-Tỉ lệ tốt nghiệp ở hầu hết các tỉnh đã công bố năm nay lại làm nhức lòng những ai quan tâm đến giáo dục. Đây có phải là kết quả thực chất, phản ánh đúng nỗ lực trong việc dạy và học ở bậc THPT hay chỉ là những con số "làm hàng", màu mè của giáo dục?

Thí sinh vui mừng sau buổi thi tốt nghiệp. Ảnh: Minh Thái

Những kết quả gây nên cơn chóng mặt

Hết ngày 18/6, tất cả các tỉnh đã công bố tỷ lệ thi tốt nghiệp và từng "con số đẹp" tiếp tục gây sốt.

Trái ngược hẳn với năm 2009, 2010, tỷ lệ tốt nghiệp còn "khập khà khập khiễng" giữa các tỉnh và vùng miền trong cả nước, năm nay, cả hai hệ THPT và hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) đều có tỷ lệ tốt nghiệp tương đối đều tăm tắp.

Thậm chí, hệ THPT còn bằng nhau chằn chặn, thỉnh thoảng mới có tỉnh đỗ dưới 90%. Nhưng tỷ lệ cũng bám sát ở mức 85%, 87%, 88%...

Vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng lâu nay vẫn được coi là có điều kiện giáo dục còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cũng không chịu thua kém thủ đô, thành phố lớn trong tỷ lệ đỗ tốt nghiệp. Bứt phá nhất trong hai năm gần đây là Sơn La, từ 39,07% năm 2009 "nhảy vọt" lên đến 91,43% năm 2010 và đến năm nay, phong độ vẫn ổn định với 97%.

Điển hình là Bắc Cạn, năm ngoái đứng gần cuối bảng xếp hạng vì tỷ lệ 70% thì năm nay đã tiến lên 88,7%, Điện Biên từ 71% đã vượt lên đến 95,6%, Bến Tre từ 72,29% tăng lên 84,13%...

Gây nhiều bất ngờ nhất là hệ GDTX. Có thể nói, năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của hệ GDTX "tăng vù vù" khiến cho nhiều người choáng váng.

Những tỉnh có "bước tiến dài" nhất ở hệ này phải kể đến là: Điện Biên tăng tới 66%,  Sóc Trăng tăng 52,27%, Sơn La tiếp tục "đại nhảy vọt" khi năm 2009, tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX thấp kỷ lục với 6,58%, năm 2010 đã 'bay vèo' lên 75.33% và năm 2011, con số còn đẹp hơn: 98%...

Năm nay, hiếm có tỉnh nào để mức tốt nghiệp hệ GDTX dưới 50%. Trong khi đó, năm 2011, con số những tỉnh còn "đội sổ" vì tốt nghiệp hệ GDTX dưới 30% là 13 tỉnh. Vì thế, hệ GDTX năm nay phổ biến tăng từ 5-40%.

Các tỉnh được mệnh danh là điều kiện học tập tốt thì tỷ lệ đương nhiên cũng cao chót vót từ 99% trở lên như Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa,...


Thí sinh Vĩnh Long xem lại bài sau buổi thi Toán. Ảnh: Minh Thái

Dư luận không ngớt bất an

Trên khắp các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong,... đại diện nhiều sở giáo dục lên tiếng giải thích vì sao tỷ lệ GDTX tăng chóng mặt.

Người cho rằng vì tỉnh mình đầu tư ôn luyện tốt, người cho rằng yếu tố điểm cộng của chứng chỉ nghề và chứng chỉ ngoại ngữ đã hỗ trợ cho tỷ lệ đỗ tăng cao, có người cũng vin vào lý do đề năm nay được đánh giá là dễ hơn so với năm ngoái...

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Tứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng củng cố niềm tin vào kết quả này trên báo Giáo dục và Thời đại: "Bộ GD-ĐT không lấy mức độ khó hay dễ đối với học sinh làm tiêu chuẩn của đề thi mà nội dung của đề thi phải căn cứ vào yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng và mục tiêu đào tạo. Nếu các em học sinh có nhiều cố gắng trong học tập, đạt được kết quả tốt thì sẽ cảm thấy đề thi dễ và ngược lại nếu kết quả học tập thấp thì sẽ thấy đề thi khó. Bộ không có chủ trương giảm độ khó của đề thi."

Tuy nhiên, chỉ sau một năm, hai năm mà tỷ lệ đã thay đổi đến mức tăng gấp đôi hay gần cán đích 100% thì thật đáng kinh ngạc. Nếu những tỷ lệ này là thực, các tỉnh "đại nhảy vọt" xứng đáng để các tỉnh đang còn dừng ở khoảng 50% đến học hỏi kinh nghiệm giảng dạy và thi cử.

Nhiều người vẫn dành sự ghi nhận cho sự nỗ lực của các thầy cô trong giảng dạy những năm qua. Nhưng những con số đột biến khiến họ không thể tin nổi có một sự nỗ lực phi thường đến thế. Vì chóng mặt với sự thay đổi của những con số, không ít nhà quản lý giáo dục không vui và mối quan ngại về những con số tỷ lệ phình to một cách bất ngờ như thế vẫn cứ nổi cộm lên trong suy nghĩ của xã hội.

Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp nêu ý kiến trên báo Tuổi Trẻ: "Ngoài nguyên nhân từ đề thi, đâu đó có thể có tình trạng lơi lỏng trong coi thi."

Cũng trên Tuổi Trẻ, một cựu lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An lại cho rằng “khâu coi thi chắc chắn đã bị buông lỏng”. Bởi dù đề thi có được giảm nhẹ, vừa sức nhưng tỉ lệ tốt nghiệp ở nhiều nơi không thể tăng chóng mặt, nhất là ở hệ giáo dục thường xuyên. Theo vị lãnh đạo này, cho dù nỗ lực đến đâu, sau một năm tỉ lệ tốt nghiệp chỉ tăng khoảng 5% là phù hợp với quy luật tự nhiên.

Trên báo Tiền Phong, ông Văn Như Cương bày tỏ mối quan ngại: đề thi năm nay dễ hơn mọi năm nhưng đúng chuẩn, không đánh đố thí sinh. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của nhiều địa phương cao là đáng mừng, nhưng cũng cần xem xét có phản ánh đúng thực chất.

"Một giáo viên trường tôi tham gia chấm thi môn toán kể lại, một phòng thi có bài giống nhau cả sai lẫn đúng. Những điều này cho phép chúng ta nghi ngờ sự nghiêm túc ở khâu coi thi”- Thầy Cương cho biết thêm.

Đáp lại những ý kiến bất an trong xã hội về kết quả tốt nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay: "Sau khi có kết quả chấm trong toàn quốc, nếu nơi nào có dấu hiệu bất thường, thể hiện qua các dấu hiệu mâu thuẫn giữa kết quả quản lý chỉ đạo dạy và học, coi thi, chấm thi và kết quả đỗ tốt nghiệp thì Bộ có thể tổ chức chấm thẩm định bài thi theo quy định của quy chế."

Tuy nhiên, trước những dấu hỏi lớn đặt ra từ những hiện tượng sau kỳ thi mang tính quốc gia này, sự thanh tra của Bộ hay việc thẩm định khi thấy các dấu hiệu bất thường liệu có thể làm yên lòng dư luận? Bởi vì thực chất, sự lo lắng của xã hội không phải vô cớ nhưng lại thiếu những cơ sở mang tính bằng chứng như thầy Đỗ Việt Khoa đã làm vào năm 2006.

Câu hỏi thực chất hay màu mè của giáo dục có thể lại "không thể đáp". Chính vì thế, thay vì phấn khởi chúc mừng ngành giáo dục thì dư luận lại tiếp tục hoang mang vì những con số đẹp nhưng lại đẹp đến mức khó tin nổi này.

Dư luận vỗ tay hay 'nố súng'?

Những tỷ lệ khủng, nhiều trường đỗ 100% là việc nên biểu dương hay nên xem lại? Kết quả khủng gây nên  sự nghi ngờ, băn khoăn về một kỳ thi không trung thực, căn bệnh chay theo thành tích được tái diễn. Nhà nước tốn kém biết bao nhiêu kinh phí để tổ chức dạy, học, thi  mà đến khi có kết quả thi thì những người trong cuộc còn phải …nghi ngờ, boăn khoăn (?).

Còn nhớ khi, ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm 2007, hầu như 100 % tất cả các trường đều có thí sinh hỏng, có nhiều trường rớt te tua, thậm chí rớt…100%. Có người khen ngợi: như vậy mới là thi chứ! Có thi như vậy mới tác động các thế hệ năm sau lo dạy, lo học, thi thì phải nghiêm túc, đoàng hoàng, không chạy theo bệnh thành tích,v.v...

Nhưng cũng có lắm người vì thấy hỏng nhiều quá mà bức xúc, lên án, phê bình, nhiều ý kiến cũng xác đáng: ví dụ như có nghiêm túc thì phải từ từ, có 'xiết' thì nên làm từ khâu dạy, khâu học, có muốn chữa bệnh thì phải chữa từ gốc..v.v.

Năm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận "không muốn tạo dấu ấn cá nhân". Tuy nhiên, kết quả thi tốt nghiệp đã khẳng định ông đã tạo một dấu ấn hoàn toàn khác hẳn với vị Bộ trưởng tiền nhiệm. Điều quan trọng là dấu ấn'này xét ở góc độ giáo dục, sư phạm thì có gì bất thường?

Chúng ta hãy chờ những tràng vỗ tay hay những phát súng công bằng, chính trực từ dư luận xã hội.

Văn Bá Xuân (Trường TH-THCS- THPT Bùi Thị Xuân, Biên Hòa, Đồng Nai)

  • Nguyễn Hường