-Qua 5 lần chỉnh sửa, buổi góp ý sáng 5/10 nhiều nội dung trong dự thảo đưa ra vẫn chưa "thuyết phục" được Hiệp hội các trường ngoài công lập Việt Nam.
Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng. Nguồn ảnh:  Xuân Trung
Số đông các ý kiến cho rằng, những bất cập trong hệ thống giáo dục vẫn chưa được Luật đặt vấn đề giải quyết thấu đáo.

Bà Trần Thị Thu Hà - phó Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình băn khoăn, dự thảo chưa phân định rõ hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Hơn nữa các chính sách để phát triển GD ĐH cũng chưa rõ, cụ thể: chính sách đầu tư, chính sách cho người học/ người dạy...

Thêm nữa, khi Bộ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường thì không nên "ôm" việc biên soạn giáo trình dùng chung cho tất cả các trường - bà Hà góp ý kiến. Vì Bộ không giỏi bằng các giáo sư (GS) chuyên ngành được. Cho nên Bộ chỉ cần quy định chương trình phải đạt chuẩn A, B, C...làm căn cứ cho các trường viết sẽ hợp lí hơn.

Nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Lê Viết Khuyến tiếp lời, việc thẩm định chương trình hiện là quá sức đối với Bộ. Vì thời ông còn làm ở Vụ một chuyên viên phải duyệt đến vài trăm chương trình thì làm sao chất lượng? Và cách làm việc của Bộ là khoán cho 1 chuyên viên phụ trách vài chục trường và quét tất cả chương trình đào tạo của các trường - thực tế đã không làm được.

Khi Bộ không làm được thì các sở làm sao làm nổi? Do đó, ông Khuyến đề xuất, khi giao quyền tự chủ cho các trường thì nên giao thực sự chứ không phải phân cấp cho cấp dưới. Còn các trường thực chất vẫn tự chủ nửa vời.

Ngoài ra, để giải quyết những vấn đề lộn xộn trong giáo dục ĐH hiện nay, Luật cần định hướng cụ thể cho sự phát triển GD ĐH. Cần có phân tầng giữa ĐH tinh hoa và ĐH cho số ít. Ví như: ĐH tinh hoa thì cần quy định ngưỡng (điểm sàn), thậm chí ngưỡng cao. Còn ĐH đại chúng thì không cần ngưỡng?

Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng cũng cho rằng, nhân việc soạn thảo Luật GD ĐH cần làm rõ loại hình trường CĐ nghề. Đồng thời, cơ cấu lại hệ thống đào tạo...

Song song với đó cần có quy định thế nào là "lợi nhuận" và "phi lợi nhuận". Bởi theo ông Tùng, hiện không có quy định trường tư là "lợi nhuận" hết nhưng cũng không bắt trường tư là "phi lợi nhuận" hết, lời ông Tùng. Do đó quy định cần làm rõ chỉ những trường vì lợi nhuận thì nộp thuế và những trường không vì lợi nhuận thì không phải đóng thuế.

Ông Tùng cho rằng, đã có trường tư thì phải có những quy định trong Luật phù hợp, tránh tình trạng vừa làm vừa sửa.


Vụ trưởng Vụ pháp chế Chu Hồng Thanh. Nguồn ảnh: Xuân Trung
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị thẳng thắn, hiện nay hầu hết các trường tư không được vay vốn nhà nước phải đi vay ngoài. Vậy nhà nước căn cứ vào đâu để khuyến khích phi lợi nhuận? Chỉ khi nào nhà nước có đặc ân, đặc lợi nào đó đối với các trường ngoài công lập thì mới đặt vấn đề phi lợi nhuận.

Đại diện Trường ĐH Chu Văn An nhìn nhận, hiện nay giáo dục ngoài công lập đang quặt quẹo rồi thì chỉ có Luật mới trị được. Do đó Luật ban hành phải khắc phục được những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục hiện nay.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Chu Hồng Thanh cho biết, quá trình soạn thảo Luật GD ĐH - Bộ trưởng, trưởng ban soạn thảo luôn chú trọng đề cao tính tự chủ cho các trường. Đây cũng là vấn đề phần quan trọng dự thảo Luật đề ra. Cụ thể, việc xây dựng chương trình, tuyển sinh, cấp phát văn bằng chứng chỉ, bằng tiến sĩ....đều giao các trường đảm nhận.

Vẫn theo ông Thanh, tới đây có thể khâu in ấn văn bằng chứng chỉ cũng giao cho các trường in. Khi đó vấn đề bằng thật, bằng giả sẽ do các trường chịu trách nhiệm. Và việc bổ nhiệm GS, phó GS tiến tới cũng sẽ giao cho trường....

Những ý kiến về vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận đã quy định ở Điều 61 của dự thảo Luật GD ĐH. Nhiều ý kiến đề xuất nên khống chế ở mức độ nhất định để biết lợi nhuận hay không lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, việc xác định tỷ lệ trong Luật là rất khó.

Ông Thanh nhìn nhận, dự thảo Luật GD ĐH đang trong quá trình hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Do đó, tất cả những ý kiến đóng góp đều được Ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở để hoàn thiện ban hành Luật GD ĐH.

  • Kiều Oanh