- "Việc một số địa phương nói không với hệ tại chức, dân lập là điều đáng hoan nghênh bởi cơ quan nhà nước đã bắt đầu chú trọng chất lượng..." - TS Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen nêu quan điểm.

Ý kiến các chuyên gia cho rằng, trước làn sóng nói không với sản phẩm tại chức, dân lập thì những người trong cuộc cần tỉnh táo soi lại mình. Muốn sản phẩm ra lò không bị định kiến - Bộ GD-ĐT cần tăng cường kiểm định chất lượng các trường và công bố công khai.

GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Phải tôn trọng quyền nhà tuyển dụng"

Thông thường bằng cấp chỉ là điều kiện cần. Trong quá trình thi tuyển, năng lực thể hiện mới là điều kiện đủ. Song thẳng thắn mà nói chất lượng đào tạo tại nhiều trường dân lập hiện nay kém.

Công bằng mà nói không phải ai học trường dân lập cũng kém. Nhưng hệ quả của việc ồ ạt mở trường đã làm chất lượng đào tạo khối trường ngoài công lập (NCL) không tiến thêm được.

Thực tế, nhiều trường mang danh ĐH nhưng chưa làm đúng chất lượng của một trường ĐH. Nhiều trường dân lập chấp nhận “mua” sinh viên, dùng đủ chiêu câu kéo sinh viên, nghĩa là họ cần số lượng, cần học phí, cần thu nhập, chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Có trường mở chủ yếu là kiếm tiền...

Việc nhà tuyển dụng chọn ai vào làm công việc gì đó là quyền của họ. Vấn đề đặt ra, ngoài các tỉnh đã lên tiếng chính thức nói không với dân lập, tại chức thì có rất nhiều đơn vị đã thực hiện. Có điều họ không công khai chính thức.

Do đó, trước hiệu ứng này - theo tôi các trường NCL cần tỉnh táo để lắng nghe và có điều chỉnh. Bộ GD-ĐT cũng cần tăng cường kiểm định chất lượng các trường để tuyên truyền rộng rãi. Tương lai, cần phải nhân rộng mô hình các trường NCL...

GS.TS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo): "Phải tự khẳng định bản thân"


Khách quan mà nói, nhiều trường NCL đào tạo chưa tốt, chỉ biết lo kiếm tiền mà nhiều trường chưa chú trọng đến chất lượng đào tạo mà mở ra chỉ để thu lợi nhuận. Từ đó xã hội dần dần có cái nhìn chung không tốt về các trường NCL.

Nói như vậy không có nghĩa tất cả trường NCL đều xấu và cũng có nhiều trường NCL đào tạo tốt, nhiều sinh viên ra trường điều có công ăn việc làm và cũng có nhiều em làm ở vị trí cao trong xã hội.

Các trường ĐH công lập địa phương đa số có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo. Trong khi đó nhiều trường NCL cũng chưa chú trọng đầu tư để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Việc không tuyển người NCL sẽ khiến họ bỏ lỡ cơ hội tìm được nhân viên giỏi bởi cũng có rất nhiều sinh viên ngoài công lập có năng lực rất tốt. Tuy nhiên điều này cũng là lời cảnh báo để các trường nâng cao chất lượng đào tạo nhằm khẳng định với xã hội.

TS Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen: "Tôi luôn luôn ủng hộ các tỉnh..."


Thực tế nhiều trường NCL chưa tạo được niềm tin về chất lượng đào tạo.

Mỗi trường có mục tiêu khác nhau, có trường xác định đào tạo phải có chất lượng và phấn đấu đạt được mục tiêu đó để sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng cũng có không ít trường xác định mục tiêu lợi nhuận nhiều nên ít chú trọng đầu tư cho chất lượng, vàng thâu lẫn lộn, nên xã hội có định kiến.

Việc một số địa phương nói không với hệ tại chức, dân lập là điều đáng hoan nghênh bởi cơ quan nhà nước đã bắt đầu chú trọng chất lượng. Người phụ trách nhân sự của doanh nghiệp tư nhân nếu tuyển nhân viên tồi sẽ bị kỷ luật, trong khi lâu nay hầu như việc tuyển dụng ở cơ quan nhà nước chưa chú trọng đến vấn đề chất lượng ứng viên.

Nhà tuyển dụng có quyền xác lập các tiêu chí tuyển dụng của mình.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Không lựa chọn dựa vào bằng cấp"

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là bằng tốt nghiệp của các trường công lập và ngoài công lập có giá trị pháp lý như nhau và cần được đối xử công bằng.

Bằng cấp chỉ được phân biệt bằng những yếu tố trình độ đào tạo (như trung cấp, CĐ, ĐH và sau ĐH), bằng thang xếp loại (kém, trung bình, khá, giỏi hay xuất sắc).

SV tốt nghiệp không thể chỉ đánh giá tấm bằng mà cần phải thể hiện bằng những kiến thức, kỹ năng cụ thể. Để phát hiện, đánh giá được chính xác cần có những hình thức kiểm tra, phân loại phù hợp đối với từng mục đích tuyển dụng. Bằng cấp tuyển dụng không thể mang thính quyết định. Mặt khác, trong số các trường NCL có những trường đào tạo có chất lượng tốt không thua kém trường công lập và ngày càng nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo.

Chất lượng sản phẩm đầu ra còn phụ thuộc quá trình đào tạo.Vì vậy để đánh giá chất lượng trong quá trình tuyển dụng một cách chính xác, công bằng... Cần đánh giá trên những con người cụ thể với năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng làm việc có đáp ứng được yêu cầu hay không. Không nên đánh giá, lựa chọn dựa trên bằng cấp tốt nghiệp trường công hay trường tư.

  • Anh Thư (ghi)