- Nhiều học sinh chia sẻ các em mong rằng sẽ thấy các thầy cô giáo của mình cười nhiều hơn mỗi khi lên lớp.

Chia sẻ với VietNamNet, em Nguyễn Thị Ngân Hà (học sinh một trường THPT ở Hà Nội) cho biết bản thân luôn mong muốn thầy cô sẽ nhớ đến và tự hào về mình và đặc biệt luôn giữ lửa say mê nghề với những thế hệ học trò.

“Điều mong muốn nhất đó chính là các thầy cô sẽ luôn lên lớp với những nụ cười trên môi, để có thể là những người bạn đồng hành trên mọi bước đường hiện tại và tương lai của học sinh. Bởi em thấy không nhiều thầy cô có thể hiểu và giúp đỡ, thắp sáng ước mơ của học sinh.

Thậm chí, một số thầy cô thì có vẻ như chỉ chăm chăm mục đích là lên lớp cho xong”, Hà chia sẻ.

Theo Hà, thầy cô cần chủ động phá bỏ khoảng cách, tạo cho học sinh cảm giác gần gũi. “Bởi điều mà tất cả học sinh đều mong muốn đó là có thể có được sự thấu hiểu từ thầy cô không chỉ là trong việc học tập mà còn là những kiến thức xã hội. Có như vậy, học sinh chúng em mới có nhiều hơn nữa những cơ hội được tiếp xúc và phát triển khả năng của mình”.

{keywords}
Học sinh rất mong được thấy những nụ cười thân thiện từ các thầy cô mỗi giờ lên lớp. Ảnh minh họa.

Em Lê Thị Thanh (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Em nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần đến lớp rất vui vì thầy cô rất hay quan tâm, hỏi han đầy gần gũi và thân thiện. Nhưng có vẻ càng về sau này, sự quan tâm của thầy cô ở các cấp học ít hơn. Thậm chí, thầy cô lên lớp chỉ cố làm sao dạy được thật nhiều kiến thức cho học trò mà quên đi sự thân thiện vốn có. Quả thật, những thầy cô vào lớp mà nghiêm túc quá cũng khiến học sinh thấy sợ và giờ học trở nên nặng nề”.

Thanh cho rằng, để thầy trò thân thiện hơn, trước mỗi giờ học các thầy cô có thể dành ra ít phút chỉ để trò chuyện về những việc ngoài bài học, có thể về đời sống học sinh, sinh viên hay các chủ đề đang nổi trên mạng xã hội,…

Nguyễn Khắc Thịnh (sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải) nói: “Em chỉ mong thầy cô nghiêm túc khi dạy nhưng khi chấm điểm thì châm chước hơn để học sinh, sinh viên có động lực phấn đấu, thay vì việc khắt khe tìm và bắt mọi lỗi của học sinh, sinh viên để trừ điểm.

Khó cười tươi vì bộn bề nỗi lo

Nói về điều này, Anh Đoàn Văn Hải (giáo viên tỉnh Bình Phước) cho rằng thực tế giờ giáo viên khó có thể cười nổi bởi vô vàn áp lực.

“Từ vô vàn các cuộc thi: thi giáo viên giỏi, thi phụ trách chi – sao, thi viết chữ đẹp,... đến dự giờ thao giảng, thanh/kiểm tra, hồ sơ sổ sách viết lách đủ thứ. Rồi học sinh chưa ngoan nhưng phụ huynh ngày nay có tư tưởng quá bao bọc con em mình và thầy cô cũng lo sợ những việc làm của mình nếu không khéo, không làm vừa lòng phụ huynh là có thể bị khiển trách, kỉ luật, phạt hành chính, thậm chí là bị ra khỏi ngành”.

Cùng đó là trăn trở các ngành nghề khác thì được làm thêm còn nghề giáo thì bị cấm và giáo viên dạy thêm dưới bất kì hình thức nào đều bị coi như tội phạm.

“Chính vì tâm lý không dám kêu ca, không dám thổ lộ rồi sợ cấp trên soi chiếu, làm việc quá khuôn khổ và mất đi tính sáng tạo, lâu ngày giáo viên dần sống khép kín lại, vơi cảm xúc và ít nói cười”, anh Hải Anh nói.

Chị Đỗ Thị Việt Nga, giáo viên Trường Tiểu học Trưng Trắc (Hà Nội) cho rằng bản thân chị lên lớp khó nở những nụ cười tươi hơn bởi nghề giáo giờ đây với vô vàn những áp lực.

“Bản thân tôi cũng tự thấy mình ít cười hơn, áp lực nhiều hơn. Từ khối lượng công việc, giờ dạy nhiều, đủ loại hồ sơ, sổ sách, áp lực sĩ số học sinh đến những yêu cầu đòi hỏi của các cấp lãnh đạo. Đối diện với lớp học với sĩ số học sinh quá đông là áp lực lớn nhất khi học sinh nghịch ngợm, không nghe lời. Đi dạy nhưng đầu óc luôn lo lắng sợ rằng mình dạy không tốt, công việc quá sức”.

Theo chị Nga, làm việc nhiều, ít được nghỉ ngơi, nhưng đồng lương không cao trong khi nhu cầu cuộc sống luôn cần nâng cao, cải thiện cũng tạo nên áp lực với các giáo viên.

Đồng quan điểm, chị Hồ Thị Trà (giáo viên tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng giáo viên giờ đây phải lo giải quyết khối lượng công việc quá nhiều. “Mỗi năm đổi mới mỗi khác, giáo viên khổ sở lo thực hiện công văn này, công văn kia, thông tư này, thông tư khác, phải nói là xoay chóng mặt”.

Hầu hết các giáo viên cho rằng, việc tháo gỡ, giảm tải các áp lực vô hình đó sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ, có được tinh thần tốt hơn mỗi giờ lên lớp. Qua đó làm cho mối quan hệ, tình cảm thầy trò trở nên thân thiện, gần gũi hơn.

Thanh Hùng

***************

Xem thêm: