Trong khi đề mở đang được coi như “của lạ” ở bậc học trên, mà chủ yếu ở các kỳ thi lớn như tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ - thì ở bậc tiểu học học sinh cũng đã được làm quen với dạng đề này.

>> Bộ GD-ĐT tiết lộ 'chiêu' ôn luyện đề văn kiểu mới
>> Đề thi tốt nghiệp có thể ngoài sách giáo khoa

Những điểm 0 thiếu tận tâm

Đa số các đề bài miêu tả trong sách tiếng Việt lớp 3, 4, 5 là đề có độ mở rất rộng. Các đề bài thường ngắn gọn, nêu rõ kiểu bài và đối tượng miêu tả, ví dụ như “tả một đêm trăng đẹp”, “Tả một ca sĩ đang biểu diễn”...

Tuy nhiên, “đơn giản”, “máy móc”, “chưa đầy đủ”… là điều mà nhiều chuyên gia giáo dục nhận xét về việc đánh giá môn tiếng Việt của không ít giáo viên.

{keywords}

PGS. TS Nguyễn Trí, chuyên gia của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường- SEQAP, nêu một ví dụ. Một học sinh làm đề bài Tả một người bạn thân của em đã hỏi ông của em: “Ông ơi, cháu tả con Chó Chảo có được không?”. Chó Chảo là tên con thú bông mà em rất thích. Với em, đây là người bạn thân, khi ăn khi ngủ em đều đặt cạnh. Đi chơi đâu em cũng mang theo. Em coi nó là người bạn thân nên mới hỏi ông như vậy.

Ông Trí đặt câu hỏi, nếu là ông em bé, chúng ta sẽ trả lời em thế nào? Khuyên em cứ làm theo mong muốn, suy nghĩ của mình - một sự suy nghĩ rất hồn nhiên, ngây thơ về khái niệm "người bạn thân” - đó là sự cổ vũ rất lớn với em. Nhưng nếu cô giáo không nghĩ như thế thì sao? Có thể lại có một điểm 0 to tướng vì cô cho rằng không ai lại coi một con thú bông là người bạn thân. Lúc ấy sẽ là một cú sốc với em học sinh hồn nhiên, ngây thơ kia. Còn khuyên em từ bỏ ý nghĩ hồn nhiên đó, đi tìm một “người” bạn thân để tả thì sẽ trả lời sao nếu em hỏi “Ông ơi, vì sao chú Chó Chảo lại không là bạn thân của cháu?”.

Một câu chuyện khác được các chuyên gia về giáo dục tiểu học đưa ra làm dẫn chứng cho thái độ và cách xử lý của người giáo viên trước những bài làm khác thường của học sinh. Đó là truyện ngắn Bài văn bị điểm không (tiếng Việt 4, tập 1, trang 21).

Nội dung câu chuyện là cuộc đối thoại giữa hai bố con về một bài văn bất thường. Khi làm đề bài “Tả bố em đang đọc báo”, một em học sinh đã nộp giấy trắng, không có bài làm và cô giáo đã cho 0 điểm. Cô giáo giận em học sinh nộp giấy trắng và có hỏi em “Sao trò không chịu làm bài?”. Mãi em mới nói “thưa cô, em không có ba. Ba em đã hi sinh ngoài chiến trường từ khi em mới ra đời." Ra về một bạn hỏi em “Sao mày không tả ba của đưa khác”, em chỉ cúi đầu khóc.

Tác giả truyện ngắn - nhà văn Nguyễn Quang Sáng - kết luận “Chuyện về cậu học trò có bài văn điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực”. Nhưng với các nhà giáo, nếu nhìn ở góc độ sư phạm, thì cô giáo trong câu chuyện trên đã trượt theo nếp làm việc thông thường khi nhận được bài văn là một tờ giấy trắng. Bài văn lạc đề, thậm chí có thể đó còn là một sự phản kháng ngầm của em học sinh nên em không chịu làm bài.

Theo vết trượt ấy, cô cho điểm không là bình thường. Đó là cách nghĩ, cách làm của các giáo viên thiếu sự tận tâm, thiếu việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới bài văn nêu trên trước khi đưa ra cách đánh giá cuối cùng với bài văn. Về phương diện sư phạm, cô giáo đã không lường trước các tình huống gia đình của mấy chục em trong lớp. Khi ra đề bài tả bố em đang đọc báo không phải em nào cũng có ba và không phải ba em nào cũng đọc báo...

Mỗi giáo viên cần mở lòng

Theo TS Xuân Thị Nguyệt Hà, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) thì vẫn còn hiện tượng lấy nguyên xi bài tập đọc và đề tập làm văn trong SGK để thiết kế đề kiểm tra môn tiếng Việt. Việc chấm bài còn mang nặng tính chủ quan, áp đặt, máy móc.

Một số giáo viên chưa có khả năng xây dựng hướng dẫn chấm bài tập làm văn theo hướng “mở”, do đó chấm bài chưa khuyến khích được những sáng tạo dù là nhỏ của học sinh tiểu học, chưa trân trọng những thành công, những tiến bộ, những cái riêng trong bài làm của học sinh.

Bà Hà cũng nhận xét, “khi trả bài cho học sinh, nhiều giáo viên chỉ quan tâm đến việc thông báo điểm số cho học sinh, chưa quan tâm đến việc nhận xét những ưu điểm và đưa ra những góp ý cụ thể để học sinh biết cách sửa lỗi và có kỹ năng làm văn tốt hơn. Từ đó dẫn đến hiện tượng nhiều học sinh tiểu học làm bài hoàn toàn dựa vào bài văn mẫu chỉ để nhận được điểm số cao từ giáo viên”.

Để khắc phục cách khuynh hướng lệch lạc trong chấm bài hiện nay, như yêu cầu học sinh làm theo mẫu thầy cô cho hoặc có trong các sách tham khảo, làm bài dập khuôn theo hướng nghĩ, hướng cảm, hướng tả của thầy cô… bà Nguyệt Hà cho rằng cần xây dựng một thái độ tôn trọng sự suy nghĩ, cảm xúc riêng, cách nhìn, cách kể của từng cá nhân học sinh khi làm bài miêu tả, kể chuyện.

Có rất nhiều vấn đề đặt ra khi viết hướng dẫn và chấm bài theo hướng mở. Có vấn đề ở mức tổng quát đối với một bài làm văn nhằm giải đáp câu hỏi tả cái gì? Kể theo cốt truyện nào? Ở các cấp độ thấp hơn, cấp độ đoạn, cấp độ chi tiết miêu tả cũng có thể có những cách tả, cách kể, cách cảm, cách nghĩ khác với quan niệm của giáo viên thì sao?

Theo ông Nguyễn Trí, “cách giải quyết đúng đắn nhất là mỗi giáo viên hãy mở lòng chấp nhận mọi cách kể, cách tả khác với suy nghĩ, quan niệm của mình sau khi cân nhắc đến tính hợp lý, hợp lẽ tự nhiên, hợp với yêu cầu của đề bài ở mức độ rộng mở nhất. Chỉ có trên tinh thần ấy, người chấm bài mới có được sự đánh giá độ lượng, công tâm với mọi các làm bài của học sinh, mới đánh giá đúng năng lực thật của các em và khuyến khích các em giữ được sự tự tin, hồn nhiên, ngây thơ, có cách cảm, cách nghĩ, cách kể, cách tả của riêng mình”.

Thế nhưng, để nếp nghĩ, cách làm nêu trên trở thành phổ biến, trở thành nếp nghĩ, cách làm thường trực của mỗi giáo viên “chắc chắn chúng ta phải kiên trì vận động, cổ vũ trong thời gian dài” – ông Trí nhận định.

  • Chi Mai