-Trưởng phòng giáo dục huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vừa có công văn yêu cầu các trường triển khai thực hiện, vận động mỗi cán bộ, giáo viên đăng kí mua ít nhất 10kg lợn hơi hàng tháng.

Ngày 17/5, Công văn do ông Võ Đức Đại, Trưởng phòng giáo dục huyện Can Lộc kí gửi hiệu trường các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn, yêu cầu các trường triển khai thực hiện tốt nội dung tổ chức vận động để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng kí mua ít nhất 10kg lợn hơi/ tháng/người theo giá lợn hơi tối thiểu 30.000 đồng/kg.

Các trường tổ chức mua và giết mổ, đăng kí thu mua qua tổ thu mua của huyện hoặc có thể trực tiếp thu mua ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn (ưu tiên các hộ chăn nuôi liên kết, tổ hợp tác).

{keywords}

Công văn của Phòng GD&ĐT huyện Can Lộc yêu cầu giáo viên thực hiện mỗi giáo viên mua 10kg thịt lợn hơi/tháng.


Tổ thu mua sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thu mua lợn hơi, vận chuyển về các lò giết mổ tập trung, các trường trực tiếp tổ để tổ chức giao nhận theo số lượng đã đăng kí.

Công văn nêu “yêu cầu các trường triển khai thực hiện tốt các nội dung trên” và “Báo cáo kết quả thực hiện về Phòng GD&ĐT trước ngày 25 hàng tháng để phòng tổng hợp báo cáo UBND huyện”.

Công văn trên đã khiến nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều giáo viên cho rằng, mỗi cán bộ giáo viên mua 10kg thịt lợn/tháng là quá nhiều và mỗi người không thể ăn hết 10kg thịt/tháng.

Một hiệu trưởng trường trung học cơ sở trên địa bàn cho hay: “Đây là chỉ đạo của phòng thì phải thực hiện thôi. Nhưng tôi thấy sự việc này là chưa đúng”.

“Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ có huyện Can Lộc làm như vậy. Tôi đã tổ chức thực hiện cho mỗi giáo viên mua 10kg/1 đợt/ tháng rồi. Hiện đang triển khai đợt thứ 2.

Những giáo viên nào khó khăn quá thì ưu tiên, miễn giảm bớt cho họ việc mua thịt lợn. Hầu hết giáo viên đều mua đúng theo công văn, nhưng vì họ nể hiệu trưởng họ mới mua, còn thực tế, giáo viên không bằng lòng về việc này”, hiệu trưởng này nói.

Cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng cho biết: “Trường tôi có 51 giáo viên (36 giáo viên biên chế, 15 giáo viên hợp đồng). Sau khi công văn của huyện về, trường vận động giáo viên mua thịt, toàn bộ giáo viên biên chế đều đăng kí mua (trừ 2 cô nghỉ sinh), còn giáo viên hợp đồng khó khăn nên nhà trường không vận động”.

Trước sự việc này, nhiều người không đồng tình với công văn của phòng giáo dục.

Anh Phan Lý Sơn cho biết: “Hai vợ chồng nếu cả 2 đều làm giáo viên, thì mua mỗi tháng 20kg thịt lợn cũng đã mất 600.000 đồng rồi. Nhưng làm sao để ăn hết số thịt lợn đó?”

Không bắt buộc

Ông Võ Đức Đại, Trưởng phòng Giáo dục huyện Can Lộc cho hay: “Tôi ra công văn để hướng dẫn giáo viên thực hiện chủ trương của Liên đoàn lao động huyện đã có trước đó rồi. Công văn này mang tính vận động, chứ không bắt buộc, không đưa vào để đánh giá, thi đua của trường”.

Bảng tổng hợp kết quả tiêu thụ lợn (từ mầm non đến trung học cơ sở) trên địa bàn huyện Can Lộc do Phòng GD gửi UBND huyện Can Lộc cho thấy toàn ngành giáo dục huyện tính đến ngày 18/5 đã tiêu thụ được 13.636 kg.

{keywords}

Công văn của liên đoàn lao động huyện vận động cán bộ mua thịt lợn, nhưng đưa vào chí tiêu đánh giá, thi đua của đơn vị.


Trước đó, ngày 8/5, Lao động liên đoàn lao động huyện Can Lộc cũng ra công văn để chia sẻ khó khăn với những người chăn nuôi lợn đang trong tình trạng rớt giá. Trong đó, yêu cầu các công đoàn cơ sở triển khai thực hiện, phát động để mỗi đoàn viên công đoàn đăng kí mua mỗi tháng 10kg thịt lợn hơi tương đương với 300.000 đồng.

Công văn nêu: “Đây là một trong những tiêu chí thi đua, đề nghị các đơn vị quan tâm thực hiện”.

Bà Nguyễn Thị Dương – Chủ tịch liên đoàn Lao động huyện Can Lộc cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã đăng kí mua 25 tấn thịt lợn. Công văn huyện đưa ra cũng chỉ trên tinh thần vận động khéo để hỗ trợ người chăn nuôi mà thôi”.

Thiện Lương

TP.HCM vận động giáo viên mua thịt lợn

Giá thịt heo hơi giảm sâu, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn…nhà giáo, người lao động đang làm việc tại các cơ sở giáo dục trong ngành giáo dục và đào tạo thành phố cần tăng cường sử dụng thịt heo.

Công đoàn giáo dục TP.HCM vừa có công văn gửi công đoàn các cấp trong ngành về việc vận động các cơ sở giáo dục, nhà giáo, người lao động chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thịt heo.

Theo đó, công văn vận động đoàn viên, nhà giáo, người lao động đang làm việc tại các cơ sở giáo dục trong ngành giáo dục và đào tạo thành phố tăng cường sử dụng thịt heo trong gia đình hàng ngày và cấp đông dự trữ tại thời điểm này để góp phần tiêu thụ thịt heo cho người chăn nuôi.

Phối hợp với chính quyền, lãnh đạo các cơ sở giáo dục vận động căn tin, bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp...tại các cơ sở giáo dục tăng cường sử dụng thịt heo trong chế biến, tăng khẩu phần ăn có thịt heo; đưa vào cơ cấu bữa ăn tăng tỷ trọng thịt heo thay các thực phẩm khác hợp lý trong giai đoạn này góp phần tiêu thụ thịt heo cho người chăn nuôi.

Việc thu mua thịt heo để chế biến thực phẩm phải đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; ưu tiên sử dụng thịt heo được chăn nuôi theo quy trình VietGap, GlobalGap.

  • Lê Huyền