Chia sẻ với VietNamNet, chị Thu Hòa (quận Đống Đa) cho hay, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như Hà Nội hiện nay, việc cho các con học trực tiếp tại trường là nỗi lo lớn của gia đình.

“Các con chưa tiêm đủ 2 mũi, miễn dịch chưa đủ để chống lại virus, khi học trực tiếp trong môi trường đến 40-50 học sinh trong 1 lớp, rồi giao tiếp, chơi đùa, thật khó tránh khỏi việc nhiễm bệnh nếu có mầm bệnh”, chị Hòa nói.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng 

“Các con cấp THPT dù đã ở lứa tuổi tự lo được sinh hoạt cá nhân nhưng chẳng may có trường hợp dương tính tại trường thì toàn bộ phải đi cách ly tập trung, khi đó chắc chắn nhiều vấn đề xảy ra. Tự thân lo ăn ở, sinh hoạt, thuốc thang, học hành sẽ ra sao… ?”, chị Hòa lo lắng.

Chị Ngọc Vân (quận Hai Bà Trưng) cũng chung tâm trạng. Theo chị, những ngày qua tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, phương án mở cửa trường học của Hà Nội được điều chỉnh liên tục càng khiến chị dao động. Vì thế, chị Vân nói việc cho con đi học tập trung trở lại khiến gia đình lo lắng gấp nhiều lần.

“Dù sao người lớn cũng được tiêm phòng đủ liều, đủ thời gian, được trang bị các kỹ năng về phòng chống dịch nên việc nhiễm bệnh cũng hạn chế hơn nhiều so với các con. Các con đã học trực tuyến hơn 2 năm nay rồi nên tôi nghĩ việc học thêm vài tháng nữa có lẽ cũng không ảnh hưởng gì lớn đến sự học. Điều quan trọng nhất bây giờ là sức khoẻ của các con chứ không phải cho các con học tập trung rồi ngày ngày lại canh cánh nỗi lo làm sao giữ cho con mình không nhiễm bệnh”, chị Vân nói.

Theo chị Vân, việc cho các con học trực tiếp sẽ phù hợp hơn sau các dịp lễ Tết như Giáng Sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán… bởi khi đó các con đã tiêm đủ liều, có miễn dịch và hơn hết, có thể tình hình dịch lúc đó cũng đỡ căng thẳng hơn.

Ngày đầu tiên con quay trở lại trường sau gần 7 tháng học online tại nhà, chị Phạm Ngọc Thịnh (Hà Đông, Hà Nội) cũng không khỏi lo lắng. Từ khi Hà Nội có thông báo cho học sinh đến trường học trực tiếp, chị Thịnh đã lên danh sách những vật dụng cần chuẩn bị để con đến trường. Ngoài bình nước, khẩu trang, nước xịt khuẩn, 1 vỉ thuốc ngậm họng thì sáng nay, chị còn dặn dò con mang theo một bộ quần áo, một chiếc chăn mỏng gấp gọn và một vài đồ dùng cá nhân để tại lớp, thậm chí cả 1 - 2 gói bánh nhỏ... đề phòng trường hợp xấu nhất, sáng các con đi học phát hiện F0 trong trường, nhưng chiều phải ở lại trường luôn.

"Nhỡ có F0 trong trường học" cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh khác. Chị Mai Hương có con đang học lớp 12 bộc bạch: “Khi cô giáo thông báo 50% học sinh sẽ học trực tuyến, 50% học trực tiếp, gia đình phần nào yên tâm hơn vì điều này sẽ đảm bảo việc giãn cách. Nhưng thực tế, 100% học sinh lớp con vẫn tới trường, tôi vô cùng băn khoăn vì điều này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu có F0 trong trường học, học sinh và giáo viên sẽ bị giữ lại tại chỗ, việc ăn uống, sinh hoạt sẽ xử lý ra sao?”, chị Hương nói.

Mặc dù rất mong các con được quay trở lại trường học để “giải phóng tâm lý kìm hãm ở nhà”, “bớt đi việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử, được giao tiếp với bạn bè, tương tác với thầy cô”, nhưng theo chị Hương, nếu đi học giống như “bước vào một trận chiến như vậy”, thì nên để các con được học tại nhà thêm một thời gian nữa.

"Đến khi các con tiêm đủ hai mũi, trường học chuẩn bị kỹ càng hơn về các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại, lúc ấy tôi nghĩ, cho học sinh đến trường cũng chưa muộn”.

Trường học sẵn sàng nhiều phương án

Em Phan Lê Hà Nhi (học sinh lớp 12 Trung, của Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam) cho hay, sáng nay dù đến trường nhưng thật sự em vẫn khá lo lắng, bởi mới chỉ tiêm một mũi vắc xin cách đây 2 tuần.

Hà Nhi nói bố mẹ em trăn trở đến mất ngủ. Bố mẹ cũng dặn đi dặn lại em khi đến lớp phải luôn tuân thủ thực hiện 5K.

Bố mẹ cũng chuẩn bị cho em giấy ướt để lau chùi các vật dụng, một bịch khẩu trang mới và một lọ xịt sát khuẩn để đảm bảo an toàn trước khi đến trường.

Trao đổi với VietNamNet sáng nay, bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, trường chia 2 luồng để đón học sinh nhằm đảm bảo giãn cách phòng dịch. Một luồng dành cho các học sinh tự đi xe đạp, xe máy đến trường; luồng còn lại cho học sinh được phụ huynh đưa đến.

“Chúng tôi cũng chia các lớp theo phương án “phòng chẵn, phòng lẻ”. Tức những lớp học ở phòng chẵn sẽ đi học vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu và tương tự như vậy đối với các lớp còn lại. Như vậy sẽ đảm bảo sự giãn cách giữa các lớp”.

Bà Dương cũng cho biết, qua nắm bắt, cũng có một số ít học sinh sáng nay chưa trở lại trường, bởi sự lo lắng của gia đình với tình hình dịch bệnh.

“Chúng tôi cũng rất thông cảm và chia sẻ với tâm trạng này của phụ huynh và học sinh. Đối với những học sinh chưa đến trường, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kết nối màn hình trực tuyến song song với lớp học để các em có thể nắm bắt, đuổi kịp chương trình với các bạn trên lớp”.

{keywords}
Học sinh được bố trí ngồi riêng 1 bàn tại Trường THPT Kim Liên

Theo ghi nhận của PV, nhiều trường học lắp thêm camera, wifi... để có thể dạy học song song trực tiếp và online. Đặc biệt, phải phân chia rất khoa học và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất với các giáo viên dạy nhiều khối lớp khác nhau, vừa dạy trực tiếp trên lớp với học sinh lớp 12, vừa dạy trực tuyến với học sinh lớp 10 và 11.

Lãnh đạo các trường phổ thông trên địa bàn khẳng định đã chuẩn bị tốt nhất với mọi phương án có thể để đón học sinh trở lại trường.

Theo hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Sở Y tế Hà Nội, trong trường hợp phát hiện F0, trường học sẽ tạm thời phong tỏa, lớp nào ở yên lớp đó. Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1, cách ly ngay tại lớp

BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, không thể chắc chắn khi học sinh ở nhà sẽ không nhiễm bệnh.
“Tôi cho rằng nguy cơ lây nhiễm bệnh ở trường hay ở nhà là như nhau. Do đó, điều quan trọng không phải lo học sinh bị bệnh mà là khi có F0 xuất hiện trong trường, nhà trường đó cần xử lý như thế nào”, ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, việc phong tỏa trường học tạm thời sẽ không giải quyết được điều gì, thậm chí còn quá nguy hiểm cho trẻ vì sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Điều quan trọng là phải hướng dẫn học sinh cách phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo việc giãn cách. Và khi một em mắc bệnh, trường học cũng không nên rối lên. Nhà trường có thể dùng camera để theo dõi lịch trình, từ đó tách những trẻ tiếp xúc gần ra để xét nghiệm.
Còn nếu phong tỏa, vấn đề ăn uống, vệ sinh của học sinh sẽ giải quyết ra sao? Nếu làm vậy, thà đừng cho học sinh đi học. Cứ sự cố xảy ra lại ‘nhốt’ trẻ lại là không nên”, BS Trương Hữu Khanh nói.

Thanh Hùng - Thúy Nga 

Clip: Doãn Hùng

Ảnh: Lê Anh Dũng

Học sinh Hà Nội nhiều âu lo trong ngày đầu trở lại trường

Học sinh Hà Nội nhiều âu lo trong ngày đầu trở lại trường

Hàng chục ngàn học sinh lớp 12 ở Hà Nội đã đến trường vào sáng nay. Lứa học sinh 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của Covid-19 sẽ còn nhiều áp lực trước mùa thi tốt nghiệp tới.