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ảnh: Nguyễn Thảo 

Sau 2 năm thực hiện, ông Minh đánh giá, hầu hết các địa phương, các cơ sở mầm non đã nhận thức đầy đủ tinh thần xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. “Cơ sở vật chất, khuôn viên nhà trường rất quan trọng đối với xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là giáo viên. Việc nâng cao nhận thức của giáo viên là vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể có trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm nếu chúng ta không có những giáo viên yêu trẻ, yêu nghề, tâm huyết với nghề và có khả năng sáng tạo”.

Đi thực tế tới các trường mầm non ở khu vực thị xã và huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, Vụ trưởng đánh giá cao hệ thống cơ sở vật chất mà các cô đã đầu tư chăm sóc và gây dựng. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhấn mạnh rằng, không chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, mà các trường cần nâng cao đội ngũ, tăng hiệu suất sử dụng. “Các cô cần tận dụng khai thác hệ thống cơ sở vật chất đã có, chứ không phải chỉ xây dựng lên để trang trí cho đẹp”.

Ông Minh khẳng định, không có một mô hình nào cho tất cả các trường. “Việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ nơi nào có cơ sở tốt mới thực hiện được. Mà chúng ta phải khẳng định rằng ở bất kỳ trường nào, miễn là hướng tới nhu cầu của trẻ, thì đó chính là môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.

Trích đoạn clip dự thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non” của Trường Mầm non Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh - một trong những trường đạt giải Nhất cấp tỉnh.

Cuối năm 2017, Bộ GD-ĐT phát động cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non”.

Tính đến nay, 100% các địa phương cấp huyện đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. 100% các huyện đã lựa chọn được sản phẩm để tham dự cấp tỉnh.

Các Sở GD-ĐT đã thành lập Ban Giám khảo cấp tỉnh từ 10-20 thành viên để  đánh giá các sản phẩm dự thi cấp tỉnh. Việc đánh giá ở cấp tỉnh được thực hiện chủ yếu thông qua chấm video clip.

Đến thời điểm này đã có 45/63 tỉnh, thành phố - chiếm 39,68% các địa phương - đã tổ chức tổng kết cuộc thi cấp tỉnh. Những trường mầm non có mô hình "xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm" tốt sẽ được đăng tải công khai trên website các Sở để các trường khác học hỏi kinh nghiệm.

 


Nguyễn Thảo

Bài học đơn giản dạy trẻ cách tiêu tiền thông minh

Bài học đơn giản dạy trẻ cách tiêu tiền thông minh

Ông Justin Sinnott, chuyên gia tư vấn tài chính tại Mỹ cho rằng, cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến thành công tài chính của con.

Kỹ năng sống cho trẻ: dạy trẻ tránh thói tự mãn

Kỹ năng sống cho trẻ: dạy trẻ tránh thói tự mãn

Trẻ thành công sớm dễ gây tính tự mãn. Cha mẹ cần lưu ý rèn luyện kỹ năng sống cho con, tránh thái độ này vì cái trẻ cần là tương lai, không phải thành công sớm

Khi nào nên dạy trẻ kỹ năng sống tự lập?

Khi nào nên dạy trẻ kỹ năng sống tự lập?

Bài viết này dành cho các cha mẹ muốn tham khảo nuôi dạy con kỹ năng sống theo quan điểm của người Nhật và của phương pháp Montessori.

13 bí quyết dạy trẻ đọc sách

13 bí quyết dạy trẻ đọc sách

Dạy trẻ đọc cũng giống như dạy đi hay dạy nói, dường như luôn là điều làm các cha mẹ căng thẳng, lo âu và mang tính quyết định khi so sánh kết quả của trẻ với trẻ khác.

Dạy trẻ cách tự bảo vệ mình

Dạy trẻ cách tự bảo vệ mình

Ấu dâm, bắt cóc là một vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trong đến tâm lý trẻ em, việc dạy trẻ em cách tự bảo vệ mình thoát khỏi ấu dâm, bắt cóc...cần được ưu tiên hàng đầu trong giáo dục.