Nghiên cứu về tế bào, ước mơ tìm cách chữa tận gốc ung thư

“Thay vì sự háo hức khi gặp lại một bệnh nhân quen trong các hoạt động tình nguyện, tôi đã rất sốc khi thấy em không còn chân”, Trương Linh Huyền mở đầu câu chuyện bằng kỉ niệm đầy ám ảnh về 1 nữ bệnh nhân mới 18 tuổi, vừa đỗ đại học, nhưng đã phải cưa mất 1 chân do ung thư giai đoạn muộn đã di căn tới xương.

Nữ nghiên cứu sinh chia sẻ: “Tôi luôn thấy bất lực khi hiểu rõ rằng: trong cơ thể bệnh nhân có các tế bào bất thường, các tế bào ung thư đang sinh trưởng và tàn phá từ bên trong, nhưng bản thân lại không làm được điều gì khác ngoài chứng kiến nỗi đau cả về thể xác và tinh thần của em. Kỉ niệm về nỗi đau của bệnh nhân luôn là nguồn động lực mạnh mẽ, thôi thúc tôi cố gắng nhiều hơn trên con đường nghiên cứu”.

Trương Linh Huyền là cựu học sinh trường THPT chuyên của tỉnh Ninh Bình, đã đạt nhiều giải học sinh giỏi khu vực và quốc gia môn Sinh học. Linh Huyền mang trên mình kỳ vọng của gia đình nhiều thế hệ làm nông rằng: sẽ có người đầu tiên trong gia đình đi theo con đường y học. Nhưng với niềm đam mê tìm hiểu về các tế bào trong cơ thể người, cô đã lựa chọn chương trình đào tạo cử nhân Khoa học tài năng của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), theo đuổi con đường trở thành một nhà khoa học.

Quyết tâm đó ngày càng lớn khi Huyền tiếp xúc với những bệnh nhân ung thư trong các hoạt động tình nguyện. Cô nhận ra, chỉ khi làm rõ được cơ chế phân tử và tế bào, mới có thể chữa trị tận gốc được ung thư nói riêng hay các bệnh hiểm nghèo nói chung.

{keywords}
Vượt qua vòng phỏng vấn với nhiều giáo sư đầu ngành, Trương Linh Huyền đã nhận được thư mời học từ 3 trường đại học hàng đầu ở Vương quốc Anh 

Trương Linh Huyền chia sẻ, vào đại học, cô tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Với nhiều thành tích nổi bật, cô tốt nghiệp loại Giỏi hệ Cử nhân tài năng. Sau đó, cô chưa du học ngay mà lựa chọn đi làm việc, nhằm hiểu rõ hơn về môi trường nghiên cứu tại Việt Nam. “Tôi nhận ra, nếu không trực tiếp “nhúng” mình vào môi trường nghiên cứu thực tế, thì sẽ không thể biết được bản thân đang thiếu và cần học thêm những điều gì”, Linh Huyền bày tỏ.

Với kinh nghiệm gần 4 năm làm việc ở một viện nghiên cứu y sinh lớn ở Việt Nam,  6 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, năm 2019, Huyền nhận học bổng thạc sĩ tại Đại học Newcastle (Vương quốc Anh). Linh Huyền đã hoàn thành các mục tiêu trong dự án nghiên cứu thạc sĩ chỉ trong 8 tuần (thay vì 24 tuần như thông thường).

Chắp cánh ước mơ cho nhân tài Việt

Khi đang chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ, Linh Huyền tìm hiểu thông tin về chương trình học bổng KHCN đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ du học nước ngoài của tập đoàn Vingroup. Cô quyết định nộp hồ sơ và đặt mục tiêu được nhận vào 1 trường đại học hàng đầu thế giới, đúng như định hướng của chương trình học bổng này.

Vượt qua vòng phỏng vấn với nhiều giáo sư đầu ngành, Linh Huyền đã nhận được thư mời học từ 3 trường đại học hàng đầu tại Vương quốc Anh là: Đại học Oxford, Đại học Cambridge và Đại học London (UCL). Cô đã lựa chọn chương trình Tiến sĩ Sinh học Phân tử và Tế bào tại Đại học Oxford.

Linh Huyền cho biết: “Ở trong một số chương trình học bổng tiến sĩ khác, nghiên cứu sinh sẽ làm việc trong khuôn khổ nội dung của các dự án đã được đề xuất và nhận được sự tài trợ kinh phí. Ngược lại, học bổng Vingroup cho tôi cơ hội có thể chủ động đề xuất và phát triển dự án mới dưới sự hỗ trợ từ đơn vị đào tạo. Đây là một thử thách, nhưng cũng là một cơ hội quý báu để rèn luyện các kỹ năng để trở thành một nghiên cứu viên chính”.

Trên thế giới, mô hình doanh nghiệp tài trợ cho học viên đi du học không mới. Nhưng theo nữ nghiên cứu sinh Đại học Oxford, sự khác biệt lớn ở chương trình học bổng vingroup là định hướng, hỗ trợ học viên theo học tại các cơ sở giáo dục  hàng đầu ở những quốc gia có nền KHCN phát triển nhất thế giới.

“Rất ít học bổng hiện nay có tiêu chí tương tự trong việc lựa chọn đơn vị đào tạo cho học viên. Tiêu chí này xác lập một vị thế rất khác của Học bổng Vingroup, đó là chọn người tài năng đi học ở những ngôi trường tinh hoa”, Linh Huyền đánh giá.

Dù khóa học chưa chính thức bắt đầu, nhưng hiện tại Linh Huyền đã bắt tay cùng nghiên cứu với các giáo sư của Đại học Oxford. Chia sẻ về dự định tương lai, Linh Huyền cho biết: “Tôi muốn tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu với mục tiêu thành lập, dẫn dắt 1 nhóm nghiên cứu về miễn dịch học ứng dụng tại Việt Nam, với hi vọng đóng góp tri thức và giải pháp nhằm cải thiện việc chăm sóc sức khỏe con người”.

Chương trình học bổng KHCN đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ du học nước ngoài được Tập đoàn Vingroup triển khai với mục tiêu tìm kiếm các tài năng Việt; qua đó bồi dưỡng, phát triển thành những nhân tài có khả năng dẫn dắt sự phát triển KHCN Việt Nam trong tương lai.

Trong vòng 11 năm, kể từ năm 2019, Tập đoàn Vingroup sẽ tài trợ mỗi năm tối đa 100 suất học bổng toàn phần bậc thạc sĩ, tiến sĩ về nhiều chuyên ngành trọng điểm tại các cơ sở đào tạo xuất sắc ở những quốc gia có nền KHCN phát triển hàng đầu thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, Pháp, Đức, Israel, Ý, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, và Hà Lan.

Sau 3 khóa đầu tiên, đã có hơn 100 học viên được trao học bổng theo học tại 26 trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Minh Tuấn