- Nói về một xã hội học tập suốt đời, theo GS. TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam: “Nhà giáo giờ đây phải là một nhà giáo phạm, một nhà hoạt động xã hội, hoạt động chính trị chứ không chỉ đứng trên lớp là xong”. 

Trong ảnh: Cô trò Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2012-2013. (Ảnh minh họa: Văn Chung).

Sáng 15/11, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, “trường ĐH đầu tiên của VN” đã diễn ra buổi tọa đàm về vị thế, vai trò của nhà giáo mới đây do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Hội khuyến học Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT tổ chức.

Các ý kiến tham luận cho rằng với một xã hội phát triển, vị thế của mỗi nhà giáo cần được thay đổi và nâng cao hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Đường – Chủ tịch UBND TT Cẩm Giàng (Hải Dương), kiêm giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng nêu quan điểm: “Một xã hội học tập, ai cũng có thể vừa làm thầy và làm trò. Với đất nước đang trong thời kỳ hội nhập việc học tập đòi hỏi “sức nặng” cả về lượng và chất”.

Theo ông: “Thực trạng hiện nay giáo dục đang có hiện tượng chỉ dạy chữ mà ít khi dạy con người làm Người”. Đề cập đến “trách nhiệm lớn lao của mỗi nhà giáo”, ông Đường cho rằng: “Mỗi nhà giáo phải vào cuộc, phải khẳng định được vị thế của chính mình”.

Từ thực tế, giảng viên Hồ Thị Hiền (Trường ĐH Y tế Công cộng) cho rằng “việc không hề đơn giản”: “Thách thức là việc thu thập, truyền kiến thức cho SV. Càng nhiều ví dụ thực tế SV càng dễ hiểu. Đối với ngành y đó là những tình huống. Giảng viên cũng không thể xa rời nghiên cứu khoa học, trau dồi ngoại ngữ để hội nhập với thế giới”.

Bà Hiền cũng nhắc đến đến “vai trò gợi mở của giảng viên và SV phải biết tự học, tự đưa ra kết luận cho riêng mình”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh đến một xã hội học tập suốt đời: “Từ người trẻ tới người già thấy cần phải học, có thể học và được học suốt đời, xem học tập là một nhu cầu như cơm ăn áo mặc hàng ngày”. 

Theo GS. TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam nhà giáo giờ đây phải là một nhà giáo phạm, một nhà hoạt động xã hội, một nhà hoạt động chính trị, vận động người dân thực hiện chứ không chỉ đứng trên lớp là xong”. 

“Ngày xưa, hai bờ gần nhau còn dễ. Nay đôi bờ tri thức rộng lớn, “người chở đò” đi trên dòng sông thông tin ấy càng phải ý thức trách nhiệm nặng nề của mình hơn”- Vị GS ví von. 

Muốn có một xã hội học tập suốt đời, theo ông: “Người thầy phải làm cho trò học không chán, muốn trò học không chán trước hết thầy phải dạy không mệt mỏi. Nhưng muốn dạy không mệt mỏi nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, phụ cấp cho nghề giáo để các thầy cô yên tâm đóng góp công sức cho sự nghiệp. Giáo viên phải ở một lớp nhất định là trung lưu”. 

Những năm qua, Hội khuyến học Việt Nam, theo GS Dong với nguồn tài chính lớn nhưng hội cố gắng có hỗ trợ những nhà giáo khó khăn về tài chính để họ bám trụ với nghề như kêu gọi chính quyền địa phương giúp đỡ, trích quỹ cải tạo chỗ ở hay hỗ trợ lâu dài cho giáo viên.

  • Văn Chung (ghi)