- Những hàng nước mắt cứ thế lăn dài trên đôi má đã tím đen vì vết bầm dập. Đôi mắt mọng nước của Nhung xót xa nhìn đứa con khóc lặng đi vì khát sữa, rồi nhắm nghiền trong cay đắng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

“Lấy chồng từ thuở mười ba….”


Sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con một nên Nhung (15 tuổi, Tam Điệp, Ninh Bình) được chiều chuộng như một công chúa. Chỉ vài năm trước Nhung vẫn là một nữ sinh đáng yêu, xinh xắn, và vô ưu vô lo.

Đến khi gặp Tuấn – một chàng trai hào hoa, ga lăng nhưng cũng rất đa tình. Tuấn quen Nhung qua mạng, và họ đã yêu nhau sau hơn một tuần chat chit thâu đêm suốt sáng. Và chỉ vài tháng sau, đám cưới qua quýt đã diễn ra. Nhung vội vã rời bỏ trường lớp, bạn bè, lên xe hoa về nhà chồng khi cái “mầm sống” đang cựa quậy trong người cô đang lớn từng ngày.

Còn Linh (17 tuổi, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) lại lớn lên trong sự lam lũ, vất vả nên không được học hành đến nơi đến chốn. Linh học nửa chừng lớp 9 thì phải bỏ để phụ giúp gia đình. Sau đó, được người hàng xóm mai mối nên cô cũng nhanh chóng cưới anh thợ sửa xe máy gần nhà hơn cô 2 tuổi. “Không đi học thì ở nhà lấy chồng rồi lo làm ăn thôi” – Linh giải thích.

Khác với Linh, vì “chót lỡ” với người tình bằng tuổi nên Hoài Thương (học sinh lớp 12, một  trường ở Hà Nội) đành phải làm vợ, làm mẹ trẻ con một cách bất đắc dĩ khi vẫn còn khoác nguyên trên mình chiếc áo đồng phục trường. Chồng của Thương bằng tuổi cô và cũng đang đi học.

“Đến khi mười tám em là… mẹ đơn thân”

Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều lí do khiến phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân. Nhưng có những bà mẹ đơn thân bất bất đắc dĩ, vì không còn cách nào khác, họ đành phải một mình nuôi con trong khi tuổi đời còn quá trẻ, kỹ năng sống còn quá ít ỏi.

Như trường hợp của Nhung, sau đám cưới cô phát hiện ra mình chỉ  là “vợ hờ”của Tuấn bởi chồng cô đã có vợ con đề huề. Tuấn thuê cho Nhung một căn phòng chật chội gần nhà anh ta đang ở để tiện đi lại giữa hai nơi. Trên danh nghĩa là vợ chồng nhưng với Tuấn thì Nhung và đứa con vô tội như cái gai trong mắt. Nhung xót xa: “Anh ta đánh chửi em thậm tệ, và dọa nếu không về xin tiền bố mẹ đẻ thì anh ta sẽ đuổi cổ ra khỏi nhà.”

Vì không chịu nổi cảnh con và cháu suốt ngày bị hành hạ nên bố mẹ Nhung đã đón con và cháu về nuôi.

Còn Linh sau những trận đòn “thừa sống thiếu chết” của anh chồng nát rượu đã lặng lẽ ôm con bỏ ra Hà Nội. Hàng ngày, Linh đi rửa bát thuê cho cửa hàng ăn gần nhà trọ, đêm về nhận làm hàng mã để lấy tiền nuôi con. Cuộc sống chật vật của bà mẹ trẻ khiến Linh gần như kiệt sức: “Có những lúc em định buông xuôi, nhưng vì thương con nên em đành cố gắng, không biết rồi sẽ đi về đâu nữa”.

May mắn hơn Linh, Thương được nhà chồng cảm thông và chăm sóc chu đáo. Nhưng đổi lại, cô luôn phải sống trong sự thờ ơ của người chồng suốt ngày lao đầu vào những trò chơi điện tử và tụ tập bạn bè.

Vốn sẵn tính trẻ con nên hai vợ chồng không ai chịu nhường ai, ngày nào cũng xảy ra cãi vã. Thương giận dỗi đưa con về nhà bố mẹ đẻ để dọa chồng nhưng chỉ vài ngày sau cô phát hiện chồng có bạn gái mới.

Cô đành đau khổ chấp nhận một cuộc sống của bà mẹ đơn thân. "Mình làm thì mình chịu  chị ạ, giờ em cũng không còn cách nào khác nữa”- Thương ngậm ngùi.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây của TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), tỷ lệ ly hôn đang tăng nhanh và chiếm 31%-40%. Nghĩa là cứ 3 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Đó là chưa kể đến những cặp kết hôn khi chưa đủ tuổi đăng kí và nhanh chóng “đường ai nấy đi”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Ngọc cho rằng, nếu các bà mẹ trẻ đã chọn lựa một con đường riêng thì hãy lường trước những tình huống có thể xảy ra và học cách xử lý nó, nhất là với đứa trẻ mà mình chủ động tạo ra thì càng phải có nhiệm vụ hiểu về những biến đổi tâm sinh lý của trẻ, nâng đỡ và tránh cho trẻ những mất mát, thiệt thòi.


Thu Thảo