- Đó là chia sẻ của ông Pravir Arora, Giám đốc điều hành tập đoàn Aptech toàn cầu với nhiều bạn trẻ đang nuôi khát vọng khởi nghiệp trong lĩnh vực lập trình phần mềm, sáng 9/7.

Tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp “Làm chủ hay làm thuê- lựa chọn nào cho bạn trẻ Việt?”- anh Đỗ Trung Kiên (nhân viên pha chế ở một nhà hàng trên địa bàn Hà Nội) đang muốn kiếm một công việc ổn định với thu nhập tốt hơn. Anh chia sẻ: Bạn bè khuyên đến nghề lập trình nhưng lại băn khoăn vì không biết có thích hợp với nghề này.  

{keywords}

Ngày hội tư vấn hướng nghiệp thu hút nhiều bạn trẻ tham dự (Ảnh: Thanh Hùng)

Ông Pravir Arora cho rằng, công nghệ là nền tảng của mọi việc trong xu hướng hiện nay. Do đó, ngành lập trình và cơ hội khởi nghiệp của các bạn trẻ rất triển vọng.

Ông đưa lời khuyên: Ai cũng có thể học và có thể thành công với nghề lập trình. Bởi theo ông yếu tố quan trọng và tiên quyết việc thành công trong ngành này không phải là kiến thức và công nghệ mà ở thái độ nghiêm túc với công việc. Điều đó thể hiện bằng sự quyết tâm cao độ, đề cao kỷ luật với tinh thần cầu thị hàng ngày. Đặc biệt là không mắc bệnh ngôi sao, một căn bệnh khá phổ biến với giới trẻ - thì khởi nghiệp sẽ thành công.

“Trong việc lập trình không ai thành công chỉ bằng việc ngồi đọc tài liệu, mà phải làm việc hằng ngày nhiều giờ bên máy vi tính. Các bạn đừng nghĩ học xong được bằng gì mà hãy đầu tư cho sự bằng lòng của doanh nghiệp qua việc chúng ta làm được gì”, ông Pravir Arora đưa lời khuyên.

Theo ông Pravir Arora, với những ý tưởng tốt thì không bao giờ là muộn để các bạn trẻ có thể khởi nghiệp. “Quan trọng là ý tưởng để khởi nghiệp có phù hợp với yêu cầu của thị trường, đáp ứng được kỳ vọng và mang lại giá trị thực tế cho khách hàng hay không”.

Ông Hoàng Hải, Giám đốc tổng hợp công ty CP Giải pháp tin học IFI Solution cho rằng, nếu nỗ lực theo đuổi thì nghề lập trình không quay lưng với bất kỳ ai. “Lập trình viên là một ngành nghề liên quan đến trí tuệ đòi hỏi tư duy logic, tính kiên trì và khả năng phối hợp làm việc nhóm. Công việc trí tuệ song không phải công đoạn nào cũng đòi hỏi sự thông minh quá cao. Vì vậy có sự nỗ lực, đam mê theo đuổi thì các bạn chắc chắn sẽ làm được”.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Việt Hùng, thành viên tổ chức đại sứ sinh viên Microsoft và là sáng lập viên tổ hợp giáo dục ColorME chia sẻ, không quá khó để khởi nghiệp nếu các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm.

“Nếu các bạn nghĩ khởi nghiệp IT là mở ra một công ty định hướng phần mềm thì mình nghĩ các bạn đã sai, bởi chúng ta hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế. Bạn có thể vào các trung tâm giáo dục hỏi các vấn đề của họ là gì để mở ra một start-up liên quan đến giáo dục. Vào cửa hàng thời trang thay vì chỉ mua quần áo hãy hỏi vấn đề của họ rằng tại sao không mở ra thêm 4-5 cửa hàng tiếp theo. Hay những nhà hàng, khách sạn,... hãy hỏi xem họ cần gì và công nghệ có thể làm gì cho họ. Điều cơ bản là các bạn có dám lăn mình ra khỏi phòng không”, anh Hùng gợi mở.

Thanh Hùng