Năm học mới sắp bắt đầu, cũng là lúc giáo viên, học sinh sắp lần lượt tham gia vào các phong trào, cuộc thi. 

Nói về phong trào, cuộc thi chắc hẳn ngành giáo dục chiếm giải quán quân. Thử kể sơ qua thì cũng có ít nhất hơn chục phong trào, cuộc thi lớn nhỏ đều đặn diễn ra hàng năm trong trường học, mà phần lớn do từ trên ép xuống phải thực hiện.

Ví dụ như: phong trào thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, phong trào thi học sinh giỏi, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, viết thư UPU, vẽ tranh phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, phong trào làm đồ dùng dạy học, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, các cuộc thi giải toán qua mạng, thi tiếng Anh qua mạng, giải toán bằng tiếng Anh, thi hùng biện tiếng Anh… 

{keywords}

Các cô giáo đã thể hiện khả năng xử lý tình huống sư phạm tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 (Ảnh: Thanh Hùng)

Phong trào, cuộc thi nào cũng tốn nhiều thời gian của giáo viên và học sinh, nhưng nếu trường, giáo viên không tham gia thì phê bình bị trừ điểm thi đua. Tuy nhiên, hiệu quả của phong trào, cuộc thi như thế nào thì chưa có sự tổng kết đánh giá. 

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc nên xem xét và tổ chức lại các phong trào, cuộc thi sao cho thiết thực hiệu quả, nhất là phong trào thi giáo viên dạy giỏi. 

Phong trào thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện, tỉnh được tổ chức tuần tự hàng năm với mục đích nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên, trao đổi học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp, chia sẻ phương pháp dạy cho nhau. Việc thi giáo viên dạy giỏi sẽ không có gì đáng nói nếu không làm giáo viên lo âu mất ăn, mất ngủ, áp lực… chỉ vì danh hiệu, thành tích của nhà trường, phòng.

Tôi là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) đã từng được trường chọn đi thi giáo viên dạy giỏi huyện, tỉnh. Đến nay đã 16 năm rồi, tôi vẫn không sao quên được hành trình thi giáo viên dạy giỏi khi ấy. Hôm nay, tôi muốn sẻ chia phần nào nỗi khổ ấy cùng đồng nghiệp, thầy cô đã, đang và sẽ thi giáo viên dạy giỏi. 

Bắt đầu hành trình là tham gia Hội giảng giáo viên giỏi trường trong tháng 10. Nhiều đồng nghiệp thở than thi ở trường có khi còn gay go hơn thi huyện, tỉnh vì cá nhân tự lo cho tiết dạy của mình mà không có sự trợ giúp nào. 

Vượt qua cấp trường, ban giám hiệu chọn “gà” đi thi đấu huyện. Giáo viên chúng tôi nói đùa là “chọn mặt gửi vàng” để “đem chuông đi đánh xứ người”

Tôi mất ăn, mất ngủ cả tháng trời để chuẩn bị cho tiết dạy của mình. Nào là giáo án, tranh ảnh, đồ dùng dạy học…, rồi tiến hành dạy thử vài ba lần để đồng nghiệp trong nhóm, tổ, ban giám hiệu dự giờ góp ý. Rồi chỉnh đi sửa lại không biết bao nhiêu lần nữa. 

Chỉ một tiết dạy thôi (còn hiện nay quy định mỗi giáo viên dạy hai tiết: 1 tiết tự chọn bài, 1 tiết bốc thăm, thi bài viết kiểm tra năng lực) mà vất vả vô cùng. Thú thật, tôi chỉ như là một diễn viên, còn kịch bản, đạo diễn là tổ, ban giám hiệu xây dựng. 

Tiếp đến, nếu được chọn đi thi giáo viên giỏi tỉnh, thì trình tự lại được chuyển giao: tổ nghiệp vụ phòng giáo dục dự giờ dạy thử, góp ý cũng năm lần bảy lượt rồi chờ ngày lên đường thi đấu. 

Giáo viên đi thi khổ đã đành, còn giáo viên không được chọn đi thi cũng khổ không kém, khi phải dạy thay, giữ lớp. 

{keywords}

Các phong trào, cuộc thi trong nhà trường cần được điều chỉnh lại để việc dạy - học đi vào chất lượng thực chất (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Còn học sinh thì sao? Để  phục vụ cho thầy cô dạy thử tiết đi thi huyện, tỉnh, nhà trường phải điều động các lớp tham gia, đổi tiết, đổi giờ, đổi xuất, dạy thay, dạy thử nghiệm phương pháp này phương pháp khác…, gây nhiều xáo trộn ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. 

Được biết, ở một số trường ban giám hiệu còn cho giáo viên nghỉ dạy để tập trung vào việc đầu tư cho tiết dạy đi thi, dẫn đến học sinh mất bài, mất tiết, chất lượng học tập bị ảnh hưởng. 

Trao đổi với thầy Nguyễn Văn Bổng, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa), thầy nói: “Thi giáo viên giỏi là chỉ tiêu thành tích thi đua của trường, do vậy phải chấp nhận có những thay đổi xáo trộn trong việc dạy học”. 

Có cần thiết như vậy không?  

Ngày 3/3/2016, Bộ GD-ĐT có công văn lưu ý: “Việc tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức”. Khi biết thông báo này, chúng tôi thật hoan hỉ vì được cởi trói trong việc thi giáo viên giỏi. Hơn nữa, đây cũng là liều thuốc chữa căn bệnh thành tích, hình thức đã tồn tại quá lâu trong ngành giáo dục. 

Nhưng thiết nghĩ, ngoài những lưu ý trên, Bộ cũng nên quy định thêm giáo viên khi tham gia thi đạt giáo viên dạy giỏi theo cấp, huyện, tỉnh, quốc gia thì sẽ được nâng lương hoặc nâng hạng. Có như vậy, giáo viên mới có động lực để đi thi, chứ không bị áp lực cho dù có “tự nguyện” như hiện nay. 

Giáo viên chúng tôi cũng mong Bộ GD-ĐT điều chỉnh lại các phong trào, cuộc thi để việc dạy - học đi vào chất lượng thực chất, chứ không còn là những hoạt động hình thức vì thành tích nữa. 

Nguyễn Văn Lực (Giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)