- Theo phản ánh của các giáo viên tới VietNamNet, một số câu hỏi của môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia có thể có tới 2 đáp án. Tiếp nhận những tranh luận này, tổ ra đề (Bộ GD-ĐT) khẳng định đề thi được xây dựng theo kỹ thuật của phương thức trắc nghiệm khách quan, đáp án đã công bố là chính xác.

Các câu hỏi gây thắc mắc

Thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đưa dẫn chứng: Câu hỏi số 39 mã đề 311 đề cập tới “Bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Pháp ngày 6/3/1946”. Đáp án của Bộ GD-ĐT đưa ra là “Công nhận sự thống nhất của nước Việt Nam” liệu có đúng?

"Tôi tìm trong “Hiệp định sơ bộ 1946” không có từ nào đề cập đến tính thống nhất cho Việt Nam" - thầy Hiếu băn khoăn.

Câu hỏi này như sau:

Bản Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Pháp ngày 6-3-1946 đã:

A. Thừa nhận quyền bình đẳng, tự quyết của nhân dân Việt Nam.

B. Công nhận sự thống nhất của nước Việt Nam.

C. Công nhận nền độc lập của nước Việt Nam.

D. Thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.

Đáp án là B.

Ngoài ra, câu hỏi 31 mã đề 324 như sau: 

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu năm 1930) và Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (10/1930) xác định:

A.Đảng Cộng sản Đông Dương giữ vai trò lãnh đạo cách mạng.

B. Lực lượng của cách mạng tư sản dân quyền bao gồm toàn dân tộc.

C.Nhiệm vụ cách mạng là xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc.

D. Tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất.

Đáp án của Bộ GD-ĐT đưa ra là C

Tuy nhiên, các giáo viên phổ thông dạy Lịch sử đang tranh cãi đáp án của câu này và nhiều người cho rằng đáp án C là chưa thuyết phục.

Theo thầy Hiếu, cả 2 đáp án C D đều có thể trả lời cho câu hỏi với lời dẫn trên.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q3, TP.HCM) ví dụ câu hỏi dễ gây hiểu nhầm cho học sinh.

Cụ thể, câu hỏi 5 (mã đề 305), câu 23 (mã đề 311), câu 13 (mã đề 319), câu 19 (mã đề 321)

Giai cấp, tầng lớp nào giữ vai trò động lực của phong trào cách mạng 1930 - 1931 ở Việt Nam? 

A. Công nhân và trí thức

B. Công nhân và tiểu tư sản

C. Công nhân, nông dân và trí thức

D. Công nhân và nông dân

Đáp án là phương án D

Nhiều ý kiến đặt câu hỏi vậy "tầng lớp" ở đây là ở đâu.

Một thắc mắc khác: Câu hỏi 5 (mã đề 304), câu 9 (mã đề 306), câu 1 (mã đề 314), câu 1 (mã đề 320): 

Trong những năm 20 của thế kỉ XX, ở Việt Nam tổ chức nào dưới đây ra đời sớm nhất?

A. Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

B. Đông Dương Cộng sản Đảng.

C. An Nam Cộng sản Đảng.

D. Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Đáp án là phương án A.

Các thầy cô cho rằng tổ chức này ra đời ở Trung Quốc nên câu hỏi này thể là sự nhầm lẫn trong cách dùng từ (nên dùng từ "của" chứ không phải từ "ở"), dễ khiến học sinh hiểu sai.

Thầy Nguyễn Đình Hoà, Giảng viên bộ môn Lịch sử, Trường ĐH Sài Gòn dẫn chứng thêm câu hỏi có thể gây nhầm lẫn cho học sinh. Đó là câu hỏi 22 (mã đề 302): 

Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất trong khi thực hiện chiến lược chiến tranh nào ở miền Nam Việt Nam?

A. Chiến tranh cục bộ.

B. Đông Dương hóa chiến tranh.

C. Việt Nam hóa chiến tranh.

D. Chiến tranh đặc biệt.

Đáp án là phương án D.

Theo phân tích của thầy Hoà 3 phương án đều có câu trả lời đúng là: Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ. Phương án 3 đúng hơn cả nhưng lại không có trong đáp án.

Phương án nhiễu" là một kỹ thuật của trắc nghiệm khách quan

Sau khi tiếp nhận ý kiến phản hồi về đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2017 trên một số báo, tổ ra đề thi đã rà soát cẩn thận, kĩ càng từng câu hỏi trong các mã đề thi theo phản ánh.

Chiều 29/6, tổ ra đề khẳng định: "Đề thi, đáp án đã công bố là chính xác hoàn toàn. Thí sinh yên tâm kết quả làm bài của mình sẽ được đánh giá chính xác".

Cụ thể hơn, nội dung các câu hỏi đều bám sát kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, NXB Giáo dục Việt Nam (2016). 

Tổ ra đề cũng giải thích đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đổi mới thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan và dùng dạng thức câu hỏi ở dạng trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, trong 4 phương án lựa chọn sẽ có một phương án đúng, các phương án còn lại được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với người làm bài và được gọi là các "phương án nhiễu". 

Đặc biệt, câu hỏi ở các cấp độ vận dụng và vận dụng cao, theo kỹ thuật viết câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn thì các phương án nhiễu buộc phải có vẻ như “có lý” và “hấp dẫn” như phương án đúng nhưng không phải là phương án đúng. 

Trong một vài câu hỏi có sự băn khoăn về nội dung và đáp án trong các đề thi môn Lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vừa qua, các câu hỏi này hầu hết ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Do đó, đòi hỏi thí sinh phải phân tích, đánh giá, suy luận và đặc biệt phải kết nối được các sự kiện một cách logic để tìm ra phương án trả lời đúng trong tất cả các phương án đã cho.

Tổ ra đề thi cũng cảm ơn các ý kiến đóng góp và cho biết có thể trao đổi trực tiếp với bạn đọc để giải thích rõ những băn khoăn thắc mắc liên quan đến nội dung đề thi.

Chọn và ra đề thi: Cần tinh tuý hơn nữa

“Tôi cho rằng, đây là những lỗi kỹ thuật xảy ra do năm đầu tiên thi trắc nghiệm nên không tránh khỏi. Đề thi Lịch sử cơ bản nhưng yếu tố phân hoá không rõ nét. Không phát huy được các kỹ năng của người giỏi sử mà chỉ đơn thuần kiểm tra kiến thức theo chiều rộng mà không có chiều sâu. Tuy nhiên nên tạm chấp nhận vì yếu tố thời gian là một trong những yếu tố quan trọng của lịch sử đã bị bỏ để giảm tải cho học sinh” - thầy Nguyễn Viết Đăng Du nhìn nhận.

Anh Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh về lịch sử tại Nhật Bản phân tích: "Khi làm câu hỏi trắc nghiệm, người ta sẽ tránh các câu hỏi yêu cầu thí sinh đánh giá về giá trị. 

Chẳng hạn "chính thức” là từ khóa quan trọng trong câu hỏi số 22 của mã đề 302 - nhưng ai là người xác định nó là chính thức, dựa trên tiêu chí nào… là thứ mơ hồ vì vậy mà dẫn đến tình trạng như giáo viên nêu. Câu này rất khó phân định chính xác đáp án nào là tuyệt đối đúng vì phụ thuộc vào cái nhìn lịch sử của từng người. 


Khi khảo sát các đề thi của trung tâm người ta thấy rằng các tác giả ra đề rất coi trọng việc đo đạc xem “thí sinh có hiểu chính xác hay không”.

Vì vậy, khi làm câu hỏi trắc nghiệm hoặc là người ta chỉ kiểm tra học sinh về tính đúng-sai của sự kiện (thời gian, không gian, nhân vật) hoặc đọc hiểu tư liệu chứ không yêu cầu đưa ra kết luận về giá trị hay đánh giá sự kiện.

Ở Nhật, kỳ thi quốc gia để tuyển sinh đại học do một tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập đảm nhận - tổ chức chuyên nghiệp làm việc cả năm này kí hợp đồng với Bộ Giáo dục và làm trọn từ ra đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả. Trong khi đó, ở Việt Nam, công việc có tính chất thời vụ nên không khỏi xảy ra hiện tượng tranh luận.

Cho rằng "năm đầu tiên thực hiện thi Lịch sử theo phương thức trắc nghiệm", thầy Hiếu góp ý nên cẩn trọng khi lựa chọn đội ngũ giáo viên làm công tác phản biện đề thi. Đó phải là những giáo viên thật sự có kinh nghiệm giảng dạy, có tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, có chính kiến và bản lĩnh khoa học.

  • Lê Huyền - Thanh Hùng - Lê Văn