- Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trong 2 năm học gần đây, ở bậc tiểu học, số lượng học sinh đạt điểm 10 môn Toán ở mỗi khối lớp đều trên 35.000; môn Tiếng Việt đều trên 20.000 em.

Ngày 25/5, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường PTCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) nêu lại hiện tượng "hàng ngàn học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối cả 2 môn Toán và Tiếng Việt trong suốt 5 năm tiểu học".

Theo ông, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2015 khi Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6, thay vào đó là tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.

{keywords}
Hà Nội có khoảng 80% học sinh khá giỏi ở bậc tiểu học. Ảnh: Thanh Hùng

“Năm nay có vẻ ít hơn, chúng tôi chưa tổng kết cụ thể nhưng hiện qua tiếp nhận ban đầu đã có đến hàng trăm hồ sơ như vậy”.

Từ ví dụ trên, nhiều người đặt ra thắc mắc liệu cách đánh giá học sinh tiểu học hiện tại có chính xác, cùng nhiều vấn đề khác.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định hiện đang áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và ở tất cả các vùng miền, kể cả thuận lợi cũng như khó khăn.

Do đó, việc học sinh ở các quận nội thành và các khu vực trung tâm (là những khu vực có điều kiện sinh hoạt, học tập thuận lợi) không những đạt chuẩn mà còn vượt chuẩn so với quy định của Bộ GD-ĐT là chuyện dễ hiểu.

Như ở Hà Nội và TP.HCM tỷ lệ học sinh khá giỏi là trên 80%, tỷ lệ học sinh giỏi lên đến 40%.

“Nhìn trong hồ sơ nộp về trường Lương Thế Vinh có đến hơn 100 trường tiểu học ở các tất cả các quận, thậm chí có cả các huyện mới sát nhập về như Hoài Đức, Thanh Trì,... Như vậy, chuyện này là bình thường chứ không có gì quá lạ kỳ”, Sở GD-ĐT thông tin.

{keywords}
Kết quả môn Toán. Đồ hoạ: Thanh Hùng

Theo thống kê của Sở GD-ĐT toàn cấp tiểu học với 5 khối lớp năm học 2015 - 2016, số học sinh đạt điểm 10 bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán là 247.514, môn Tiếng Việt là 143.570 trên tổng số 617.181 học sinh.

Trước đó, năm 2014-2015, số học sinh đạt điểm 10 môn Toán là 264.207; môn Tiếng Việt là 167.306 trên tổng số 584.421 học sinh.

{keywords}
Kết quả môn Tiếng Việt

Ở cả 2 năm học gần đây, số lượng học sinh đạt điểm 10 môn Toán ở mỗi khối đều trên 35.000; môn Tiếng Việt đều trên 20.000 em.

Tuy không phải tất cả các em đạt điểm 10 Toán sẽ đạt 10 Tiếng Việt, nhưng trong số này lượng học sinh giỏi đều cả Toán và Tiếng Việt là không nhỏ.

Vì vậy, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, lượng 1.000 hồ sơ có điểm tuyệt đối cả 2 môn Toán và Tiếng Việt 2 mùa tuyển sinh vào trường Lương Thế Vinh là hoàn toàn bình thường.

“Theo báo cáo hai năm gần đây, tỷ lệ được 10 điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Tiếng Việt dao động khoảng từ 20% - 25%, môn Toán vào khoảng 45%. Ở cấp tiểu học, điểm kiểm tra định kỳ cuối năm sẽ được lấy làm điểm tổng kết cuối năm, đánh giá học sinh và cũng là điểm mà các em nhập vào hồ sơ nộp đăng ký xét tuyển vào các trường đầu cấp”.

Về việc môn Tiếng Việt khó có điểm tuyệt đối, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải: Môn học này có 2 nội dung để kiểm tra định kỳ cuối năm là phần đọc và phần viết:

“Có thể học sinh vốn không đạt điểm tuyệt đối như hồ sơ phản ánh. Ví dụ có học sinh phần đọc có thể là 10 điểm, phần viết 9, hoặc ngược lại, thì trung bình chung là 9,5 nhưng theo quy định vẫn sẽ được làm tròn là 10 - vì ở bậc tiểu học không chấm điểm thập phân”.

Trước mùa tuyển sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội thường khuyến cáo phụ huynh không nên quá chạy đua vào các trường, thay vào đó hướng tới các trường gần nhà để đỡ áp lực cho trẻ.

Sở GD-ĐT Hà Nội có hiểu nhầm từ “bình thường”?
Nhận xét về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Chương, hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) cho rằng: Không ai hiểu học sinh (phẩm chất, năng lực) hơn thầy cô dạy các em. Đặt ra yêu cầu phù hợp cho từng em để việc đánh giá vừa hợp tình, hợp lý vừa có tác dụng động viên các em là nguyên tắc, là phương pháp giáo dục. Vì vậy, điểm 10 hàng loạt trong lớp, trong khối, trong trường là do chủ quan trong việc đánh giá, do chưa sâu sát, do chậm đổi mới, do chạy theo thành tích..., những điều ấy thì không thể xem là bình thường!
Hiện nay, ai cũng thấy học sinh tiểu học học thêm khá nhiều, thậm chí là tràn lan. Văn mẫu - học thuộc lòng, Toán - luyện theo dạng bài...., và hệ quả là sản xuất ra một loạt “gà công nghiệp” đẻ toàn... điểm 10. Chuyện này liệu có thể coi là bình thường hay không?
Chất lượng đội ngũ, tuyển sinh lớp đầu cấp, điều kiện về cơ sở vật chất như thế nào thì ban giám hiệu, của phòng GD-ĐT nắm rõ. Đó là cơ sở để lãnh đạo phòng GD-ĐT, các nhà trường có hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn nói chung và kiểm tra, đánh giá nói riêng cho phù hợp. Một số biện pháp chỉ đạo chung cho các trường khác nhau, các khối, các lớp khác nhau sẽ là máy móc, rập khuôn. Điểm 10 hàng loạt có nguyên nhân từ đây và trách nhiệm là do quản lý... không bình thường.
Phụ huynh mong muốn con em mình vào các trường tử tế, nghiêm túc, không áp lực... là mong muốn chính đáng. Nhưng từ mong muốn ấy rồi bằng mọi cách ép buộc con em học hành, học thêm, tìm kiếm thành tích qua giấy chứng nhận này, giấy khen nọ, huy chương kia… cũng là do trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục.
Trong tổ chức tuyển sinh có biện pháp, tư vấn cần thiết, cùng với đó là việc kiên quyết phân luồng trên cơ sở đầu tư nâng cấp cải tiến cơ sở vật chất trường học, luân chuyển giáo viên để điều hòa chất lượng - chưa làm được như thế, quản lý không thể gọi là bình thường.
Vậy nên, giải thích như vị đại diện sở GD-ĐT Hà Nội chỉ mới bám víu vào phần nổi của tảng băng... bình thường. Còn phần chìm của tảng băng ấy với vô số chuyện không bình thường đã bị lãng quên do cố ý hoặc vô tình. 
  • Thanh Hùng