William McGuffey là một nhà giáo dục của thế kỷ 19. Ông nổi tiếng với vai trò là tác giả của bộ sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học được sử dụng rộng khắp đầu tiên trong các trường học của Mỹ.

Bộ sách giáo khoa mà ông đã viết có tên là McGuffey Readers, dành cho học sinh từ lớp 1 tới lớp 6. Chúng từng được sử dụng rộng rãi trong các trường học Mỹ từ giữa thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20. Thậm chí, hiện nay vẫn còn một số trường tư thục hoặc cha mẹ cho con học tại nhà sử dụng bộ sách này.

William McGuffey - người biên soạn bộ sách giáo khoa đầu tiên được sử dụng rộng khắp ở các trường học Mỹ

Ước tính có ít nhất 122 triệu bản McGuffey Readers được bán ra từ năm 1836 tới năm 1960, nâng doanh thu của nó đứng cùng hạng với Kinh Thánh và từ điển Webster. Từ năm 1961, McGuffey Readers tiếp tục được bán khoảng 30.000 bản/ năm. 

Cuộc đời và sự nghiệp

McGuffey sinh vào năm 1800 ở Pennsylvania, sau đó chuyển tới Youngstown, Ohio cùng gia đình vào năm 1802. Gia đình ông di cư từ Scotland sang Mỹ vào năm 1774. Họ là những người có quan điểm mạnh mẽ về tôn giáo và có niềm tin vào giáo dục.

McGuffey trở thành giáo viên vào năm 14 tuổi, bắt đầu với 48 học sinh ở một ngôi trường chỉ có một lớp học ở Calcutta, Ohio và một chủng viện ở Paland, Ohio.

Quy mô của lớp học chỉ là một trong số những thách thức mà thầy giáo trẻ McGuffey phải đối mặt. Ở nhiều ngôi trường chỉ có một giáo viên, độ tuổi của học sinh thường dao động từ 6 tới 21 tuổi. McGuffey thường phải làm việc 11 giờ mỗi ngày, 6 ngày một tuần. Học sinh thường tự mang sách của mình tới trường, phổ biến nhất là Kinh Thánh, vì có rất ít sách giáo khoa thời điểm đó.

Học viện Greersburg mà McGuffey từng theo học

Vừa là giáo viên dạy những đứa trẻ khác, McGuffey vừa là học sinh ở Học viện Greersburg (hay còn gọi là The Old Stone Academy) ở Darlington, Pennsylvania. Sau đó, ông tiếp tục học ở Washington College – nơi ông tốt nghiệp vào năm 1826. Cũng trong năm đó, ông trở thành giáo sư Ngôn ngữ học ở ĐH Miami, Oxford, Ohio.

McGuffey nổi tiếng với tư cách là tác giả của bộ sách giáo khoa Readers (chính xác hơn là người biên soạn), tuy nhiên ông cũng tự viết một số tác phẩm khác. Ông rời ĐH Miami để nhận những trách nhiệm lớn hơn ở Cincinnati College, sau đó là ĐH Ohio và Woodward College. Ở cả 3 trường này ông đều đảm nhận vị trí hiệu trưởng.

Ông kết thúc sự nghiệp của mình khi đang là giáo sư Triết học đạo đức ở ĐH Virginia.

Bộ sách để đời

Hầu hết các trường học ở thế kỷ 19 đã sử dụng 2 cuốn đầu tiên trong bộ 4 cuốn của McGuffey.

Cuốn đầu tiên dạy trẻ em đọc bằng cách sử dụng phương pháp phát âm, nhận biết chữ cái và cách sắp xếp từ. Cuốn thứ hai được sử dụng khi học sinh đã biết đọc. Nó giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của câu qua những câu chuyện dễ nhớ. Cuốn thứ ba dạy định nghĩa các từ và được viết ở cấp độ tương đương với học sinh lớp 5, lớp 6 bây giờ. Cuốn thứ 4 được viết cho trình độ đọc hiểu cao nhất.

Bộ sách McGuffey Readers

Năm 1835, một công ty xuất bản nhỏ của Truman và Smith đã đề nghị ông viết một bộ gồm 4 cuốn sách đọc dành cho học sinh tiểu học. Ông hoàn thành 2 cuốn đầu tiên trong vòng 1 năm ký hợp đồng và nhận mức thù lao 1.000 USD vào thời điểm đó (tương đương 20.000 USD vào năm 2016). Cả 4 cuốn được ông hoàn thành vào năm 1836 và 1837.

Sau đó, em trai ông là Alexander biên soạn thêm hai cuốn vào những năm 1840.

Bộ sách này gồm những câu chuyện, bài thơ, bài luận và diễn văn. Những bộ Readers tái bản sau đó còn gồm có các đoạn trích của những nhà văn, các chính trị gia Anh, Mỹ có tiếng như Lord Byron, John Milton, và Daniel Webster.

McGuffey tin rằng các giáo viên cũng như học sinh nên đọc to bài đọc trước lớp. Ông cũng đưa ra danh sách các câu hỏi sau mỗi câu chuyện, vì ông cho rằng đặt câu hỏi là yếu tố quan trọng để giáo viên đưa ra hướng dẫn.

Bộ sách tập trung vào chính tả, từ vựng, cách nói chính thống – những yêu cầu phổ biến ở nước Mỹ thế kỷ 19.

McGuffey được đánh giá là một giáo viên thần học bảo thủ. Ông giải thích các mục tiêu của trường học công lập theo quan điểm của giáo dục tinh thần và đạo đức, cố gắng đưa cho các trường một chương trình giảng dạy thấm nhuần đức tin và cách cư xử của người theo đạo Tin lành.

Hội trường mang tên William McGuffey ở ĐH Ohio

Nội dung của bộ sách Readers thay đổi đáng kể từ bản ra năm 1836-1837 đến bản năm 1879. Readers bản sửa đổi được biên soạn để đáp ứng nhu cầu đoàn kết dân tộc và ước mơ đa dạng văn hóa của nước Mỹ đối với những dân tộc bị áp bức trên thế giới. Nội dung của Readers sau đó lại được thay đổi để phù hợp với các giá trị, đạo đức và tôn giáo của tầng lớp trung lưu.

Tên của McGuffey vẫn được đề trên những tái bản này, tuy nhiên ông không có đóng góp nào về mặt nội dung cũng như không chấp nhận những nội dung mới này.

Sau này, các loại sách khác dần thay thế sách của McGuffey trên thị trường học thuật. Tuy nhiên, bộ sách Readers của McGuffey vẫn chưa bao giờ biến mất. Ngày nay, bộ sách của ông phổ biến với những gia đình cho con học tại nhà và ở một số trường dành cho người theo đạo Tin lành.

Bộ sách Readers được đánh giá là có ảnh hưởng tới thế hệ người Mỹ đầu tiên được học chữ và được giáo dục đại chúng trong thế giới hiện đại.

Nguyễn Thảo (dịch)

Nhà triết học khai sinh ra giáo dục thực nghiệm

Nhà triết học khai sinh ra giáo dục thực nghiệm

John Dewey cho rằng giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà giáo dục chính là cuộc sống.

Cuộc đời và cái chết của triết gia "khôn ngoan nhất" thành Athens

Cuộc đời và cái chết của triết gia "khôn ngoan nhất" thành Athens

Socrates (470-399 TCN) là một triết gia thời Hy Lạp cổ đại và là người khởi nguồn chính cho tư tưởng phương Tây. Thông tin về cuộc đời ông ít được biết đến ngoài những ghi chép của chính những học trò, trong đó có triết gia vĩ đại Plato.

Người thầy thành lập ngôi trường đầu tiên trong lịch sử nhân loại

Người thầy thành lập ngôi trường đầu tiên trong lịch sử nhân loại

Ông cũng là người viết những tác phẩm triết học có ảnh hưởng lớn tới hệ tư tưởng phương Tây.

Rudolf Steiner - nhà giáo dục nuôi dưỡng 'con người tự do'

Rudolf Steiner - nhà giáo dục nuôi dưỡng 'con người tự do'

Rudolf Steiner là người sáng lập triết học tâm linh và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự sáng tạo trong giáo dục con trẻ.