- Đó là một câu hỏi mà một chuyên gia về tâm lí giáo dục đặt cho bà Riikka Hassi, chuyên gia đến từ Phần Lan tại cuộc tọa đàm "Việt Nam học được gì từ giáo dục Phần Lan" diễn ra sáng nay, 13/1.

Vị chuyên gia này cho biết, trong quá trình làm việc, ông đã tiếp nhận điều trị nhiều sinh viên thuộc trường tốp của Hà Nội thậm chí cả học sinh từ nước Mỹ do áp lực học tập quá lớn.

Đặt câu hỏi cho diễn giả, vị này mong muốn bà Riikka chia sẻ kinh nghiệm hay thậm chí bí quyết nào đó từ nền giáo dục Phần Lan, một nền giáo dục vốn được coi là hàng đầu thế giới cách thức để giảm áp lực học hành đối với học sinh.

"Làm thế nào để học sinh của chúng tôi không chán học?" - vị này đặt câu hỏi.

Trong bài trình bày của mình, bà Riikka cho biết, Phần Lan hướng đến một hệt thống trường học thúc đẩy bình đẳng với triết lý "không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau".

Không có sự xếp hạng, so sánh và không cạnh tranh giữa các học sinh, trường học hay địa phương. Tất cả các em đều được hưởng nền giáo dục miễn phí.

Bà Riikka cũng cho biết, một "nghịch lý" trong giáo dục Phần Lan chính là học ít giờ đi nhưng chất lượng, kiến thức của học sinh lại tăng lên.

{keywords}
Các khách mời tham dự tọa đàm (từ phải qua): Ông Trịnh Minh Giang, bà Riikka Hassi, ông Lê Phước Minh, ông Đặng Minh Tuấn. Ảnh: Thùy Linh.

"Trên thực tế, việc giảm giờ học của học sinh sẽ giúp giáo viên có nhiều thời gian soạn bài, soạn giáo án, thời gian tương tác với học sinh, phụ huynh hơn" - bà Riikka chia sẻ.

Theo bà Riikka, ở Phần Lan, các học sinh sẽ không được kiểm tra quá nhiều bằng các bài test (kiểm tra). Trên thực tế, học sinh Phần Lan chỉ phải thực hiện 1 bài kiểm tra tiêu chuẩn trong suốt quá trình học tiểu học và trung học và cuối cùng là một bài kiểm tra quốc gia để vào ĐH.

Tuy vậy, học sinh Phần Lan lại được đánh giá rất nhiều trong suốt quá trình học thông qua các bài kiểm tra tính cách, dự định tương lai…

"Chúng tôi tạo sự bình đẳng nhưng khuyến khích sự đa dạng bởi nếu không có sự đa dạng thì sẽ không tận dụng được thế mạnh và tài năng của các em" - chuyên gia đến từ Phần Lan khẳng định.

Bên cạnh đó, theo bà Riikka, các trường học Phần Lan tập trung vào sự phát triển toàn diện và xem thời gian vui chơi giải trí là một phần quan trọng trong sự phát triển con người.

"Không giống các nước tập trung vào một số môn học cốt lõi, Phần Lan tập trung phát triển toàn diện cho học sinh. Ngoài các môn học, học sinh còn được học âm nhạc, hội họa, các hoạt động ngoại khóa…"

Sau mỗi tiết học, học sinh có 15 phút giải lao ngoài trời. Một học kỳ ở đây cũng ngắn hơn và các trường tiểu học cho học sinh rất ít bài tập về nhà.

Trả lời trực tiếp vào câu hỏi, bà Riika cho biết, để quá trình dạy và học thành công thì ngoài việc truyền thụ kiến thức, cũng phải giúp các em cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ trong quá trình học tập tránh những sức ép quá lớn, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Từ đó, bà Riikka cho rằng, cần chú ý đặc biệt tới các hoạt động giáo dục thể chất cũng như hoạt động giao lưu xã hội giúp các học sinh đỡ gánh nặng căng thẳng, tạo sự cân bằng trong cuộc sống của các em.

Giáo viên là nền tảng của giáo dục

Chia sẻ tại hội thảo, bà Riikka cũng cho biết, giáo viên chính là nền tảng của giáo dục Phần Lan. Nghề dạy học là một nghề có thanh thế ở Phần Lan và nhiều người trẻ mong muốn trở thành giáo viên. Chính vì vậy, nghề giáo viên không hề dễ được tuyển chọn và thời gian đào tạo khá dài ở cấp đại học.

Ông Trịnh Minh Giang, Giám đốc điều hành Trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel chia sẻ rằng, ngoài mức lương cao hơn các nghề khác thì nghề giáo viên ở Phần Lan rất danh gái.

Một cuộc khảo sát thực hiện tại Phần Lan cho thấy, hầu hết đàn ông tại quốc gia này đều mong muốn lấy vợ là giáo viên. Trong khi đó, đối với phụ nữ, giáo viên cũng xếp vị trí thứ 2 trong đối tượng họ mong muốn lấy làm chồng.

"Điều đó cho thấy giáo viên được coi trọng ở Phần Lan như thế nào" - ông Giang nói.

Điều đáng chú ý là ngoài mức lương cao, điều kiện làm việc tốt và được xã hội trân trọng, giáo viên ở Phần Lan còn được trao quyền tự quyết, cho phép học điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của từng học sinh của mình.

Theo số liệu thống kê của OECD, giờ dạy trung bình của giáo viên trung học ở Phần Lan chỉ bằng một nửa so với giáo viên Mỹ. Điều này giúp cho các giáo viên có thể dành nhiều thời gian hơn trong việc lên kế hoạch giảng dạy cùng với các đồng nghiệp, chia sẻ ý tưởng và phương pháp dạy học tốt nhất.

Từ kinh nghiệm của Phần Lan, một đại biểu đã chia sẻ quan điểm của mình về chính sách thu hút người tài cho giáo dục của Việt Nam. Vị này cho biết, ông vốn là một tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài về và đã tham gia giảng dạy ở một trường ĐH của Việt Nam nhưng sau 1 năm thì quyết định bỏ việc vì mức lương quá thấp.

Từ đó, vị này cho rằng, chính sách thu hút người tài cho giáo dục của Việt Nam chưa tốt. "Đáng lẽ cái cây càng non thì chúng ta càng phải đầu tư chăm sóc nhưng đằng này lại không" - vị này khẳng định. Do vậy, vị tiến sĩ này cho rằng, để cải cách nền giáo dục trước hết cần phải có cơ chế để thu hút người tài vào phục vụ cho ngành giáo dục.

Không đồng tình với quan điểm này, thạc sĩ Đặng Minh Tuấn, người điều phối cuộc tọa đàm chia sẻ rằng, bản thân anh hiện nay vẫn đang là một giáo viên dạy hợp đồng tại một trường THPT tại Hà Nội song anh vẫn cảm thấy rất vui vẻ vì anh yêu công việc của mình.

Trong khi đó, ông Lê Phước Minh, Phó Giám đốc Học viện quản lý giáo dục thì cho rằng, thực tế nghề giáo viên ở Phần Lan mức lương cao hơn nhưng không hẳn là vượt trội so với các nghề khác. Do đó, lương không phải là vấn đề quan trọng nhất.

Ông Minh cho rằng, vấn đề quan trọng chính là làm sao xã hội tạo ra sự công bằng để những ai thành công thì phải dựa trên sự xuất sắc của cá nhân họ.

"Tôi ngẫm lại ở Việt Nam có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp thành công nhưng không dựa trên sự xuất sắc, dường như họ dựa trên sự may mắn nào đó, một điều gì đó rất khó lý giải" - ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho rằng, đây chính là một trong những cản trở lớn khi chúng chúng ta học tập và áp dụng các mô hình giáo dục của những nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Lê Văn