Kết quả nghiên cứu cho thấy, hoạt động của các trường đại học sau tự chủ vẫn chủ yếu dựa vào học phí. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trình bày tại Hội nghị tổng kết thí điểm tự chủ ở các cơ sở GD ĐH sáng 20/10 cho thấy, sau khi tự chủ, nguồn thu từ học phí và lệ phí của các trường tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ.

Đây vẫn là nguồn thu chính, chiếm trên 70% trong tổng thu của các trường.

Trong khi đó, các khoản thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ, tư vấn doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu của các trường.

Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường đại học tự chủ chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo" - báo cáo nhận định

"Vấn đề này cũng hàm chứa rủi ro về tài chính bởi phụ thuộc chủ yếu vào vào quy mô đào tạo và mức thu học phí. Cả hai yếu tố này nhà nước vẫn đang kiểm soát và quy định về trần học phí và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm”.

Từ đó, các tác giả cho rằng, nếu nguồn thu chủ yếu không được tạo ra từ nội lực các trường mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan thì nguồn thu này sẽ không bền vững và trong dài hạn sẽ gây bất lợi cho chất lượng đào tạo khi việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn hoặc nhà nước cắt giảm chỉ tiêu. 

Bên cạnh đó, các tác giả cũng chỉ ra những tác động tích cực trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức nhân sự và tài chính của các trường sau khi các trường được giao quyền tự chủ.

Cụ thể, về nhiệm vụ đào tạo, số lượng ngành, chương trình đạo tạo mới được mở ở nhiều bậc học, tùy thuộc năng lực và định hướng phát triển của nhà trường. Có trường mở mới tới 39 ngành học khác nhau kể từ sau khi tự chủ.

Trong khi đó, một số trường chủ động dừng và loại các ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu người học/thị trường lao động và đồng thời mở thêm nhiều ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

{keywords}
Số lượng các ngành được mở mới sau khi các trường thí điểm tự chủ. 

Về tuyển sinh, học phí các trường tự chủ cao hơn so với mặt bằng chung đang trở thành một trong những nguyên nhân khiến quy mô tuyển sinh của các trường thí điểm tự chủ giảm xuống.

Bên cạnh đó, việc các trường đã tự chủ không chủ động trong phương án tuyển sinh cho thấy tâm lý thụ động, cầu an của các trường. 

Về nghiên cứu khoa học, số lượng các công trình được công bố của 12 trường tự chủ trên 2 năm tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013-2016. 

Trong đó số lượng các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất (số lượng năm 2016 tăng hơn 2 lần so với năm 2013 – tăng từ 574 lên đến 1437 công trình).

{keywords}
Thay đổi cơ cấu nhân sự tại các trường đại học thực hiện tự chủ.

Về tổ chức bộ máy nhân sự, đến nay, 8/12 trường tự chủ trên 2 năm (chiếm 66,7%) đã thành lập HĐT, tỉ lệ cao gần gấp đôi so với mức chung của toàn hệ thống các trường đại học (36,2%).

Các trường đã bước đầu tổ chức lại bộ máy theo hướng hiệu quả hơn (thành lập mới một số đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, sáp nhập, giải thể, đổi tên các đơn vị không còn phù hợp với cơ chế tự chủ), thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và NCKH, nâng cao chất lượng đào tạo.

Báo cáo cũng cho biết, cơ chế tự chủ cho phép các trường đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng.

Số lượng cán bộ/giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường đã tự chủ tăng lên đáng kể, số lượng cử nhân giảm xuống so với giai đoạn trước tự chủ.

Bên cạnh đó, kể từ khi tự chủ, thu nhập của cán bộ, giảng viên và người lao động tại các trường có xu hướng tăng lên.

Về tài chính, tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 là 7.765 tỷ đồng (không tính đầu tư xây dựng cơ bản - XDCB) so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.660 tỷ đồng tăng 16,6%.

{keywords}
Thay đổi cơ cấu nguồn thu của các trường trước và sau tự chủ.

Thiếu nhiều cơ sở pháp lý

Các tác giả báo cáo cũng cho rằng, có 2 vấn đề đang ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện tự chủ trong các trường đại học là cơ chế chính sách của nhà nước và tổ chức quản trị trong các trường đại học.

Về cơ chế chính sách, ngoài những điều đã đạt được, báo cáo cho rằng, thực tế, hoạt động tự chủ của các trường đại học công lập đang chịu ảnh hưởng của nhiều luật khác nhau và dù có một số văn bản mang tính ”cởi trói” song các văn bản này đều khó vượt qua khỏi luật, đăc biệt là Luật GD ĐH, Luật Đầu tư công, Luật về quản lý sử dụng tài sản nhà nước.

Thực tế các trường các trường đại học tự chủ vẫn cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ” – báo cáo viết.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị sáng 20/10.

Báo cáo cũng chỉ ra 6 hạn chế trong các văn bản quy định dẫn đến khó khăn khi triển khai tự chủ:

Thứ nhất, là thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường.

Thứ hai, hiện nay nhiều qui định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ.

Thứ ba, khi được giao thí điểm tự chủ đại học, các trường đại học không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ tư, tính thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học dẫn đến sự lúng túng của các trường đại học thí điểm tự chủ.

Thứ năm, việc giao quyền tự chủ đối với GDĐH mới chỉ thực hiện trong phạm vi thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính; chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo.

Thứ sáu, tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học trong cơ sở GDĐH: các trường đã thực hiện tự chủ nhưng cơ chế quản trị chưa hoàn thiện do chưa có chế tài cho việc thành lập HĐT.

Tự chủ nhưng quản trị vẫn theo kiểu ”công lập”

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong vấn đề tổ chức quản trị các trường ảnh hưởng tới việc thực hiện tự chủ, từ vấn đề cơ quan chủ quản, hội đồng trường, công tác quản trị và công tác kiểm định.

Theo đó, cơ chế “cơ quan chủ quản” đang khiến các trường gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền tự chủ của mình. Báo cáo kiến nghị giải pháp lâu dài là các trường cần trở thành pháp nhân độc lập, không có cơ quan chủ quản. Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước và giám sát quá trình công khai, minh bạch ở các trường.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vấn đề hội đồng trường được bàn bạc khá kỹ trong báo cáo.

Theo đó, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc thành lập hội đồng trường ở các trường đại học, từ nhận thức về vai trò của hội đồng trường, cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường cho tới hoạt động của hội đồng trường.

Báo cáo cũng chỉ ra 6 bất cập của hội đồng trường hiện nay, bao gồm: thiếu đầy đủ và chưa rõ ràng trong cơ chế chính sách; mối quan hệ giữa Đảng uỷ và HĐT, thậm chí là với BGH chưa rõ ràng, chưa được phân định trong mối quan hệ giữa ba tổ chức trên; các cơ quan chủ quản cũng chưa quyết liệt trong việc thành lập HĐT; tiêu chuẩn tham gia hội đồng trường với những quy định chưa cụ thể rõ ràng, cơ cấu thành viên chưa hợp lý; hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức vì chưa có hướng dẫn cụ thể; nguồn kinh phí cho hoạt động của HĐT phục thuộc vào kinh phí của Nhà trường do Hiệu trưởng quyết định.

Về công tác quản trị, báo cáo nhận định, Một số trường tỏ ra miễn cưỡng, hình thức trong việc minh bạch hoá các thông tin về tài chính, qui trình và kết quả đào tạo, việc làm, kiểm định chất lượng giáo dục. Quá trình kiểm toán, giám sát tài chính nội bộ chưa được thực hiện.

Công tác quản trị nhà trường ở đa số các trường đại học tự chủ vẫn mang tính “công lập”, có nghĩa là do sự chưa rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm của HĐT cũng như mối quan hệ giữa HĐT, ĐU và BGH, công tác quản trị nhà trường dường như chưa thay đổi nhiều, các chuyển biến còn khá mờ nhạt.

Bên cạnh đó, với một số trường, nhận thức về tự chủ còn chưa thực sự đầy đủ. Các trường đại học khối kinh tế và những trường đào tạo các ngành mà đầu tư cho đào tạo không nhiều đánh giá rất cao và chờ đợi nhiều cơ hội từ tự chủ. Ngược lại, một số trường khác, đặc biệt là các trường đào tạo các ngành kỹ thuật cần nguồn lực đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất lớn thì e ngại, nếu tự chủ hoàn toàn trường sẽ không lo được.

Từ đó, báo cáo cũng nêu ra hàng loạt các kiến nghị khác nhau để việc thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học hiệu quả hơn.

Lê Văn