Nhược điểm của con được cô chỉ ra chính xác khiến tôi thấy thực sự cảm phục. Bởi trong một lớp học có tới hơn 50 học sinh mà cô có thể hiểu được từng em như vậy đâu phải chuyện dễ dàng.

Trước đây, tôi vẫn luôn nghĩ rằng tất cả việc học tập ở trường cần được thể hiện qua điểm số. Thế nên từ khi có chủ trương thay chấm điểm bằng nhận xét học sinh ở bậc tiểu học tôi cảm thấy khá hoang mang. Nhưng qua nhiều lần được nghe cô giáo nhận xét về con những lúc có dịp gặp mặt hoặc trong các buổi họp phụ huynh, tôi đã thay đổi suy nghĩ.

Những lời nhận xét đầy đủ cả về học lực, về đạo đức, tác phong, nề nếp ứng xử, tính cách, thói quen tốt - xấu… của cô giáo về con thực sự khiến tôi cảm động.

{keywords}
Hình ảnh minh họa

Cuộc họp phụ huynh cuối mỗi học kỳ là quan trọng nhất vì diễn ra vào thời điểm các con vừa kết thúc một quá trình học tập. Vấn đề điểm số, khả năng học tập của con được các bậc phụ huynh hết sức quan tâm. Có lẽ vì thế tôi luôn thấy phụ huynh tham dự đầy đủ và đúng giờ hơn lần họp đầu năm dù thời gian họp được bố trí vào cuối ngày đi làm hay thứ bảy, chủ nhật.

Điểm số là điều phụ huynh quan tâm đầu tiên nhưng cũng không thể phản ánh hết được những “hạn chế” trong tác phong, nề nếp, ý thức. Thậm chí, nhiều khi điểm số cũng không phản ánh chính xác năng lực học tập của trẻ. Theo nhận xét của một giáo viên, phần lớn điểm 9, điểm 10 trong bài kiểm tra cuối học kỳ của các con đã được làm tròn 0,5 điểm, có những bài còn được làm tròn tới hai lần. Có rất ít bạn đạt được điểm 10 một cách trọn vẹn. Bởi thế nếu bố mẹ chỉ nhìn vào điểm số của con thì sẽ không đánh giá đúng thực lực.

Trường hợp của con tôi là một ví dụ cho cách tính điểm này. Khi con khoe kiểm tra học kỳ cả môn Toán và tiếng Việt đều được 10 điểm, tôi khá vui mừng nhưng vẫn có chút phân vân, không thể tin con lại xuất sắc như vậy. Cho đến khi nghe cô giáo giải thích về cách chấm điểm bài thi thì đã cảm thấy hợp lý. Bởi môn tiếng Việt lớp 3 có hai điểm là đọc và viết, khi cả hai điểm này đều được làm tròn thì điểm tổng sẽ cao.

Sự tận tâm, quan tâm sâu sát đến từng học sinh của giáo viên chủ nhiệm được thể hiện cụ thể qua từng lời nhận xét. Có bạn thông minh, học giỏi cô khen, có bạn chưa ngoan, hay quậy phá, chưa chăm học, cô phê bình và “nhờ” bố mẹ giúp đỡ, phối hợp cùng cô kèm cặp con tiến bộ hơn.

Sự chân thành, thấu hiểu từng học sinh trong mỗi lời nhận xét của cô giáo không làm mất lòng phụ huynh, ngược lại còn nhận được những cái gật đầu, những tiếng cười tán thưởng. Như cậu con trai của tôi được nhận xét là học Toán chắc kiến thức, chăm chỉ, hăng hái phát biểu ý kiến nhưng con tính toán còn ẩu, vội vàng, chữ viết còn xấu, không được cẩn thận. Nhược điểm của con được cô chỉ ra chính xác khiến tôi thấy thực sự cảm phục. Bởi trong một lớp học có tới hơn 50 học sinh mà cô có thể hiểu được từng em như vậy đâu phải chuyện dễ dàng.

Nhiều phụ huynh khác cũng trầm trồ khen cô giáo nhận xét đúng quá. Con nhà mình đúng là chăm học nhưng mà tính toán rất ẩu và nhanh quên. Chẳng riêng gì học mà trong sinh hoạt hàng ngày cũng thế. Việc quên sách vở thường xuyên xảy ra.

Có bạn rất ngoan, học chăm, đọc tốt nhưng lại ngọng chữ n – l. Có những bạn bình thường rất linh hoạt, nhanh nhẹn, hay nói nhưng trong giờ học lại trầm, ít khi phát biểu ý kiến. Có mấy bạn nam lúc nào cũng chọn đứng cuối hàng trong giờ tập trung để thuận tiện cho việc nghịch. Cũng có bạn “láu cá” đi học muộn nên trốn xếp hàng tập trung mà đi thẳng lên lớp chờ các bạn… Khi cô giáo nhắc tên khiến nhiều phụ huynh hết sức ngạc nhiên vì đúng với tính cách của con quá.

Cũng nhờ những nhận xét của cô giáo mà phụ huynh như tôi có thêm phương pháp hướng dẫn con học ở nhà hiệu quả hơn, phù hợp với phương pháp giảng dạy trên lớp của cô. Thực tế có những phụ huynh ở nhà dạy con khác hẳn với phương pháp cô dạy nên cùng một bài toán nhưng con vừa làm theo cách mẹ dạy, vừa làm theo cách cô dạy.

Ví dụ như tôi luôn bắt con làm phép tính chia theo đúng trình tự các bước trong sách giáo khoa hướng dẫn nhưng ở lớp cô lại dạy các con làm tính nhẩm. Vì thế có lúc con nhớ lời cô, lúc nhớ lời mẹ, trong một phép chia lúc thì làm tính nhẩm, lúc lại viết theo đúng các bước….

Qua những nhận xét của cô giáo, tôi nhận ra rằng lâu nay việc mình cứ chăm chăm nhìn vào điểm số của con không có nhiều ý nghĩa. Ngay cả trong học kỳ 1 vừa qua, khi con có được 3 điểm 10 và một điểm 9 thì tôi cũng không quá vui mừng, hãnh diện khoe con học tốt. Vẫn còn rất nhiều nhược điểm con cần hoàn thiện để mỗi học kỳ qua đi con thực sự lớn khôn hơn.

  • Quyên Đỗ

XEM THÊM: