- GS Annick  Suzor-Weiner, nguyên Phó Giám đốc Đại học Paris - Sud 11 hôm nay (8/3) đã nhận bằng tiến sĩ danh dự từ ĐH Quốc gia Hà Nội, vì thành tựu xuất sắc trong hoạt động khoa học và những đóng góp thiết thực cho sự phát triển các mối quan hệ quốc tế với đại học này.

TIN BÀI KHÁC

Đưa “nữ tính” vào đề thi văn HS giỏi
Thiếu ngân sách, Anh bỏ đào tạo HS tài năng
GS Ngô Bảo Châu: 'Quan trọng nhất là không dối mình'
Cô giáo 10.000 ngày nuôi em điên dại


GS Annick Weiner, sinh năm 1949, là một nữ tiến sĩ vật lý lý thuyết. Bà là giáo sư tại ĐH Paris-Sud 11, nhiều năm làm Phó Giám đốc phụ trách đối ngoại của trường. Hiện tại, bà là cố vấn khoa học công nghệ của Pháp tại Hoa Kỳ.

VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với GS Annick Weiner, về những xu hướng của giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.


GS Annick  Suzor-Weiner: 'Điều căn bản là trường ĐH phải có mức lương hấp dẫn để thu hút những người trẻ và giỏi nhất. Thứ hai là tạo điều kiện cho họ chỉ làm công việc của mình, không phải làm thêm để kiếm sống". Ảnh: Bùi Tuấn
Trường ĐH phải có mức lương hấp dẫn

Trước hết, xin chúc mừng bà nhân ngày Phụ nữ quốc tế 8/3. Là phụ nữ, lại phải dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học, bà có thấy bị áp lực không?

GS Annick Suzor-Weiner: Ở Pháp, có nhiều nhà khoa học nữ hơn các nước khác, đặc biệt là trong lĩnh vực vật lý, hóa học, toán học. Có lẽ bởi nữ bác học Marie-Curie là thần tượng của chúng tôi.

Tôi không thấy mình phải chịu đựng khi là một phụ nữ (cười). Chỉ là có chút khó khăn khi phải dung hòa giữa công việc và con cái. Tôi có hai con trai và phải làm thế nào đó để con cái không phải chịu đựng những khi mình ở trong phòng lab đến khuya mới về, hay làm việc vào cả những ngày cuối tuần.

Tôi nghĩ ở Việt Nam, phụ nữ trẻ cũng có một chút khó khăn khi phải chăm sóc con cái, đồng thời làm khoa học. Bên Mỹ cũng thế. Tuy nhiên, tôi tin rằng, thế hệ mới, đàn ông sẽ chia sẻ công việc nhà nhiều hơn với phụ nữ. Ở Pháp hiện nay cũng vậy.

Ở các trường ĐH Việt Nam hiện nay, thời lượng giảng viên dành cho nghiên cứu khoa học rất ít. Là người đã đến Việt Nam nhiều lần kể từ năm 2000, bà có nhận xét gì về điều đó? Liệu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đó có là một bất lợi lớn?

Tôi nghĩ, điều căn bản là giảng viên trẻ phải có mức lương đủ sống để cống hiến hết mình cho trường ĐH. Chẳng hạn như trường hợp của tôi. Ở Pháp, tôi được trả lương tốt để vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu.

Theo tôi biết, ở Việt Nam, giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ có mức lương quá thấp, trong khi đó họ còn phải nuôi gia đình. Trên thực tế, họ phải kiếm tiền ở nơi khác, do vậy, họ không thể toàn tâm nghiên cứu khoa học.

Bây giờ, giảng viên trẻ Việt Nam cũng có điều kiện sống tốt hơn khi họ tham gia vào các dự án. Tuy nhiên, cũng có những dự án tốt và cũng có những dự án không tốt. Do vậy, vẫn là một khó khăn khi tham gia nghiên cứu liên tục.
Vì thế, điều căn bản là trường ĐH phải có mức lương hấp dẫn để thu hút những người trẻ và giỏi nhất. Thứ hai là tạo điều kiện cho họ chỉ làm công việc của mình, không phải làm thêm để kiếm sống.


GS Annick  Suzor-Weiner: "Với Pháp, hiện tượng chảy máu chất xám không đáng ngại. Tuy nhiên, với Việt Nam, đó là một vấn đề lớn". Ảnh: Bùi Tuấn

Không hối thúc nhà khoa học phải công bố bài báo khoa học

Ở Pháp có xảy ra hiện tượng những nhà nghiên cứu sang các nước khác, chẳng hạn như Mỹ, vì họ trả lương cao hơn không?

Hiện tượng chảy máu chất xám ("brain drain") ở Pháp có xảy ra nhưng không nhiều. Có một bộ phận nhỏ giới trẻ sang Mỹ vì được trả lương cao và nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong công việc. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhỏ sau đó đã trở về Pháp hoặc có quay về hợp tác.

Việt Nam cũng có thể tận dụng những người Việt đang sống và làm việc ở Pháp, vì một lý do nào đó, chẳng hạn như kết hôn mà không trở về Việt Nam. Họ có thể giúp Việt Nam rất nhiều. Với Pháp, hiện tượng chảy máu chất xám không đáng ngại. Tuy nhiên, với Việt Nam, đó là một vấn đề lớn.

Hiện nay học sinh Việt Nam thường chọn các nước nói tiếng Anh để đi du học. Theo bà, họ đã lỡ cơ hội nào khi không du học ở Pháp?

 Nếu sang Pháp, các bạn trẻ sẽ có suy nghĩ sâu sắc hơn bởi vì đi du học các bạn mang về không chỉ kiến thức mà còn là cách suy nghĩ của một nền văn hóa khác.

Nước Pháp có một truyền thống lâu đời về văn hóa. Mọi xã hội đều cần sự đa dạng về văn hóa. Nếu sang Mỹ hoặc Úc chẳng hạn, đó là những quốc gia trẻ, không có bề dày về văn hóa.

Nếu sang Pháp, các bạn trẻ sẽ có suy nghĩ sâu sắc hơn bởi vì đi du học các bạn mang về không chỉ kiến thức mà còn là cách suy nghĩ của một nền văn hóa khác.

Nước Pháp cũng là một nơi có truyền thống lâu đời về khoa học. Khoa học ở Pháp có khác với Mỹ, đó là nghiên cứu cơ bản nhiều hơn. Chúng tôi dành cho các nhà nghiên cứu nhiều thời gian hơn để nhìn sâu vào vấn đề, không hối thúc họ phải công bố bài báo khoa học như nước Mỹ hay phải nhanh làm ra nhiều tiền từ các đề tài.

Phải chăng vì thế mà GS Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng Fields?

Đúng vậy, vì anh ấy có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn (cười).


"Tôi ủng hộ việc tăng học phí, vì có rất nhiều người có thể trả học phí nhiều hơn mức hiện nay. Số tiền tăng đó sẽ bù đắp cơ hội cho người nghèo, họ có thể đi học được. Ảnh: Bùi Tuấn
Là nhà khoa học hiện đang sống ở Hoa Kỳ, bà có so sánh nào về giáo dục ở Mỹ và Pháp?

Tôi cho rằng, giáo dục từ bậc trung học trở xuống ở Pháp tốt hơn. Những HS tốt nghiệp trung học ở Pháp biết nhiều thứ hơn.

Các trường ĐH ở Mỹ có nhiều tự chủ hơn. Do vậy, họ kiếm được nhiều tiền hơn.

Hiện có luật mới ở Pháp tạo điều kiện cho các trường tự chủ hơn, có nhiều liên kết với các viện nghiên cứu hơn.

Giáo dục Pháp có đang phải đối mặt với vấn đề gì không? Nước Anh đã tăng học phí, vậy Pháp có định tăng học phí không?

Hiện nhu cầu học ĐH ở Pháp trở nên quá nhiều, vì thế có một thách thức là phải đảm bảo chất lượng và số lượng.

Bên cạnh đó, những thanh niên thuộc diện nhà nghèo cũng gặp phải thách thức về tài chính khi muốn học ĐH.

Tuy nhiên, nếu người nghèo không được học ĐH thì sẽ rất khó kiếm được việc làm tốt, và như vậy, họ vẫn nghèo.

Theo ý kiến riêng, tôi ủng hộ việc tăng học phí, vì có rất nhiều người có thể trả học phí nhiều hơn mức hiện nay (chẳng hạn chỉ mất khoảng 200 euro cho một khóa học thạc sĩ một năm).

Số tiền tăng đó sẽ bù đắp cơ hội cho người nghèo, họ có thể đi học được. Tạm gọi là lấy của người giàu chia cho người nghèo (cười). Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân.

Trước mắt, tôi được biết, Chính phủ sẽ không tăng học phí đại học công lập. Tất nhiên, học ĐH tư thục lại khác, học phí có thể tăng, và hiện nay học phí cũng rất cao.

Hiện tượng luân chuyển chất xám

Theo bà, hiện nay xu hướng chính mà các ĐH thế giới đang theo là gì?

Tôi nghĩ có ba xu hướng chính, đó là toàn cầu hóa, giáo dục không biên giới và " tam giác diệu kỳ", gồm giáo dục đại học - nghiên cứu - phát minh, sáng chế.

Có một xu hướng người ta gọi là "brain circulation", nó trái ngược với hiện tượng "chảy máu chất xám". Brain circulation là hiện tượng luân chuyển chất xám giữa các nước.

Ví dụ dễ hiểu nhất là GS Ngô Bảo Châu, tuy anh làm việc cho Mỹ nhưng cũng dành chất xám của anh cho Việt Nam mà không ai có thể can thiệp được.

Có thể nói thêm, xu hướng của Pháp đối với giáo dục Việt Nam chính là xây dựng đối tác. Khi nhậm chức Phó giám đốc ĐH Paris-Sud 11, nước đầu tiên mà tôi sang để thiết lập mối quan hệ chính là Việt Nam.
Năm 2007, chúng tôi bắt đầu mở các khóa học thạc sĩ về công nghệ Nano ở ĐHQG Hà Nội. Năm 2010, chúng tôi kết hợp với ĐH Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội để xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở Hòa Lạc, đào tạo các ngành như Môi trường, năng lượng, Công nghệ Thông tin, có mô hình hoạt động kết hợp chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.


Mô hình "Tam giác diệu kì"

GS Annick Weiner là học trò của nhà vật lý thiên văn Henri Van Regemorter, người bạn lớn của các nhà khoa học Việt Nam.

Khi còn trẻ, bà được người thầy của mình kể rất nhiều về Việt Nam, vì thế khi trở thành Phó Giám đốc tại ĐH Paris - Sud 11, bà đã đến thăm Việt Nam đầu tiên và thiết lập các mối quan hệ hợp tác, trong đó có việc giúp đỡ Việt Nam đào tạo các tiến sĩ theo chương trình 322.

  • Hạ Anh - Hương Giang (Thực hiện)