Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn: Bổ nhiệm Trưởng khoa đúng quy định

Trước những lùm xùm xảy ra tại khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM đã thông tin về vụ việc.

Theo thông báo của trường này, quy định về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng quyết định năm 2018, trong đó có trưởng khoa Hàn Quốc học, áp dụng các văn bản quy định của Nhà nước, của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và nhà trường trong việc bổ nhiệm viên chức quản lý thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng.

Đó là: Luật Viên chức; Nghị định số 29/2012 của Chính phủ, Quyết định số 70/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Điều lệ trường đại học (thời điểm bổ nhiệm bà Mai còn hiệu lực); Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học thành viên và khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM do ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành; Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường và các văn bản có liên quan khác.

Theo đó, tiêu chuẩn của trưởng khoa được quy định phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa, có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý.

"​Quy trình bổ nhiệm trưởng khoa được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục: Nhà trường dựa trên các quy định về việc bổ nhiệm viên chức quản lý thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của cá nhân và tình hình thực tế của đơn vị và của Nhà trường. Quy trình bổ nhiệm trưởng khoa được triển khai công khai, minh bạch tới toàn thể viên chức – người lao động của Trường, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, giám sát của Công đoàn trường, đại diện Ban chủ nhiệm Khoa đương nhiệm, đại diện Chi ủy, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Khoa, đại diện Phòng Tổ chức - Cán bộ và sự tham gia của toàn thể viên chức – người lao động trong Khoa" - trường này khẳng định. 

Đối với việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Mai làm trưởng khoa Hàn Quốc học, trường này thông tin, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức, năng lực, độ tuổi, sức khỏe,… bà Nguyễn Thị Phương Mai hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm trưởng khoa theo quy định như: tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục tiếng Hàn và thạc sĩ chuyên ngành Hàn Quốc học tại Trường ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai cũng có đầy đủ các văn bằng chứng chỉ theo tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ đại học, như chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, Chứng chỉ ngoại ngữ, Chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Bà Phương Mai có thâm niên giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học. Từ năm 2003 đến nay, bà Nguyễn Thị Phương Mai đã tham gia giảng dạy tại Khoa Hàn Quốc học, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia viết sách và có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Phương Mai còn có kinh nghiệm quản lý ở vị trí trưởng bộ môn và phó trưởng khoa trước khi giữ chức vụ trưởng khoa như hiện nay.

Giảng viên xin nghỉ: "Chúng tôi không bộp chộp khi dứt áo ra đi"

Ngày 2/3, phóng viên VietNamNet đã gặp một số giảng viên trong số 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nộp đơn xin nghỉ việc. Các giảng viên này cho hay đây là lần đầu tiếp xúc và chia sẻ thông tin về vụ việc với báo chí.

{keywords}
11 giảng viên của khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đồng loạt xin nghỉ việc

Trong 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học nộp đơn xin nghỉ, người có thời gian làm việc ít nhất 5 năm, người có thời gian làm việc nhiều nhất là 23 năm. Trong số này, có nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ.

“Đồng ý làm việc thì phải theo “lý” nhưng cũng phải có “tình”. Nhìn lại, khoa Hàn Quốc học từ một bộ môn phát triển thành khoa nổi tiếng như hôm nay, tập thể giảng viên, lãnh đạo khoa từ lúc thành lập đến khi sự việc xảy ra đều sống rất tình cảm, chân tình, đoàn kết. Bằng chứng là khoa đã tổ chức rất thành công nhiều chương trình. Nếu trong quá trình đó, chúng tôi vô kỷ luật thì không thể đạt được điều đó” – một giảng viên cho hay.

Theo các giảng viên, sự việc kéo dài, âm ỉ ở khoa Hàn Quốc học đã lâu và mọi người vẫn mong giải quyết trong nội bộ khoa, mong một cuộc đối thoại và đã nhiều lần gặp nhưng không đi đến kết quả. 

Một giảng viên bật khóc khi có ý kiến nói mình không tôn sư trọng đạo như tố thầy của mình, khiến họ cảm thấy bị xúc phạm. Hay việc hiểu nhầm các giảng viên chống đối trưởng khoa chỉ vì quy định đi họp họp trễ 15 phút coi như vắng khiến họ đau lòng.

“Chúng tôi không phản đối nhưng ra quy định mới mà không có thông báo để mọi người nắm trước thì đó là sự áp đặt, chứ không phải vì đi trễ 15 phút. Bản thân chúng tôi làm việc với các đối tác quốc tế, mà trước hết là Hàn Quốc rất đúng giờ nên đều ý thức điều này”- cô nói.

Theo các giảng viên, để đến bước nghỉ việc tập thể, các giảng viên đã đi qua nhiều bước, đã có đơn cầu xin, cầu xét và kiến nghị cả lên Thanh tra Chính phủ…

“Chúng tôi không thể vì lý do nhỏ mà “bộp chộp” dứt áo ra đi. Quyết định ra đi là cả sự trăn trở và nước mắt”.

Theo họ, trong các cuộc họp với nhà trường, giảng viên đã trăn trở rất nhiều. Nhiều người khi phát biểu đã khóc vì xem khoa Hàn Quốc học như ngôi nhà thứ 2.

“Có người nói trước đây khoa Hàn Quốc học chỉ là 1 cái phòng nho nhỏ, cũ kỹ nhưng rất ấm áp còn giờ văn phòng khoa to đẹp nhất trường nhưng không muốn bước lên”.

Những giảng viên này nói rằng, điều khiến họ gắn bó với khoa Hàn Quốc học, với trường không phải vì danh lợi. Bởi nếu nói về đồng lương thì đi làm ở ngoài cao hơn nhiều.

“Điều chúng tôi gắn bó với nghề là đam mê, yêu nghề, muốn truyền đạt lại cho thế hệ sau. Chúng tôi may mắn được đi học nước ngoài, do vậy nhìn thấy sự phát triển của các nước khác mà nguồn gốc phát triển đều từ giáo dục. Đó là lý tưởng của chúng tôi. Các bạn cứ hình dung 6 giờ sáng chúng tôi có mặt ở trường để đi xuống ĐH Quốc gia TP.HCM (nằm giữa địa bàn TP.HCM và Bình Dương) thì có nghĩa là 5 giờ sáng, các giảng viên đã ra khỏi nhà. Chúng tôi giảng dạy đến 18h chiều mới về thành phố. Chúng tôi làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, vậy thì điều gì khiến chúng tôi gắn bó, có phải là đồng lương và danh lợi không?”

Các giảng viên kể, ngày 27 âm lịch tháng Chạp năm 2020 có 4 người nộp đơn xin nghỉ việc; Ngày 28 âm lịch có thêm 4 người nộp đơn và đến mùng 6 Tết thì thêm 3 người nộp đơn xin nghỉ. Đến nay có 3 giảng viên đã nhận được quyết định nghỉ chính thức; 8 giảng viên khác chưa có quyết định nghỉ nhưng điều bất ngờ là được sinh viên thông báo tên họ đã không có trong thời khóa biểu giảng dạy.

Lê Huyền

Hiệu trưởng lên tiếng vụ 11 giảng viên Hàn Quốc học đồng loạt nghỉ việc

Hiệu trưởng lên tiếng vụ 11 giảng viên Hàn Quốc học đồng loạt nghỉ việc

11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cùng lúc xin nghỉ việc.