- Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình rèn chữ đẹp không cần thiết bằng những kỹ năng khác, vẫn còn những độc giả cho rằng rèn chữ là rèn tính kiên trì, cẩn thận ngay từ nhỏ, ngay cả khi lớn lên chữ các em có thể khác.


Ảnh minh họa

Họ tên: Phan Tú
Tiêu đề: Đừng học theo ai!


Theo các bạn thì văn hóa là gì? Đối với tôi, văn hóa không phải là các tập tục, hủ tục, lễ hội tốn kém. Nền văn hóa của một dân tộc đó là ngôn ngữ và chữ viết. Nếu một dân tộc còn ngôn ngữ và chữ viết thì dân tộc đó còn giữ được nền văn hóa của mình. "Nét chữ nết người" là câu nói rất hay và có phần nào đó trùng hợp. Giới trẻ ngày nay đã dùng ngôn ngữ quá tệ, nếu cứ tình trạng như thế này thì sớm muộn chữ viết của chúng ta sẽ bị phá hoại. Đừng quá ỉ lại hay lạm dụng vào công nghệ. Nước Mỹ đang đánh mất đi nền văn hóa của mình, và họ đang trên đà đi xuống về nhiều mặt. Nên đừng học theo ai, hãy là chính bạn, một người Việt Nam của thế giới.

Họ tên: Nguyễn Văn Ba
Tiêu đề: Không có cái đẹp nào bị xem thường


Chữ viết đẹp nói lên rất nhiều điều mà bất cứ ai cũng biết: sự kiên trì cẩn thận chăm chút tùng nét chữ, sự coi trọng người đọc, nhất là nói lên cái đẹp của tâm hồn, tính mỹ thuật. Một bức tranh đẹp xen vào vài chữ khó đọc, tối nghĩa thì không còn là nghệ thuật nữa, còn chữ thư pháp thì sao? Chúng ta có biết để viết được chữ thư pháp đẹp là khó hay không.

Họ tên: Khương Duy
Tiêu đề: Đừng chạy theo thời đại


Việc viết chữ đẹp không chỉ là thành tích mà là yêu cầu căn bản của người học trò. Nét chữ thể hiện tính kiên trì, chăm chỉ của người viết. Những câu chữ thẳng hàng, đẹp, rõ nét thể hiện sự trang trọng và tính cách cẩn thận của người viết đối với người đọc. Con người mốn làm được người tốt thì phải rèn luyện từng tí một. Nét chữ cũng vậy, là học trò phải viết vở sạch đẹp, rõ ràng. Đừng chạy theo thời đại mà bỏ mất đi tương lai.

Họ tên: Trịnh Vũ Hiệp
Tiêu đề: Rèn trước để cẩn thận sau


Thứ nhất về thời gian, việc rèn chữ chỉ dành cho HS tiểu học, lúc này các em chủ yếu học đọc và viết, và yêu cầu là cho các em đọc tốt, viết tốt. GS nói chỉ cần viết đủ nét, đủ dấu cho người khác đọc được. Vậy không rèn từ nhỏ thì lớn lên làm sao viết đủ nét, đủ dấu. Vả lại việc thi chữ đẹp chỉ dành cho một số em viết chữ cực đẹp chứ không phải là cho tất cả các học sinh. Đó là cuộc thi bổ ích chứ không phải tốn thời gian như GS nhận xét. Thứ 2 về vấn đề lỗi thời: Rèn chữ cho các em tức là rèn cả tính kiên trì, nhẫn nại, rèn tính phấn đấu trong học tập cho các em. Mà đức tính kiên trì thì ai cũng biết tầm quan trọng của nó rồi. Đồng ý là khi được thả ra người ta sẽ viết ngoáy, viết ẩu. Nhưng đó là khi người ta đã lớn, đã biết khi nào nên viết cẩn thận, khi nào có thể viết tắt. Còn bây giờ, khi các em còn nhỏ, việc rèn chữ cho các em vẫn là cần thiết.

Họ tên: Dũng Hướng
Tiêu đề: Chữ xấu làm mất thời gian người đọc


Ngay từ buổi học đầu tiên của cuộc đời, thầy cô đã dạy chúng ta cách cầm bút sao cho đúng, cách nén nót sao cho thành một nét chữ tròn trịa căn cứ vào ô ly trong tập vỡ. Những học trò nghịch ngợm, cẩu thả thường viết chữ nguệch ngoạc rất khó đọc. Khi nhận một văn bản viết tay, điều đầu tiên gây chú ý cho bạn không phải là nội dung mà là chữ viết. Khi viết cho người khác, đặt biệt là đơn từ mà chữ viết xấu hoặc có chữ gạch bỏ sẽ bị xem là không tôn trọng. Mỗi năm ta có hàng chục triệu học sinh phổ thông làm bài kiểm tra và thi cử, nếu chữ viết xấu chắc chắn sẽ làm mất rất nhiều thời gian cho người chấm bài.

Họ tên: Phạm Việt Bắc
Tiêu đề: Luyện chữ tạo thói quen cẩn trọng


Ngày còn ngồi trên lớp học, tôi cũng viết chữ rất xấu, bài viết kiểm tra văn nào cũng bị cô giáo dạy văn trừ 1 điểm vì chữ xấu. Sau đó, dù là dân chuyên Toán, tôi đã tự luyện cho chữ đẹp. Có 1 ưu điểm phát sinh khi viết chữ đẹp là người viết sẽ viết chậm lại và câu chữ sẽ cẩn thận hơn. Việc hằng ngày viết chữ đẹp với học sinh, sinh viên (bởi vì họ vẫn gắn với bút và vở thưa giáo sư) sẽ tạo thói quen suy nghĩ cẩn trọng. Có những thứ rất đơn giản nhưng sẽ tạo ra tính cách, cách hành xử.

Họ tên: Vân Hằng
Tiêu đề: Phải viết đúng chính tả


Với ý kiến cá nhân tôi thì tôi cho rằng nét chữ sẽ phản ánh một phần nết người, trong đó không hẳn chỉ ở vấn đề chữ xấu hay đẹp. Còn đối với việc rèn chữ cho trẻ thì chúng ta vẫn nên khuyến khích, có điều không nên o ép và đặt quá nặng vấn đề này với trẻ, tránh những áp lực không cần thiết. Có rất nhiều công ty khi tuyển dụng nhân sự vẫn yêu cầu một lá đơn viết tay, mục đích để làm gì thì có lẽ chúng ta đều hiểu. Tôi cũng đồng ý với nhiều độc giả cho rằng cần phải viết đúng chính tả, phải công nhận là có rất nhiều người mắc các lỗi chính tả đơn giản, trong đó cả những người có trình độ, học thức.

Họ tên: Hoàng
Tiêu đề: Chữ xấu gây khó chịu


Đồng ý là phải bỏ ngay cái kiểu thi phong trào, ép học để thi. Nhưng phản đối chuyện coi nhẹ việc yêu cầu các cháu cẩn thận trong từng nét chữ. Nó giúp trẻ con kiên nhẫn và bình tĩnh hơn. Viết chữ xấu cũng giống như việc gõ không dấu vậy, gây khó chịu cho người đọc và làm giảm khả năng truyền đạt của ngôn ngữ. Nói thật, tôi viết chữ cũng chả đẹp, nhưng dễ đọc, và cực kỳ không thích những người viết chữ xấu.

Họ tên: Nhung
Tiêu đề: Rèn chữ là rèn kỷ luật


Phản đối chuyện thi chữ đẹp theo phong trào lấy thành tích thì tôi đồng ý, còn nói không cần rèn chữ thì... vớ vẩn. Đi học mà không chăm lo nét chữ, quyển sách quyển vở thì còn làm gì nữa. Những cái đó ý nghĩa là rèn tính người, là cơ bản. Bạn nào nói đi làm cho nước ngoài thì chỉ cần hiệu quả, nhưng cũng cần kỷ luật nữa, cái đó thì phải được rèn luyện. Tóm lại là không nên phản đối học sinh rèn luyện chữ viết.

Họ tên: Lê Thanh Sơn
Tiêu đề: Rèn chữ là rèn tính kiên trì


Rèn cho các cháu chữ viết từ nhỏ là rèn cái đức tính kiên trì, chịu khó, chỉn chu cho cuộc sống sau này. Các cụ ngày xưa nhìn nét chữ có thể đoán được tính cách con người khá chính xác. Làm một giáo viên mà gặp những bài kiểm tra của các học trò với nét chữ xiêu vẹo, mắc nhiều lỗi chính ta, thậm chí phải vừa đọc vừa đoán thì chắc chẳng giáo viên nào vui. Việc các thầy cô yêu cầu vở sạch chữ đẹp là rất đúng. Còn việc tổ chức thi để phát động phong trào cũng là việc tốt để động viêc các cháu, nhưng chỉ nên tổ chức ở phạm vi hẹp, đừng làm lớn mà mất nhiều thời gian học của các cháu.

Họ tên: Bá Hào
Tiêu đề: Rèn chữ là rèn tính cẩn thận, sáng tạo


Thật sự tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả. Trong cuộc sống cần rất nhiều điều cần phải rèn luyện cho các em nhưng rèn chữ đẹp là một trong những điều cần phải dạy các em, vì rèn chữ không những làm chữ đẹp mà còn rèn luyện tính cẩn thận, sáng tạo (vì có chữ sáng tạo), kiên nhẫn.

Họ tên: Tạ Tình
Tiêu đề: Cần bồi bổ tâm hồn


Chữ viết đẹp đúng là không cần thiết bạn ạ, nhưng luyện viết chữ đẹp là luyện nhiều thứ, "nhẫn", "tĩnh", "kỹ"... chỉ là 1 cách rèn luyện con người thôi mà. Trong xã hội ngày nay, giá trị con người đã xuống cấp rất nhiều. Thiết nghĩ phải nhân rộng việc luyện mấy cái này để bồi bổ cho tâm hồn của con người chúng ta lúc này.

Họ tên: Tiên Dung
Tiêu đề: Còn xa lắm!


Có thể trong tương lai chúng ta sẽ sử dụng những phương tiện khác để thay thế, song còn xa lắm. Hãy về vùng sâu vùng xa, các tỉnh lẻ mà xem, bao giờ học sinh của những vùng này mới phổ cập được tin học và sử dụng máy tính như công cụ học tập thay cho viết chữ. Mặt khác rèn chữ không mất nhiều thời gian như GS nghĩ hoặc thấy đâu đó. Rèn chữ đủ để làm phương tiện giao tiếp, học tập chứ không phải rèn chữ để trở thành nhà thư pháp.

Họ tên: Đức Chung
Tiêu đề: Sao phải thay đổi cái tốt?


Tập viết chữ đẹp không đơn thuần là viết chữ mà còn là bài học đầu tiên về lòng kiên trì ý chí và sự tập trung của mỗi học sinh. Nó không bao giờ là lạc hậu và luôn nên tồn tại. Chẳng có gì luyện ý chí cho trẻ nhỏ tốt như luyện chữ. Đã bao thế hệ đi qua lớn lên như vậy sao phải thay đổi cái tốt chứ!

Họ tên: Hà
Tiêu đề: Giáo viên viết chữ không đọc được thì sao?


Có câu: " Nét chữ nết người", mà người xưa nói có bao giờ sai ... Muốn có chữ viết đẹp, phải chăm chỉ luyện rèn, nói có hoa tay chỉ là yếu tố phụ, vì có hoa tay mà lười, viết chữ vẫn xấu. Câu này càng chẳng liên quan gì đến thiên tài hay người thành đạt. Rèn chữ đẹp, không phải đứa trẻ nào cũng làm được, nếu nó không chăm chỉ, không có người dạy chữ đẹp đúng nghĩa. Nhìn chữ viết, có thể đoán biết một vài tính cách của con người đó, chứ không phải đánh giá được mức độ thành công của họ. Bạn nên biết rằng, nếu đọc một bài văn hay, hay viết một lá đơn đúng ...( nhất là khi đi xin việc, nhiều nơi bắt buộc đơn phải viết tay ) cảm giác của người ta thế nào, nếu nó được viết cẩu thả, chữ xấu ( xin lỗi ... như chữ bác sĩ? ). Cuộc sống ngày càng đi lên, có thể viết chữ đẹp bị đặt xuống hàng thứ yếu. Bạn là doanh nhân thành đạt hay thiên tài, người ta có thể không quan tâm lắm đến nét chữ của bạn, nhưng nếu bạn chỉ là một nhân viên kế toán, hay là thầy dạy học ... chữ và số viết không đọc được ... thì sao nào? Hoặc sinh giỏi đi thi văn, nhất định bài biết phải được trình bày đẹp, sạch sẽ mới mong có điểm tuyệt đối.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)