- TS Lương Hoài Nam vừa gửi văn bản đến Bộ GD-ĐT góp ý cho dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. Trong đó, ông đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức nhiều hội thảo mở để nhiều chuyên gia trong ngành, các nhân sĩ, người dân quan tâm đến giáo dục Việt Nam có điều kiện trao đổi, thảo luận... Dưới đây là những góp ý của ông.

Giải quyết 3 nhược điểm của con người

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của lần đổi mới giáo dục này là giải quyết những yếu kém, nhược điểm của "con người Việt Nam điển hình" đã và đang cản trở khả năng phát triển của mỗi cá nhân và đất nước, để hình thành những thế hệ công dân Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trình độ vượt bậc, có cơ hội phát triển và cuộc sống tốt hơn.

{keywords}
TS Lương Hoài Nam

Cụ thể, Chương trình giáo dục mới, ngoài các mục tiêu Bộ GD-ĐT đã đặt ra, là để giải quyết những yếu kém, nhược điểm của “Con người Việt Nam điển hình” sau đây:

Một là: Hiểu biết luật pháp quốc gia và quốc tế hạn chế; sống và làm việc cảm tính, duy tình hơn duy lý, dễ dãi, xuề xoà, tính kỷ luật thấp, làm cho việc xây dựng xã hội văn minh và pháp quyền khó khăn. Đây là những tàn dư văn hóa phong kiến nặng nề, thậm chí còn nặng nề hơn cả ở Trung Quốc là cái nôi của chủ nghĩa phong kiến trong khu vực.

Hai là: Khả năng sáng tạo công nghệ và làm công nghiệp kém. Rất nhiều chương trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa để biến Việt Nam thành một nước công nghiệp, có nền sáng tạo công nghệ và sản xuất công nghiệp đã bị thất bại. Thị trường Việt Nam tràn ngập các sản phẩm công nghệ và hàng hóa công nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nước ngoài, mang thương hiệu ngoại. Trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, Việt Nam chủ yếu tham gia ở các công đoạn có giá trị gia tăng rất thấp là gia công, lắp ráp từ vật liệu, linh kiện ngoại nhập, theo thiết kế và thương hiệu ngoại...

Ba là: Ngoại ngữ (tiếng Anh) kém. Mặc dù tiếng Anh được dạy trong suốt nhiều năm phổ thông và đại học, được học sinh học thêm tại nhà và ở các trung tâm ngoại ngữ, nhưng trên thực tế, mặt bằng trình độ tiếng Anh của người Việt Nam vẫn rất thấp so với khu vực. Trong thế giới phẳng ngày nay, đây là một yếu điểm rất lớn. Nhiều học sinh, sinh viên và lực lượng lao động trẻ nước ta không có khả năng tự tìm kiếm và tự học kiến thức mới (phổ biến từ các nguồn bằng tiếng Anh), khó khăn trong giao tiếp với người nước ngoài và do vậy thiếu tự tin, khó khăn trong tìm kiếm công ăn, việc làm ở trong và ngoài nước, làm gia tăng áp lực thất nghiệp và các tệ nạn xã hội. Hơn 150.000 cử nhân đang thất nghiệp, nhưng số thanh niên bươn chải ra nước ngoài tìm công ăn việc làm rất ít, một trong những nguyên nhân là do trình độ tiếng Anh thấp.

Chưa tương thích với các nước có nền giáo dục tiên tiến

Thiếu tham chiếu và chưa ứng dụng "Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục’" của UNESCO ("International Standard Classification of Education - ISCED"), làm cho Chương trình giáo dục phổ thông (dự thảo) chưa tương thích cao với các hệ thống giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Tài liệu của Bộ GD-ĐT cho biết, trong quá trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT đã “tham khảo và học tập chương trình và sách giáo khoa của nhiều nước tiêu biểu cho các khu vực khác nhau (Đông Nam Á, châu Á, châu Âu và châu Mỹ, châu Úc; cử các đoàn cán bộ sang một số nước học tập và thông qua các tổ chức quốc tế mời các chuyên gia giáo dục của các nước (Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Đức, Hồng Công…) sang Việt Nam tập huấn về xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa.” Tuy nhiên, trong bộ tài liệu về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự thảo) của Bộ GD-ĐT, tôi không tìm thấy bất kỳ tham chiếu nào đến “Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục” (ISCED, các phiên bản năm 1997 và 2011) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO). Qua nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự thảo), tôi chưa thấy các nội dung của ISCED được ứng dụng vào Chương trình này.

Cá nhân tôi cho rằng đây là một khiếm khuyết lớn. Qua nghiên cứu ISCED và một số nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Phần Lan, Singapore…, tôi cho rằng ISCED là một bộ tài liệu hướng dẫn, một “bộ khung” vô cùng quan trọng cho việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc gia (hoặc đổi mới từ hệ thống giáo dục hiện tại). ISCED nêu rõ kết cấu các bậc học (6 bậc học theo ISCED 1997, 8 bậc học theo ISCED 2011), các tiêu chuẩn đầu vào, các mục tiêu đầu ra của mỗi bậc học, cách phân luồng học sinh trong các bậc học để học sinh phát huy tối đa các tố chất, năng khiếu, nhu cầu hướng nghiệp của cá nhân. Thực tế là hệ thống giáo dục của nhiều nước tiên tiến tương thích rất cao với ISCED (cũng có thể ISCED được xây dựng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của các nền giáo dục tiên tiến).

Đồng thời, việc đánh giá, xếp hạng giáo dục của các quốc gia cũng tham chiếu và dựa trên ISCED. Báo cáo giáo dục năm 2014 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) được lập dựa trên ISCED 1997; bắt đầu từ năm nay, báo cáo giáo dục của OECD sẽ dựa trên ISCED 2011. Điều đó cho thấy mức độ ứng dụng phổ biến của ISCED ở các nước thành viên OECD. Họ cố gắng làm cho hệ thống giáo dục của quốc gia mình tương thích cao với ISCED và cố gắng đạt chất lượng cao theo các tiêu chí đánh giá, xếp hạng dựa trên ISCED.

Nếu Bộ GD-ĐT không lấy ISCED làm xuất phát điểm quan trọng cho việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mà lại nghiên cứu ngay vào các hệ thống giáo dục của các nước cụ thể, tôi e rằng với cách làm đó rất khó có thể tạo ra được một hệ thống giáo dục khoa học, với các liên kết nội dung chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Nó chứa đựng nhiều nguy cơ “chắp vá” hệ thống như đã xảy ra trong các lần đổi mới giáo dục trước.

Phân luồng còn mờ nhạt

Kết cấu, mô hình hệ thống giáo dục thiếu rõ ràng; yếu tố phân luồng, phương pháp phân luồng giáo dục còn mờ nhạt.

Theo tôi, đây là hệ quả trực tiếp của việc không áp dựng ISCED khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Khi đọc tài liệu của Bộ GD-ĐT, mặc dù theo dự thảo thì tôi biết ở lớp nào học sinh sẽ học những môn gì, bao nhiêu tiết, nhưng tôi không vẽ ra được sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục theo Chương trình mới (ở dạng mà tôi có thể dễ dàng tìm được với các nền giáo dục tiên tiến). Đồng thời, tôi không tìm thấy chủ trương, phương pháp phân luồng giáo dục ngay từ cấp Trung học cơ sở theo khuyến cáo của ISCED và được áp dụng tại rất nhiều nước (theo 02 hướng Lý thuyết/Hàn lâm và Kỹ thuật/Ứng dụng).

Phân luồng giáo dục ngay từ cấp THCS (ISCED 2) là một nội dung quan trọng, có thể coi là lớn nhất, mà tôi cho rằng cần phải thực hiện trong lần đổi mới giáo dục này (nếu không thì kết quả của việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông sẽ rất hạn chế).

Tôi xin mạnh dạn đề xuất sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục tương thích với ISCED 2011 như sau (xem hình). Các nội dung và cơ sở chủ yếu cho đề xuất của tôi bao gồm:

{keywords}

Cấp Tiểu học có độ dài 6 năm (tăng 1 năm so với dự thảo Chương trình của Bộ GD-ĐT). Các lý do:

- Khi phân luồng giáo dục ngay từ đầu cấp THCS, nên thêm 1 năm Tiểu học để học sinh trưởng thành hơn về trí tuệ và thể lực; các tố chất, năng khiếu cá nhân cũng được bộc lộ rõ ràng hơn, sẵn sàng hơn cho việc chọn luồng. 

- Rất nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới có độ dài tiểu học 6 năm: Anh, Mỹ, Úc, Đức, Phần Lan, Singapore...

Cấp THCS có độ dài 3 năm (giảm 1 năm so với độ dài dự thảo chương trình của Bộ GD-ĐT), chia ra hai luồng: Lý thuyết/ Hàn lâm và Kỹ thuật/ Ứng dụng. Giữa hai luồng này có sự liên thông (có bước kiểm tra, đánh giá) để học sinh có thể chuyển từ luồng này sang luồng khác do nhu cầu, nguyện vọng cá nhân trong quá trình học.

Cấp THPT có độ dài 3 năm (như dự thảo chương trình của Bộ GD-ĐT) chia làm 3 luồng: Lý thuyết/ Hàn lâm và Kỹ thuật/ Ứng dụng và Học nghề (dành cho những học sinh không đạt điều kiện hoặc không có nhu cầu học lên tiếp).

Bổ sung cấp dự bị ĐH (ở các nước khác gọi là A-Level School, Junior College...) tương thích với ISCED 5 với độ dài 2 năm. Đổi mới chương trình giáo dục ĐH (ISCED 6), trong đó giảm thời gian các môn học đại cương mà học sinh đã học ở Dự bị ĐH. Thời gian học ĐH còn 3-4 năm (tùy trường, ngành học).

Sau khi học sinh kết thúc THPT, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và căn cứ vào kết quả của kỳ thi này để phân luồng học sinh vào các trường Dự bị ĐH, CĐ số học sinh không đủ điều kiện vào các trường này sẽ quay lại học trung cấp, hoặc ra thẳng thị trường lao động.

Sau khi học sinh học 2 năm Dự bị ĐH, tổ chức kỳ thi đại học để chọn học sinh đạt tiêu chuẩn vào các trường đại học. Các học sinh không đạt điều kiện sẽ chuyển sang các luồng khác (hoặc ra thẳng thị trường lao động với các cơ hội tuyển dụng hạn chế; phần lớn số học sinh này sẽ học thêm một chương trình đào tạo bổ sung)....

Chương trình giáo dục phổ thông còn nặng

Cách tiếp cận đối với các môn học bắt buộc và tự chọn chưa hợp lý. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông quy định các môn học bắt buộc như sau:

Các lớp 1, 2, 3: 5 môn (Tiếng Việt, Toán, Giáo dục lối sống, Thể dục, Cuộc sống quanh ta).

Các lớp 4, 5: 7 môn (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Thể dục, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên).

THCS: 8 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Thể dục, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên).

THPT: 4 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Công dân với Tổ quốc).

Tôi xin trình bày một số nhận xét và kiến nghị như sau:

Chương trình quy định các môn học bắt buộc ở các cấp, nhưng lại không nêu rõ ở mỗi cấp học sinh phải chọn thêm (tối thiểu) bao nhiêu môn và chỉ được chọn thêm (tối đa) bao nhiêu môn (để không bị quá tải, gây phân tán học lực)?

Số lượng các môn học bắt buộc quá nhiều so với các hệ thống giáo dục tiên tiến. Ở các cấp Trung học của Anh, Mỹ, Đức…, tổng số các môn học của học sinh chỉ 6-8 môn, trong đó khoảng một nửa là các môn bắt buộc, một nửa là các môn tự chọn. Ví dụ, tại Singapore, ở cấp Trung học cơ sở theo luồng Lý thuyết/Hàn lâm, học sinh học 6-8 môn, với 3 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh, Tiếng mẹ đẻ; theo luồng Kỹ thuật/Ứng dụng, học sinh học 5-7 môn, với 4 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh, Tiếng mẹ đẻ, Tin học (nguồn: website Bộ Giáo dục Singapore, www.moe.gov.sg). Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy: các môn học mang tính hướng nghiệp của học sinh Singapore không nằm trong số các môn học bắt buộc.

Cách tiếp cận đối với các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn, theo tôi, nên như sau: cơ quan quản lý xác định các môn học tối thiểu học sinh cần phải học khi chọn đi theo một luồng giáo dục cụ thể (để hình thành con người toàn diện, cho dù học sinh có năng khiếu, thế mạnh về các môn học đó hay không), còn học sinh tự chọn thêm cho mình các môn học mà học sinh có năng khiếu, thế mạnh, có nhu cầu theo đuổi mang tính hướng nghiệp.

Mặt khác, trong việc xác định các môn học bắt buộc dự thảo đưa ra, cơ quan quản lý đang giành quyền quyết định học sinh phải học tốt những môn gì cho tương lai của học sinh, thay vì để việc chọn đó cho học sinh và phụ huynh làm (như ở Singapore và các nước khác). Nếu như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục một nền giáo dục áp đặt thay vì tạo điều kiện cho học sinh phát huy các sở trưởng của mình và tập trung học tốt, học sâu những môn học mà học sinh có năng khiếu, thế mạnh, cần cho công việc tương lai.

Khi bắt học sinh phải học quá nhiều môn học, chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra những thế hệ người Việt Nam “cái gì cũng biết, nhưng không biết sâu cái gì cả”. Nhà trường không thể dạy cho học sinh biết tốt tất cả mọi thứ. Nhà trường chỉ nên tập trung dạy cho mỗi học sinh biết thật tốt một số thứ, đồng thời dạy cho học sinh phương pháp tự học để học sinh có thể học những thứ khác không nằm trong chương trình học. Theo tôi, các môn học bắt buộc ở hai cấp Trung học không nên quá 5 môn, tổng số môn học Trung học không quá 8 môn, để dạy và học thật sâu.

  • Nguyễn Hiền (ghi)

Xem thêm: