- GS Vũ Hà Văn - giáo sư ĐH Yale (Mỹ) - cho biết ông “ủng hộ phương án để các trường tự bổ nhiệm giáo sư. Việc này nên bắt đầu từ những trường uy tín”.

Việt Nam cũng giống với nước ngoài

Chia sẻ với VietNamNet, GS Vũ Hà Văn cho biết các nước phát triển có hai cách bổ nhiệm giáo sư. Cách thứ nhất là qua Hội đồng Nhà nước, như một số nước châu Âu, đặc biệt các nước Đông Âu cũ. Cách thứ hai là qua các Hội đồng trường, trường nào phong giáo sư trường đó, như đang làm tại Mỹ.

“Dù là hai cách khác nhau nhưng về thủ tục tương đối giống nhau. Người được đề cử trước hết phải được duyệt bởi một Hội đồng chuyên môn, hay nếu như ở trường đại học thì đó là hội đồng của khoa. Sau khi được hội đồng này duyệt rồi mới đưa lên hội đồng cao hơn, như Hội đồng Nhà nước hay Hội đồng trường”.

{keywords}
  GS Vũ Hà Văn

“Về mặt thủ tục, việc công nhận giáo sư của Việt Nam hiện nay không khác nước ngoài, tức là phải qua nhiều hội đồng. Cái khác là trong các cuộc họp hội đồng đó ta đọc và thảo luận gì” – ông Văn phân tích.

Theo ông Văn, với các trường hợp xét lên giáo sư, ứng viên phải có khoảng 10 lá thư của các giáo sư đầu ngành (tại các trường khác). Các thư này thường thảo luận sâu về ít nhất 2 - 3 công trình tiêu biểu của ứng viên, và là tài liệu mấu chốt nhất trong việc xét duyệt. Công trình của ứng viên nếu chỉ in ra cho đủ số, dù có trên tạp chí quốc tế, mà không có tiếng vang thì không có ý nghĩa gì lắm.

"Phương pháp này được dùng chẳng phải riêng ở Mỹ, mà rất phổ biến trên thế giới. Trường thứ hạng càng cao, sự lựa chọn những người viết thư càng  khe khắt, bởi họ đem uy tín ra đảm bảo cho trình độ của người đang được xét. Thỉnh thoảng có một số trường ở châu Á cũng nhờ tôi viết những bức thư như vậy” – ông Văn cho biết. 

Điểm khác biệt duy nhất

GS Vũ Hà Văn cho rằng, ở Việt Nam hiện nay việc phong danh hiệu Giáo sư được coi như một cách tôn vinh, tương tự như danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân.

“Có chỗ trái khoáy là khá đông người mang danh hiệu giáo sư không làm trong các trường đaị học hay viện nghiên cứu, thậm chí không nghiên cứu nữa. Thành ra ở Việt Nam có thói quen chỉ giới thiệu ai đó là giáo sư, chứ ít khi nói là giáo sư ở đâu. Đây là điều rất khác với quốc tế”.

Ông Văn hài hước “Không đâu từ "giáo sư" xuất hiện với tuần suất cao trên các báo như ở nước ta, nhưng đáng tiếc là đa số thông tin lại không liên quan đến học thuật”.

Sẽ chẳng ai thiệt thòi nếu có nhiều giáo sư

“Về lâu về dài, tôi ủng hộ phương án để các trường tự bổ nhiệm giáo sư” – ông Văn khẳng định, và cho rằng “Đẳng cấp của giáo sư đối với xã hội sẽ gián tiếp được khẳng định qua vị thế của trường họ công tác và quy trình phong cấp của họ. Còn đối với đồng nghiệp, họ chỉ có thể khẳng định đẳng cấp qua công trình”.

“Việc bổ nhiệm giáo sư từ trường nên bắt đầu từ những trường tốt, uy tín nhất, và đặt một thể lệ chung minh bạch chất lượng cho việc phong hàm. Tiêu chuẩn trường đại học đưa ra để bổ nhiệm giáo sư cần được kiểm nghiệm để tránh tình trạng bộ tiêu chuẩn chỉ là vỏ bọc” – ông Văn đề xuất.

Với câu hỏi “Có nên lo rằng nếu trường nào cũng phong giáo sư thì danh hiệu đó sẽ mất giá trị?”, ông Văn đưa quan điểm “Giáo sư là tên gọi của một nghề, dành cho những người chuyên nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, cũng như cầu thủ là tên gọi cho nhưng người đá bóng chuyên nghiệp. Trình độ các giáo sư có thể rất khác nhau, cũng tương tự sự khác nhau giữa các cầu thủ Barcelona và đội Vientiane. Nhìn chung, giáo sư tại các trường lớn sẽ có chất lượng cao hơn. Và đó là điều khó tránh, vì các trường này có tài lực để cạnh tranh giành những người có chuyên môn tốt nhất”.

“Tôi không nghĩ sẽ có người cảm thấy thiệt thòi vì sẽ có quá nhiều người được gọi là giáo sư. Cũng như các cầu thủ Barcelona chắc không cảm thấy quá thiệt thòi khi biết rằng các cầu thủ Vientiane cũng đá bóng”.

Lê Huyền (ghi)