- Thực trạng giáo dục sờ sờ trước mắt nhìn thấy nhức cả mắt: Sao lại đến nỗi này? Rồi sẽ ra sao?

Giới có chữ bàn nhau: Hay là triết lý giáo dục có vấn đề? Nghe lỏm câu chuyện bác học ấy, có người vội vàng lục sách vở chép ra những câu nói rời rạc có vẻ triết lý thành quyển sách, dám gọi đích danh là Triết lý giáo dục.

{keywords}
GS Hồ Ngọc Đại trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Thì có gì lạ! Kẻ có chữ vẫn chỉ biết độc một chiêu khoe chữ, dùng chữ nghĩa chống lại chữ nghĩa, ăn thua nhau trên sàn đấu chữ nghĩa sách vở.

Cuộc sống hồn nhiên hơn, chân thực hơn, đặt ra câu hỏi dân dã hơn: Sức mạnh vật chất nào sinh ra và nuôi sống một nền giáo dục?

Marx đánh giá thực trạng lịch sử một cách rõ ràng, cân đo đong đếm được, bằng sức mạnh vật chất của nền sản xuất vật chất, ông gọi là phương thức sản xuất, tên nôm là cung cách làm ăn.

Mỗi cung cách làm ăn có nguyên lý của nó.

Mỗi nguyên lý cử một đại diện, có thể gọi đích danh:

Cày chìa vôi – Nền sản xuất tiểu nông.

Máy hơi nước – Nền sản xuất đại công nghiệp.

Máy tính – Nền sản xuất hiện đại.

Nền sản xuất nào cũng có đứa em ruột cùng cha cùng mẹ là nền giáo dục.

Nền sản xuất tiểu nông – Nền giáo dục Bút lông.

Nền sản xuất đại công nghiệp – Nền giáo dục Bút sắt.

Nền sản xuất hiện đại – Nền giáo dục Máy tính.

Ngày nay, bằng mắt trần, ai cũng thấy nền giáo dục bút sắt đã thắng nền giáo dục bút lông. Thế nhưng kẻ chịu thua giữa thanh thiên bạch nhật thì rút về ẩn nấp sâu trong đầu óc và chuyên xúi bẩy làm những việc chẳng ra sao.

Chương trình năm 2000 hiện hành vừa là kẻ chủ mưu, vừa là kẻ hành sự tạo ra thực trạng giáo dục hiện nay. Có thể biết được nước cả đại dương qua một giọt nước biển, thì chương trình năm 2000 kết thành “đổi mới” từ o / c / co sang e / b / be.

Hoàng Xuân Hãn, người đầu tiên đưa ra giải pháp bất ngờ về cả học thuật lẫn thực tiễn, dành cho người lớn học Bình dân học vụ: i / t / ti và gọi tên chữ theo âm:

i tờ có móc cả hai,

i ngắn có chấm, tờ dài có ngang.

Cuộc cải cách giáo dục năm 1980 từ bỏ giải pháp Hoàng Xuân Hãn, sáng tạo ra o / c / co, kèm theo cách đánh vần kì quặc: cam → a – m – am / c – am – cam. Thế là học sinh viết amc. Năm đầu tiên triển khai, có hơn 600.000 học sinh (năm chữ số không) lưu ban lớp Một.

Chương trình năm 2000 từ bỏ o / c / co, sáng tạo ra e / b / be. Ngày nay, 2013, có nơi, buổi sáng học lớp Sáu, buổi chiều em học lại lớp Một, vì chưa biết đọc, chưa biết viết.

Chương trình sau năm 2015 nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trị giá 70.000.000.000.000 đồng (13 chữ số không), nếu giao cho tư duy kiểu ấy, với nghiệp vụ sư phạm cỡ ấy, thì tôi đánh cuộc, họ sẽ từ bỏ e / b / be và sáng tạo ra cái mới: ô / l / lô. Khác sao được, họ vẫn tư duy theo nếp cũ, lại cũng tập thể tác giả ấy, lại cũng Hội đồng thẩm định ấy, lại cũng bên A, bên B ấy, các phản biện rồi sẽ nhất trí thông qua, rồi cũng ký vào Biên bản nghiệm thu, rồi cũng ký vào giấy nhận tiền và ngay lập tức triển khai đại trà đồng loạt cho cả nước.

Nền giáo dục được nuôi sống một cách vật chất, lớn lên bằng năng lượng vật chất: vạm vỡ, còi cọc, lành mạnh, bệnh hoạn... đều có nguyên nhân vật chất.

Nền giáo dục là một sinh thể như mọi sinh thể khác, như thực vật, như động vật... dù có nói thành lời hay không, tất cả cùng chung một triết lý: Gì thì gì, trước hết phải sống đã! Sống rồi thì mong sao sống tốt hơn.

Đổi mới nền giáo dục thì cần một sức mạnh vật chất lớn hơn hiện có, lấy đâu ra? Tôi đi tìm câu trả lời theo hướng Marx đã đi.

Marx ra chợ, tận mắt xem người đời sinh sống thế nào. Người ta mang hàng (H) ra chợ bán – lấy tiền (T) – đem tiền mua hàng (H) đáp ứng nhu cầu sống của mình. Về nhà, Marx diễn đạt bằng công thức: H – T – H.

Marx tiếp tục nghiên cứu, lại ra chợ, lần này ông theo dõi nhà tư bản mua bán. Anh ta mang tiền (T) ra chợ - mua hàng (H) – đem về tiêu dùng, làm ra hàng đem bán lấy tiền (T’). Cả hai lần mua / bán đều theo nguyên tắc ngang giá, thế mà T’ > T. Vì sao?

Phân tích sự kiện này, Marx biết được cung cách làm ăn của nhà tư bản. Anh ta đánh tráo thứ tự trong công thức cổ truyền H – T – H thành công thức mới T – H – T’. Sau mỗi chu kỳ, nhà tư bản đều nhận ra T’ > T: T’ = T + ∆t.

Công thức này chứa bí mật của chủ nghĩa tư bản: T (trong T + ∆t) là tiền túi của nhà tư bản. Anh ta phát hiện ra bí mật chứa trong thứ hàng hoá đặc biệt (H), nó như một thứ men ủ lên T làm cho nó phình ra thành T’. Từ đó, Marx rút ra hai kết luận kinh ngạc:

Một. Tiền túi của nhà tư bản (T) không phải là của bắt được, mà là của làm ra trước đó: T là sức lao động quá khứ. Do đó, T không có năng lực sinh sản, mà chỉ có thể chuyển nguyên vẹn, một cách cơ học, sang T’.

Hai. ∆t (trong T + ∆t) thì chỉ do một mình H làm ra: Chỉ có sức lao động sống mới làm ra lợi nhuận (∆t, giá trị thặng dư).

Đưa vào giáo dục, tôi viết thành mệnh đề này: Sức lao động sống là năng lượng vật chất để nuôi sống và nuôi lớn nền giáo dục, là xác và hồn của nền giáo dục.

Xin hãy bắt đầu từ câu hỏi: Trong lịch sử hiện thực, lao động – sức lao động có từ bao giờ, sinh ra và lớn lên như thế nào?

Thuở nguyên sơ mông muội, hái lượm của có sẵn giữa trời đất thì động vật cũng làm được. Lịch sử chưa có khái niệm lao động, do đó, chưa có khái niệm sức lao động.

Lao động – Sức lao động là cặp khái niệm do loài người sáng tạo ra trong quá trình phát triển thành người: Người tự sinh ra mình bằng lao động. Hegel và Marx đều nói như vậy.

Lao động – Sức lao động không có sẵn, mà được sinh thành từ khi loài người biết chế tạo công cụ để lao động, ví dụ, lấy một mảnh đá sắc cạnh chặt một cành cây làm gậy khều quả trên cao (con khỉ chỉ biết nhặt một cành cây có sẵn làm gậy khều).

Sức lao động sống là một thực thể sống, sinh ra từ cuộc sống và phục vụ cho cuộc sống. Tạo ra sức lao động sống, do đó, là sứ mệnh của giáo dục. Nói lặp lại, sự sống, sức sống và lẽ sống của một nền giáo dục là vì sức lao động sống (chứ không phải vì một năng lực mơ hồ nào khác).

Ở điểm xuất phát lịch sử, sức lao động sống còn là một thể đồng nhất trừu tượng. Rời khỏi điểm xuất phát, đi theo hướng ngày càng cụ thể hơn, đến độ nào đó thì phân hoá thành sức lao động chân tay / sức lao động trí óc.

Sức lao động chân tay gắn với các công cụ thủ công, dùng cơ bắp và kinh nghiệm. Sức lao động chân tay là sản phẩm mầy mò, tự nhiên tự phát, nảy sinh và hình thành từ trong lòng cuộc sống hằng ngày, ở gia đình, thôn xóm, trên cánh đồng.

Sức lao động trí óc thì không có sẵn trong cuộc sống thường ngày, nhưng vẫn là con đẻ rứt ruột của cuộc sống thực. Cứ lầm lũi sống, rồi cũng đến lúc, nó không thể sống mãi với kinh nghiệm hằng ngày, mà tách ra sống theo bản lĩnh của chính mình.

Nhận ra sức lao động trí óc đang trở thành “anh hùng thời đại”, ngày càng trở thành nhu cầu sống của một số dân cư, bộ óc vĩ đại nhất lúc đó đã khôn ngoan đáp ứng nhu cầu ấy bằng cách mở trường, chủ động tạo ra sức lao động trí óc (chứ không phải một năng lực mơ hồ ú ớ nào khác).

Thầy Khổng Tử là người đầu tiên mở trường tư. Thầy cũng là người đầu tiên sống bằng nghề dạy học. Thầy thu học phí ngang giá với sức lao động trí óc mà Trò đem về dùng làm quan. Chỉ cần 5% dân cư làm quan là đủ. Số còn lại, 95% không đi học vẫn sống bình thường.

Sức lao động trí óc từng tạo ra sức mạnh vật chất đủ sức thay các đẳng cấp xã hội, cha truyền con nối ngàn đời, bằng các đẳng cấp sức lao động do mỗi cá nhân tự tạo ra trong đời, cho chính mình. Hoàn cảnh ấy buộc mỗi cá nhân phải tự sinh ra chính mình, tự trở thành chính mình. Lịch sử có thêm phạm trù cá nhân.

Ngày nay, sức lao động trí óc và phạm trù cá nhân đã chi phối nền sản xuất hiện đại và đời sống bình thường của tất cả 100% dân cư hiện đại, buộc tất cả 100% dân cư phải đi học. Vì vậy, sứ mệnh của giáo dục hiện đại là phải cấp cho từng cá nhân sức lao động trí óc hiện đại, trên tất cả các nấc thang sức lao động hiện đại.

Sức lao động hiện đại, dù ở bất cứ nấc thang nào của các đẳng cấp sức lao động, cũng đều thuộc phạm trù sức lao động trí óc. Vậy nên, nền giáo dục hiện đại có sứ mệnh cấp cho các cá nhân hiện đại sức lao động trí óc, để mỗi cá nhân có thể sống bình thường trong xã hội hiện đại. Xin lưu ý: sức lao động trí óc, chứ không phải một năng lực mơ hồ nào khác.

  • GS Hồ Ngọc Đại