Nghề giáo Phần Lan có thu nhập hấp dẫn, còn nghề giáo ở mình, nhiều lần tăng lương, lương nhà giáo Việt Nam chưa đủ trang trải cho cuộc sống. Phải chăng vì vậy mà đổi mới giáo dục của mình cứ mãi loanh quanh?

Bí mật của một hiệu trưởng 22 năm ở Phần Lan

Giáo viên Phần Lan không sợ sếp, không bị chỉ trích

Cảm ơn Báo điện tử Vietnamnet đã chia sẻ hai bài viết: "Giáo viên Phần Lan không sợ sếp, không bị chỉ trích", "Bí mật của một hiệu trưởng 22 năm ở Phần Lan"

Chắc là nhiều đồng nghiệp có chung tâm trạng với tôi, đọc xong hai bài viết, tôi cứ man mác, nghĩ nhiều về nghề của mình, biết thêm hoạt động của đồng nghiệp ở Phần Lan. Trong tiếng trống Trung thu rộn ràng ở phố núi, tôi xin chia sẻ mấy điều sau, một nhà giáo qua 36 năm dạy học với hơn 20 năm làm cán bộ quản lý.

{keywords}
Nghề giáo ở mình nhiều lần tăng lương, lương nhà giáo Việt Nam chưa đủ trang trải cho cuộc sống? 

Nghề giáo Phần Lan có thu nhập hấp dẫn, còn nghề giáo ở mình, nhiều lần tăng lương, lương nhà giáo Việt Nam chưa đủ trang trải cho cuộc sống. Phải chăng vì vậy mà đổi mới giáo dục của mình cứ mãi loanh quanh?

Giáo viên họ được tự chủ, mình có nhưng chưa nhiều, có lẽ phải chờ đổi mới mang đến. Những cuộc thi giáo viên giỏi, những cuộc kiểm tra, thanh tra; cung cách quản lý giáo dục cứng; những phong trào thi đua rầm rộ, ...,cứ tưởng sẽ cho kết quả tốt đẹp nhưng dường như điều mong muốn ấy chỉ có trên báo cáo, trong chạy đua theo thành tích và những lần đối phó trước các cuộc kiểm tra. Bỏ thì thương, vương thì tội; hãy thành thật với nhau, có mấy bộ hồ sơ giáo viên được làm thực chất, có bao nhiêu giáo viên chăm chút cho giáo án trước mỗi giờ lên lớp? Giáo dục mà chông chênh, đứt gãy, không trung thực thì sản phẩm cho ra sẽ thế nào?


Một vụ việc xấu xảy ra trong nhà trường, ôi thôi, từ giáo viên đến hiệu trưởng bị "ném đá" không thương tiếc. Lâu dần, thầy cô đến trường với tâm trạng hoài niệm về "một thời xa vắng", còn hiện tại, cố cho xong và đừng để xảy ra điều tiếng gì. Nghề giáo - một phong cách sống đặc biệt, chuyện đã có ở Việt Nam từ rất lâu; còn bây giờ ư, đó là chuyện của giáo dục Phần Lan, mình thì tiếc nuối và ước mơ làm lại ...

Đào tạo giáo viên, đó là khâu đặc biệt quan trọng, thế mà từ đào tạo ở các trường sư phạm đến bồi dưỡng thường xuyên khi về công tác tại nhà trường, nội dung học - bồi dưỡng, cả người dạy lẫn người học chỉ làm sao cho đủ tín chỉ, giấy chứng nhận, việc có những báo cáo kết quả mang tầm triết lý giáo dục - còn xa lắm. Vẫn biết tín chỉ và giấy chứng nhận là thật (đại đa số), còn người học, người được bồi dưỡng, kết quả thật đến đâu là điều ai cũng thấy nặng nề, ngường ngượng khi đề cập đến, vì vậy họ cố quên. Một triết lý có từ rất lâu: "lương sư hưng quốc", cần đào tạo, cần bồi dưỡng người thầy sâu - rộng kiến thức, đủ phẩm cách, giàu vốn sống, đó là công việc vô cùng khó khăn. Nhưng trước đây ta đã làm được, làm tốt, đổi mới giáo dục sẽ làm được?

Giáo dục vị nhân sinh, ấy mà giáo viên mình xoay tít theo quản lý của họ. Cán bộ quản lý nói mà chưa làm được nhiều, không ít giáo viên cả về năng lực và trách nhiệm đều có vấn đề. Hệ quả là, học theo dự án, chuyên đề, trò chủ động, thầy chủ đạo được không ít giáo viên nói với nhau, viết trong sáng kiến kinh nghiệm hay trong kế hoạch năm học, còn thực tế - chưa được như thế. Nhà trường là xã hội thu nhỏ, trong dòng chảy đó luôn cần những giáo viên giỏi chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm.

Nhà trường tự chủ, dường như Bộ GD - ĐT còn chần chừ (?), nhà trường không thể đứng ngoài, càng không thể đứng trên cơ chế thị trường. Chỉ khi hòa mình trong đó, đi tiên phong, nhà trường mới là nơi được ngưỡng mộ, kính trọng, tin tưởng, gửi gắm ước mơ.

Nhà trường tự chủ thì hiệu trưởng cùng giáo viên mới tự chủ. Họ đắm mình trong công việc được giao, họ truyền lửa cho học sinh, họ hợp tác với nhau, họ mạnh mẽ nói, họ sáng tạo làm, họ tự giác, ..., góp nên nhà trường mô phạm.

Chỉ có như thế giáo viên mình mới thôi không sợ sếp, mới thôi không ghét sếp, mới thôi không dửng dưng với sếp.

Bước vào năm học, lại rộ lên chuyện lạm thu, chuyện thừa - thiếu giáo viên cục bộ, chuyện dạy thêm, học thêm, ..., vì đâu và do ai? Quy trách nhiệm cho hiệu trưởng, đúng nhưng chưa đủ, bởi, chỉ số ít hiệu trưởng làm sai. Trong cơ chế đóng chặt và mở mông lung, có những điều hiệu trưởng dẫu biết nhưng phải ... ngậm bồ hòn!

Bức tranh giáo dục Phần Lan lạ mà quen, thiết nghĩ, dù cách mạng công nghệ 4.0 hay phát triển hơn nữa ở những thế kỷ sau, học đường vẫn luôn cần sự đong đầy tình đồng nghiệp, tình thầy trò; nhiều nhà giáo cao cả kết nên sự kính trọng, yêu thương; đó còn là sự gắn bó của phụ huynh, là những sẻ chia có trách nhiệm của xã hội - nguồn lực vô giá để nhà trường vững bước trên hành trình dạy người.

TS Nguyễn Hoàng Chương

Dân số Phần Lan bằng 1/17 Việt Nam

 

Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan: Phần Lan là nước có dân cư ít (dân số Phần Lan hiện nay là hơn 5,5 triệu người, diện tích: 390.905 km2, tương đương Việt Nam- PV), mỗi học sinh đều được tạo cơ hội để phát huy tiềm lực tốt nhất, có thể cạnh tranh với quốc tế. Kể từ khi độc lập cách đây 100 năm (1917), chúng tôi đã đầu tư cho giáo dục rất nhiều và từ rất sớm.